Trao đổi với PLO về clip cảnh dân chui qua “lỗ” làm việc với cán bộ ở Nam Định, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ), cho biết thực tế hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể về việc kê bàn ghế, dựng vách ngăn kính với khoảng cách bao nhiêu tại trụ sở tiếp công dân cả.
Tuy nhiên, các văn bản quy định việc tiếp công dân có một yêu cầu quan trọng là phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến làm việc tại nơi công quyền, đồng thời phải giải quyết thủ tục hành chính cho người dân theo hướng tốt nhất.
Ông Điệp cho rằng câu chuyện quanh clip tiếp dân ở Nam Định đang được các cấp có thẩm quyền tỉnh Nam Định làm rõ, sau khi có báo cáo sẽ có thông tin cụ thể sau. “Nội quy tiếp dân hiện nay cũng giao và thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND ở địa phương. Tôi đã đề nghị cung cấp thông tin cụ thể về sự việc”, ông Điệp cho hay.
Liên quan tới sự việc trên, tối 16/4, trao đổi với PV Lao Động, bà Trần Thị Thu Thủy (SN 1983, trú tại Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) người quay clip xác nhận: Tôi là người quay clip, chụp ảnh về việc dân phải chui qua lỗ kính để làm việc tại bộ phận đăng ký tiếp công dân ở UBND tỉnh Nam Định.
Bà Thủy cho biết, vào thời điểm đó, bà tới để phản ánh, khiếu nại và đăng ký được tiếp công dân để được giải đáp rõ ràng về chính sách thu phí tại trạm BOT Mỹ Lộc (Nam Định).
Theo bà Thủy, bà đã thức dậy từ 4h sáng và đến 5h thì tới UBND tỉnh Nam Định để đăng ký tiếp công dân. Khi tới nơi, đã có nhiều người đang chờ đợi trước và bà Thủy nhận số thứ tự thứ 11. Người đăng ký được đầu tiên là ông cụ già nhất, người này đã đi từ 1h đêm hôm trước.
“Điều đáng nói, có rất nhiều người lớn tuổi, họ là những “ông già, bà cả” mà cứ phải chui xuống cái lỗ bé tý, bò ra bàn, chìa tay ra mới có thể đưa giấy tờ và nói chuyện với cán bộ.
Trong khi đó, thái độ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ thì không chấp nhận được. Bàn làm việc được kê quá xa, cán bộ hỏi rất bé, rất khó nghe trong khi bên ngoài rất đông người khiến rất mất thời gian.