Thứ sáu, 26/04/2024 | 02:51
RSS

Triệt phá đường dây buôn lậu thuốc trị Covid-19 từ Campuchia về Việt Nam

Thứ tư, 30/03/2022, 15:31 (GMT+7)

Các đối tượng nhập lậu thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir từ Campuchia về Việt Nam bị Công an huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) tóm gọn.

Thông tin trên Dân trí cho biết, ngày 30/3, Công an huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) đã khởi tố 5 bị can, gồm Nguyễn Văn Sang, 40 tuổi; Nguyễn Thị Sang, 29 tuổi; Nguyễn Văn Được, 39 tuổi; Phan Văn Nghĩa, 44 tuổi (cùng ngụ huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) và Nguyễn Hữu Cường (57 tuổi, ngụ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) về hành vi Buôn bán hàng cấm. Trong đó, bị can Nguyễn Thị Sang được cho tại ngoại và ra quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú.

Chi tiết vụ việc được báo Thanh Niên đưa tin, vào khoảng 2 giờ 30 phút ngày 10/3, Công an huyện Tân Biên bắt quả tang Nguyễn Văn Sang có hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc điều trị bệnh covid-19 Cụ thể, tang vật tạm thu giữ gồm 400 hộp thuốc Molnupiravir Capsules 200mg (MOLAZ) và 999 vỉ thuốc Favipiravir Tablets 400 mg (Feravir-400).

Triệt phá đường dây buôn lậu thuốc trị Covid-19 từ Campuchia về Việt Nam

Bị can Nguyễn Văn Sang. Ảnh Thanh Niên.

Sau khi Sang bị bắt, trong ngày 10/3, hai đối tượng Phan Văn Nghĩa và Nguyễn Hữu Cường đã đến công an đầu thú. Tới ngày 15/3, Công an huyện Tân Biên đã làm việc với Nguyễn Thị Sang và bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Được.

Do nắm bắt được nhu cầu của người dân cần mua thuốc trị bệnh Covid-19, Sang liền bỏ tiền và liên hệ với một số đối tượng tại Campuchia đặt mua các loại thuốc điều trị bệnh Covid-19, sau đó vận chuyển về Việt Nam tập kết ở Tân Biên và đưa về TP.HCM tiêu thụ.

Triệt phá đường dây buôn lậu thuốc trị Covid-19 từ Campuchia về Việt Nam

Tang vật bị Công thu thu giữ. Ảnh: Thanh Niên.

Sau khi đặt hàng, người bên Campuchia sẽ vận chuyển thuốc trị bệnh Covid-19 đến khu vực biên giới giáp ranh với Việt Nam để giao hàng. Trong quá trình này, Sang thuê Nguyễn Văn Được với tiền công từ 600.000 đến 1,5 triệu đồng/chuyến, đi nhận thuốc rồi vận chuyển vào nội địa đưa lại cho Sang. Nguyễn Hữu Cường được phân công làm người canh đường. 

Khi mang về điểm tập kết, Nguyễn Văn Sang phân thuốc ra thành từng thùng để Nghĩa vận chuyển đi TPHCM.Tại TPHCM, Nguyễn Thị Sang sẽ tìm người mua thuốc rồi chuyển trả lại tiền cho Nguyễn Văn Sang.

Trung bình trong 1 tháng, Sang thực hiện 20 chuyến với thủ đoạn trên và thu lợi từ 15 - 20 triệu đồng/chuyến. Chuyến hàng Công an bắt giữ ngày 10/3, được định tổng giá trị trên 464 triệu đồng.

Tuệ Nhi (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại