Sáng ngày 19 tôi đến cơ quan khi vừa họp giao ban xong thì thấy có điện của một chiến hữu ở Phòng CSHS. Với giọng gấp gáp, anh cho tôi biết có vụ trọng án rất nghiêm trọng ở hiệu vàng Kim Sinh, 48 phố Tây Sơn. Thông tin chỉ có vậy, tôi lập tức gọi điện cho Thượng tá Nguyễn Đức Nhanh - Phó giám đốc Công an TP. Anh nói gọn lỏn:
- Mày đến ngay đấy đi anh cũng đang đến.
Sở dĩ anh Nhanh hay gọi tôi là "mày" và xưng "tao", hoặc "anh" là bởi vì trong những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, tôi sơ tán về quê ở gần chùa Hương, và học cùng trường làng với anh. Và có lẽ, mãi về sau này, khi đã trưởng thành, trong trí nhớ của anh, tôi vẫn chỉ là thằng bé chuyên câu trộm cá ở ao nhà anh... Cho nên anh vẫn xưng hô như "ngày xưa".
Khi tôi đến thì thấy các đồng chí công an đứng vòng trong vòng ngoài, và ở bên trong các sĩ quan của Phòng Khoa học kỹ thuật hình sự bắt đầu công tác khám nghiệm. Anh em không cho tôi vào, đúng lúc đó Thượng tá Nhanh tới và nói với anh em cho tôi vào chụp mấy kiểu ảnh.
Qua gian phòng ngoài đến phòng trong, ở bếp thì tự nhiên chân tay tôi bủn rủn khi nhìn thấy những thi thể nằm dưới sàn nhà và nói hơi ngoa thì đúng là "máu ngập tới mắt cá chân". Nhìn cảnh tượng hãi hùng ấy tôi không đủ can đảm bấm nhiều ảnh mà chỉ chụp độc 1 kiểu.
Khi ra ngoài tôi hỏi Trung tá Phạm Công Long, Trưởng Công an quận Đống Đa về vụ án. Trung tá Long cho biết chưa xác định được manh mối gì. Tôi trở về cơ quan và suốt ngày cứ ám ảnh cảnh tượng hãi hùng ở trong căn nhà đó.
Chiều tối, tôi đang đi đánh bóng bàn ở Báo Công an nhân dân - 66 Thợ Nhuộm, chợt nhớ lại vụ án buổi sáng, tôi gọi điện cho Thượng tá Nhanh hỏi:
- Anh ơi tình hình vụ án đã phát hiện ra hung thủ chưa?
Thượng tá Nhanh nói:
- Tao nói điều này mày phải thật sự giữ bí mật, ông Chuyên mà biết thì chết tất đấy.
- Dạ, vâng ạ!
Rồi anh Nhanh bảo:
- Xác định được đối tượng rồi, nhưng bây giờ tao chưa thể nói được. Bây giờ mày qua 55 Lý Thường Kiệt hỏi Hùng "xịt". Nếu Hùng "xịt" cho mày đi thì tốt. Nhưng đừng có nói là tao cho mày biết đấy.
Sơ đồ hiện trường vụ thảm sát.
Tất cả thông tin chỉ có thế thôi và tôi lững thững đi sang 55 Lý Thường Kiệt và thấy Phó phòng CSĐT Đỗ Văn Hùng - người có biệt danh Hùng "xịt" và Đại úy Nguyễn Đức Chung, Đội trưởng Đội Điều tra trọng án và một số anh em nữa đang đứng ở dưới nhà. Tôi hỏi anh Hùng:
- Các anh chuẩn bị đi đâu đấy?
Anh Hùng bảo:
- Đi bắt cái thằng giết người ở tiệm vàng Kim Sinh.
Tôi hỏi:
- Thế tại sao các anh còn đứng đây?
Thiếu tá Hùng bảo:
- Vẫn chưa có đủ ôtô. Mới có mỗi chiếc xe Zeep ở bên hình sự thôi.
Rồi anh cằn nhằn:
- Làm án trong lúc nước sôi lửa bỏng mà xe cộ thiếu thế này thì khổ quá.
Tôi vội vàng ngỏ ý ngay.
- Hay là lấy xe của báo tôi đi.
Đang lúc bí thấy tôi nói như vậy, anh vội vàng đồng ý ngay:
- Ừ, anh về lấy xe đi, chở chúng tôi đi.
Thế là tôi ba chân bốn cẳng chạy về và gọi điện báo cáo với Tổng biên tập Nguyễn Hữu Ước. Anh Ước đồng ý ngay và còn dặn: "Nhớ mang theo nhiều tiền đi nhé. Mà này, nếu có ảnh, không được chia sẻ cho thằng nào đấy". Rồi cũng chẳng kịp chuẩn bị gì ngoài việc lấy chiếc máy ảnh và một ít tiền bỏ vào túi, tôi lấy chiếc ZACE đời 1998 phóng sang 55 Lý Thường Kiệt.
Khoảng 20h thì chúng tôi bắt đầu rời Hà Nội Chúng tôi đi 2 xe, tôi lái chiếc xe ZACE của Báo An ninh thế giới và trên xe có 7 người là cảnh sát đặc nhiệm do Trung tá Nguyễn Thanh Hùng - Phó phòng Cảnh sát đặc nhiệm chỉ huy. Còn chiếc xe Zeep của Phòng CSHS thì chở Đỗ Văn Hùng, Nguyễn Đức Chung và một số điều tra viên nữa. Đến lúc này tôi mới được biết là các anh sẽ đi lên Tuyên Quang.
Trời tháng 7 nóng ngùn ngụt. Buổi tối mà trời không có một ngọn gió nào. Chiếc xe của tôi chở 7 lính đặc nhiệm anh nào anh nấy to như con tượng, người nhẹ nhất là tôi cũng ngót nghét 70 cân nên quá tải. Chính vì vậy mà chúng tôi phải mở cửa xe không dám chạy điều hòa nhiệt độ. Trên xe mọi người bàn tán về hung thủ.
Qua câu chuyện các anh kể lại tôi mới hình dung được rằng: Sáng ngày 19, chị giúp việc Lục Thị Nghĩa đến dọn nhà ông bà Sinh như mọi ngày. Nhưng lần này chị đến thì lại thấy cửa khóa ngoài mà gọi mãi chẳng thấy có ai ra mở cả. Thấy có những dấu hiệu không bình thường, chị vội vàng chạy về gọi anh Tấn (con trai cả của ông bà Sinh) sang.
Mọi người phá cửa vào nhà và chị Lục Thị Nghĩa suýt ngất khi nhìn thấy cảnh ông Sinh, bà Tịch bị sát hại nằm ở ngay giữa nhà. Ngay sau đó vụ việc được báo lên Công an quận. Bước đầu CSHS của Công an quận Đống Đa và các điều tra viên của Phòng CSĐT Công an Hà Nội, phòng CSHS.
Chị Lục Thị Nghĩa cho biết: "Anh Thức là người rất khó tính, cho nên nếu như không phải là người quen thì anh ta không bao giờ cho ngủ cùng phòng”. Chị Nghĩa cũng cho hay là tối hôm qua khi chị đến đây thì thấy có một thanh niên mặt lưỡi cày, người dong dỏng cao đang ở đây.
Người này chị cũng đã biết mặt, bởi vì trước kia đã nhiều lần người này mang vàng cốm xuống bán cho ông Sinh. Nhưng chị cũng không thể nhớ tên của người này. Chị chỉ nghe nói là anh ta ở Tuyên Quang. Còn anh Phạm Công Tấn thì nói rằng hình như người thanh niên ấy tên là Châu.
Tất cả thông tin ban đầu chỉ có vậy. Sau khi phân tích tất cả các khía cạnh và có biên bản khám nghiệm hiện trường thì Ban Chuyên án thống nhất được như sau: Thứ nhất, hung thủ phải là người quen và nắm rất chắc về quy luật sinh hoạt của gia đình. Thứ hai, hung thủ ra tay gọn ghẽ như thế này thì chắc chắn rằng tên này phải là kẻ cũng đã từng vào tù ra tội và tất cả xoáy vào khả năng hung thủ tên là Châu và ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang.
Tất cả thông tin về hung thủ chỉ có vậy, nhưng tất cả đều có niềm tin mãnh liệt, Thiếu tướng Phạm Chuyên - Giám đốc Công an TP Hà Nội quyết định cho các trinh sát lên đường đi Chiêm Hóa.
Chúng tôi đi như cướp đường. Xe chở nặng như vậy nhưng kim đồng hồ lúc nào cũng nhảy nhót ở mức 70-80km/h. Qua Việt Trì, cả thành phố tắt điện tối om và chúng tôi mới sực nhớ ra rằng cả đoàn chưa có gì vào bụng.
Và khi thấy có một quán nước ven đường le lói đèn dầu chúng tôi dừng xe lại. Quán chẳng có lấy củ khoai, củ ráy nào bán ngoài mấy lon nước tăng lực bò húc. Lúc này tôi mới nhớ rằng ở đằng sau có một túi ổi rất to.
Chiều nay Tổng biên tập Hữu Ước bay từ Sài Gòn ra mang cho anh em một túi ổi để làm quà. Thế là mấy anh em chúng tôi chia nhau những quả ổi Sài Gòn, quả nào quả nấy to như bát ăn cơm. Ăn ổi trừ bữa và uống nước tăng lực thế là cũng xong một bữa tối.
