Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:55
RSS

Trẻ có nguy cơ viêm não, nhiễm trùng huyết thậm chí tử vong do mẹ lạm dụng thuốc nhỏ mũi

Thứ sáu, 31/03/2017, 15:00 (GMT+7)

Trẻ nhỏ sức đề kháng yếu nên rất dễ mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp như sổ mũi, chảy nước mũi, hắt hơi… Đây là triệu chứng ban đầu của nhiều bệnh mà mẹ tuyệt đối không được chủ quan.

Biến chứng viêm tai, viêm não, nhiễm trùng huyết…

Thời tiết chuyển lạnh đột ngột khiến trẻ nhỏ dễ bị sổ mũi, gây có chịu và ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ vẫn còn rất lơ là trong việc điều trị sổ mũi cho bé, tâm lý chủ quan, không kiên trì hay những cách chăm sóc hàng ngày của bé mà chưa đúng cách đều cso thể khiến cho bé kéo dài tình trạng sổ mũi dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và khó khăn trong điều trị về sau.

Theo thạc sĩ Hà Minh Lợi, khoa Mũi xoang dị ứng, Bệnh viện Tai-Mũi-Họng Trung ương, nhiều người nghĩ bệnh xoang chỉ người lớn mới bị, còn trẻ thì không. Tuy nhiên, thực tế bệnh này cũng khá phổ biến ở trẻ từ 6 tuổi trở lên.

Việc chảy nước mũi là bình thường, ở một số trẻ có thể tự khỏi. Tuy nhiên, khi đã thò lò mũi xanh, đồng nghĩa trẻ đã có dấu hiệu bị viêm xoang. Viêm xoang là tình trạng viêm nhiễm màng niêm mạc lót ở trong xoang, đặc biệt là những xoang quanh mũi, thạc sĩ Lợi cho biết.

Lạm dụng thuốc nhỏ mũi hoặc rửa mũi không đúng cách cho trẻ cực kỳ nguy hiểm. Ảnh minh họa

BÀI THUỐC TỪ LÁ TÍA TÔ GIÚP TRẺ KHỎI HO SAU 2 NGÀY

Biểu hiện của bệnh có thể là chảy mũi vàng – xanh đặc, hơi thở hôi, ăn uống hay bị nôn, đau đầu, người mệt mỏi, phù quanh mắt, sốt nhẹ hoặc sốt cao. Bệnh được chia thành 3 loại dựa theo thời gian các triệu chứng kéo dài, dưới 4 tuần là viêm xoang cấp, 4-12 tuần là bán cấp và sau 12 tuần là viêm xoang mãn tính.

“Điều đặc biệt là có đến 50% số trẻ bị viêm xoang đều khởi đầu từ những biểu hiện như sổ mũi, cảm cúm thông thường do virus gây ra như trường hợp con chị Lan. Tuy nhiên, nếu bệnh không được điềutrị dứt điểm sẽ chuyển sang bị bội nhiễm (do vi khuẩn), dẫn đến viêm xoang”, thạc sĩ Lợi cho biết.

Ngoài ra, ở một số trẻ có những yếu tố thuận lợi như viêm Amidan quá phát, Amidan to, hay bị viêm đường hô hấp trên, trẻ suy sinh dưỡng, sức đề kháng kém… đều dễ bị xiêm xoang.

Cũng theo thạc sĩ Lợi, bệnh viêm xoang ở trẻ khó phát hiện hơn so với người lớn. Bởi vì, khi đi khám, người lớn có thể nói đầy đủ và đúng các triệu chứng của bệnh còn trẻ thì không. Các bác sĩ phải tiến hành nội soi mềm vào hốc mũi hoặc thậm chí chụp CT Scan khi cần thiết mới phát hiện được.

Bên cạnh đó, do đặc điểm thể trạng, xoang trẻ em dễ bị nhiễm trùng lan tỏa và dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm hơn người lớn rất nhiều như: áp xe mắt (có thể dẫn đến tử vong), viêm não, nhiễm trùng huyết, viêm thận, viêm tai giữa…

“Đặc biệt, các biến chứng ở mắt là phổ biến nhất. Mắt bị viêm và phù nề dữ dội, bị đẩy lồi ra phía trước, nhãn cầu bị hạn chếvận động, bị mù hoàn toàn nếu thiếu máu cục bộ kéo dài trong 90 phút”,thạc sĩ Lợi nói.

Cùng quan điểm này, Ths.BS Nguyễn Tiến Hùng, khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện K) cho biết, ông nhiều trường hợp trẻ em đến khám viêm tai thì do được bố mẹ sử dụng phương pháp xịt rửa bằng xi lanh.

Trong khi đó, viêm tai điều trị phức tạp hơn nhiều so với viêm mũi thông thường. Viêm tai giữa là có mủ trong tai giữa, biến chứng nặng nhất từ viêm tai, vi khuẩn có thể ngược dòng lên não gây viêm màng não. Viêm tai giữa cũng có thể gây biến chứng làm cho trẻ bị méo mặt, tổn thương dây thần kinh 7. Từ viêm tai giữa cũng có thể gây viêm toàn bộ xương thái dương, làm em bé viêm xương chũm, thậm chí đe dọa tính mạng vì tình trạng nhiễm trùng nặng. Về lâu dài, tình trạng viêm tai giữa có thể làm giảm sức nghe hoặc điếc.

“Trẻ em, trừ một số trường hợp đặc biệt có chỉ định, còn lại nên dùng muối biển sương mù, muối sinh lý thông thường chứ tuyệt đối không bơm rữa bằng xi lanh, dụng cụ xịt rửa để tránh nguy cơ trên”, BS Hùng khuyến cáo.

Khi xịt muối biển, muối sinh lý cho trẻ nhỏ, do trẻ chưa biết hỉ mũi, nên cha mẹ phải dùng dụng cụ ống hút hai đầu, một đầu cho vào mũi trẻ, một đầu dùng miệng hút mạnh ra. Nếu không hút dịch, xỉ hết dịch sau khi nhỏ mũi thì tác dụng vệ sinh, rửa mũi hầu như không còn.

Sai lầm khi chữa sổ mũi cho trẻ

Rửa mũi quá nhiều

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng –  Nguyên Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai), nhiều cha mẹ còn cẩn thận xịt, rửa mũi hàng ngày cho bé dù con không bị ngạt mũi hay viêm mũi để phòng tránh các bệnh về đường hô hấp. Đây cũng là sai lầm làm hại tới trẻ.

Mũi của trẻ và người lớn cũng như nhau, bình thường có cơ chế tự làm sạch. Rửa mũi nhiều làm mất đi chất nhầy tự nhiên trong khoang mũi. Trong khi đó, chất nhầy này có tác dụng tạo độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn. Nếu mất đi chất nhầy này, trẻ càng dễ bị khô mũi, nhiễm khuẩn mũi, gây tổn thương niêm mạc mũi, dễ bị viêm hơn.

Việc dùng quá thường xuyên cũng có thể làm teo niêm mạc mũi, ảnh hưởng đến chức năng thở, khứu giác. Chỉ nên dùng nước muối sinh lý rửa sạch trước khi nhỏ thuốc trị ngạt mũi khi trẻ có triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi, có nước mũi trong, mũi đặc… Nhưng cần lưu ý, trước khi nhỏ nước muối vào mũi, nếu trời lạnh các mẹ nên ngâm lọ nước muối sinh lý vào nước nóng cho ấm lên rồi nhỏ cho trẻ mỗi bên mũi chừng 1/3 – 1 lọ tuỳ theo độ tuổi. Rửa khoảng 3 – 4 lần/ngày.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng –  Nguyên Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai)

CÁCH NGÂM CHÂN NƯỚC GỪNG GIÚP CON KHỎI HO SAU 3 NGÀY

Lạm dụng thuốc nhỏ mũi

Một sai lầm khác khi điều trị sổ mũi cho trẻ là lạm dụng các loại thuốc nhỏ mũi không theo chỉ định của bác sĩ, nhất là các loại thuốc có chứa corticoid, kháng sinh… khi chưa tìm nguyên nhân để điều trị.

Theo các bác sĩ, những thuốc nhỏ mũi có chứa corticoid chỉ được dùng dưới 7 ngày và nhất định phải theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc coricoid nếu dùng không đúng sẽ gây một số biến chứng, nhất là ở trẻ em như ức chế vỏ thượng thận tiết hormone làm tăng giữ muối, nước, ứ đọng mỡ ở một số bộ phận như mặt, tăng đường huyết…

Đặc biệt, khi có các tổn thương khu trú ở mũi mà dùng thuốc nhỏ mũi có chứa corticoid sẽ ức chế sự lành vết thương. Nếu lạm dụng thuốc co mạch có hoạt chất là Xylometazoline 0.05% – 0.1% (biệt dược Otilin, Otdin, Coldi-B…) trẻ dễ bị ngộ độc thuốc. Tốt nhất khi trẻ sổ mũi và đau họng kéo dài, sốt cao… cần đưa đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Tuyệt đối không nhỏ nước tỏi vào mũi bé

Nhiều bà mẹ thường truyền nhau cách ép nhánh tỏi rồi trộn với nước muối sinh lý nhỏ vào mũi của bé để trị chứng hắt hơi, sổ mũi. Tuy nhiên, BS Nguyễn Văn Lộc– nguyên PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ cho hay, đây là quan niệm sai lầm. Tỏi chứa chất Allicin có thể diệt vi trùng và vi nấm. Nó có thể phòng ngừa cúm và điều trị cúm.

Tuy nhiên, việc nhỏ nước tỏi ép vào mũi là rất nguy hiểm vì nó dễ gây nóng rát, phù nề có thể làm bỏng niêm mạc mũi của trẻ. Trẻ dưới 3 tuổi càng có nguy cơ nhiều hơn do niêm mạc mũi trẻ rất mỏng, trong khi đó nước tỏi lại nóng và cay, nhất là nước tỏi đậm đặc. Ngay cả với người lớn, nếu dùng nước ép tỏi nhỏ mũi nồng độ quá đặc cũng dễ bị bỏng niêm mạc mũi.

Khi niêm mạc mũi bị bỏng rộp, nếu không phát hiện điều trị sớm, có thể dẫn tới hoại tử. Hơn nữa, trẻ cũng sẽ khó thở bằng đường mũi mà buộc phải thở bằng miệng, không khí không được làm ấm dễ gây viêm họng, viêm phổi. Vì thế, tốt nhất không nên sử dụng nước tỏi ép để trị viêm mũi, sổ mũi cho trẻ.

Thời điểm trị ho tốt cho bé

Quỳnh Anh (T/H)
Theo Đời sống Plus