Chúng tôi đến Tuyên Quang thì đã 12h đêm. Nhận được điện báo trước, các đồng chí của Phòng CSHS Công an Tuyên Quang đã ngồi chờ sẵn. Và trước những thông tin như vậy anh em hình sự Tuyên Quang cũng chỉ làm được đúng một việc đó là gọi điện cho anh em Chiêm Hóa sẵn sàng đón chúng tôi.
Từ Tuyên Quang đi Chiêm Hóa khoảng 70 cây số, tuy đường vắng nhưng rất ngoằn ngoèo, xe bò theo bờ sông Lô, hầu như không có đoạn nào thẳng quá 300m. Lái xe đêm mà đường đi lại ngoằn ngoèo đèo dốc cũng có cái hay là đỡ buồn ngủ. Tới 2 giờ sáng, khi chúng tôi đến Công an huyện thì đã thấy lãnh đạo huyện cùng CSHS, cảnh sát khu vực đã chờ sẵn.
Sau khi nghe Trung tá Đỗ Văn Hùng nói về vụ án và nói rằng đang cần tìm một đối tượng tên là Châu thì anh em Công an Chiêm Hóa biết ngay. Đồng chí Trưởng Công an huyện cho biết ở khu vực này có một đối tượng tên là Nguyễn Văn Châu, hay còn gọi là Nguyễn Minh Châu là một đối tượng nghiện hút và cờ bạc.
Trước kia hắn chuyên buôn bán vàng sa khoáng nhưng dạo này ở nhà phụ bán hàng cho vợ. Nhà tên Châu ở sát bến phà nhưng khi cầu Chiêm Hóa được xây dựng hắn rời nhà lên sát chân đồi cách đầu cầu khoảng 300m.
Trưởng Công an huyện cho biết, tên Châu khá đẹp trai, ham mê cờ bạc và gái. Vợ chồng Châu có 2 đứa con, cô con gái lớn đang học lớp 8 còn cậu con trai đang học lớp 6.
Đồng chí cảnh sát khu vực của Chiêm Hóa được mời đến. Anh cũng cho chúng tôi biết thêm là trong tuần thì từ thứ Bảy vừa rồi không thấy Châu ở nhà. Và trong thị trấn Chiêm Hóa, Châu có quan hệ mật thiết với hai người là Thế và Mở.
Sau khi nghe Công an huyện báo cáo hết về Châu thì anh em cảnh sát điều tra quyết định chia làm hai tổ. Một tổ do Đại úy Nguyễn Đức Chung chỉ huy tới kiểm tra nhà tên Châu.
Trước khi lên đường, Đại úy Chung đã yêu cầu tất cả các trinh sát phải kiểm tra lại máy bộ đàm. Máy bộ đàm thời đấy khá hiện đại và đến lúc này mới biết rằng, có những anh chưa sử dụng máy bộ đàm bao giờ.
Tôi cũng đi theo nhóm đến kiểm tra nhà Châu. Anh em CSHS có vũ khí là súng còn tôi thì có chiếc máy ảnh. Lúc này, anh em chỉ mong cái Nguyễn Văn Châu nghi vấn ấy... không có nhà.
Bởi vì nếu Châu đó ở nhà, mà 2 ngày qua, anh ta không đi đâu thì coi như Công an đã xác định sai đối tượng. Và như vậy vụ án đi vào ngõ cụt.
Đêm mùa hè mà ở thị trấn Chiêm Hóa sương mù dày đặc. Thị trấn yên tĩnh lạ lùng chỉ có tiếng dòng sông Lô thúc vào ghềnh đá. Nhưng khi chúng tôi qua cầu Chiêm Hóa, không gian như bị vỡ ra bởi tiếng chó sủa.
Hai bên đường, những con chó chân cao, tai to lao ra xông thẳng vào anh em. Không thể hò hét đuổi chó được thế là một trinh sát bảo tôi là đi sau... chặn chó. Với chiếc máy ảnh làm "vũ khí" tôi đành phải đi sau "chặn hậu" nhưng cũng rất may, chó ở cạnh đường vốn chỉ quen sủa mà không lao ra cắn trộm.
Căn nhà của Châu chỉ là căn nhà gỗ mái ngói nhưng khá rộng. Anh cảnh sát khu vực phải gõ cửa rất lâu thì mới có người ra mở cửa. Người mở cửa là Lê Thị Định vợ Châu.
Vợ Châu là một người đàn bà cao gầy, mặt mỏng và nom cũng khá là đáo để. Thiếu tá Đỗ Văn Hùng nói: "Chúng tôi đang có việc cần gặp anh Châu".
Chị Định nói:
- Anh Châu đi 2 ngày rồi chưa thấy về.
Thiếu tá Hùng bảo nhỏ với tôi: "Nếu nó không có nhà thì rất có khả năng nó là thủ phạm". Thấy công an, lúc đầu chị Định cũng rất lo sợ nhưng khi thấy chúng tôi nói rằng, tìm một nạn nhân trong một vụ tai nạn giao thông thì cô ta bình tĩnh và mau mắn trả lời những câu hỏi của trinh sát.
Chị Định nói rằng, Châu đã đi từ hôm thứ Bảy ngày 18, khi đi Châu xách chiếc cặp đen. Chiếc cặp loại 36 ngàn đồng. Thấy ở góc nhà có một chiếc cặp, Đại úy Nguyễn Đức Chung hỏi là có phải chiếc cặp kia không? Chị Định nhìn chiếc cặp rồi bảo cũng giống như thế nhưng dày hơn một chút.
Thế rồi trước những câu hỏi khéo léo của anh Chung, chị ta cho biết thêm những chi tiết cực kỳ quan trọng là: Ngày trước mỗi khi về Hà Nội, Châu vẫn ở nhà ông Sinh buôn vàng ở gần gò Đống Đa, và Châu còn có một bà cô ruột ở gần nhà thờ Trình Xuyên, huyện Vụ Bản, Nam Định. Nhưng rồi khi nói đến đây, cảm thấy đã nhỡ miệng thế là từ đó tất cả các câu hỏi của trinh sát chị Định đều trả lời là không biết.
Nạn nhân Thức.
Cùng lúc đó thì mũi đi kiểm tra nhà Thế đã về và thông báo là không có Châu. Như vậy là hình ảnh về tên Châu bắt đầu hiện ra mồn một.
Đến lúc này thì Lê Thị Định bắt đầu giở trò. Chị ta lu loa rằng tại sao đêm hôm Công an vào nhà mà lại chỉ có mỗi một người cảnh sát khu vực mặc quần áo công an còn tất cả mọi người thì nom như một... lũ trộm. Thế rồi chị ta bảo cô con gái lớn ra canh chừng chúng tôi.
Nghe qua những lời Định nói về chồng, chúng tôi chắc chắn rằng hôm qua chị ta không xem truyền hình về vụ giết người cướp của ở tiệm vàng Kim Sinh phố Tây Sơn. Tôi hỏi cháu bé, tối qua có xem tivi không? Cháu nói lúc chương trình thời sự thì không xem vì có người đến thuê máy chơi trò chơi điện tử.
Nghe cháu bé nói vậy, Thiếu tá Đỗ Văn Hùng nói nhỏ: "May thật, chỉ cần chị ta xem tivi và giờ chị ta chối phắt đi thì có mà giời tìm". Đúng là có đi với anh em tôi mới có thể cảm nhận được những điều lo lắng của anh em.
Nhiều khi sự bùng nổ thông tin lại tác hại khôn lường cho những chuyên án. Trong điều tra đánh án, yếu tố quan trọng đầu tiên là phải bất ngờ và bí mật. Thủ phạm càng mất cảnh giác bao nhiêu thì càng tốt cho công tác điều tra bấy nhiêu.
Chỉ đến khi không còn một tia sáng nào nữa, việc trinh sát đã đi vào bế tắc thì mới đi vào công bố công khai. Và đúng lúc này thì mọi người cũng lo ngại là nếu hôm qua Châu đã xem tivi thì rất có thể hắn có những chiêu thức khác để đối phó.
Sau khi trở về Công an huyện, dùng điện thoại gọi về Công an Hà Nội, Đại úy Nguyễn Đức Chung nói chuyện với Thượng tá Nguyễn Đức Nhanh thì được biết các trinh sát hình sự của quận Đống Đa cũng đã tìm được người lái xe ôm chở tên Châu ra bến xe phía Nam.
Tờ mờ sáng, ngay tại sân của Công an huyện Chiêm Hóa, Thiếu tá Đỗ Văn Hùng cho tập hợp mọi người lại và bàn bạc. Các anh quyết định báo cáo cho Thiếu tướng Phạm Chuyên về kết quả trinh sát ở trên này, đồng thời tổ chức giám sát chặt các di biến động của Lê Thị Định và gia đình.
Theo lệnh của Thiếu tướng Phạm Chuyên, chúng tôi lại chia làm 2 mũi. Một mũi do Đại úy Tuấn chỉ huy có 4 người nằm lại Chiêm Hóa để tiếp tục trinh sát và giám sát các di biến động của Lê Thị Định. Còn một mũi thì kéo quân về thị xã Tuyên Quang.