Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:33
RSS

Tranh cãi không ngớt quanh đề xuất "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt" để hội nhập

Chủ nhật, 26/11/2017, 09:30 (GMT+7)

Đề xuất cải tiến cách viết chữ Quốc ngữ, đề xuất "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt" của PSG-TS Bùi Hiền đang làm nóng dư luận.

Mới đây, PSG.TS Bùi Hiền có đề xuất "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt", bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Đề xuất này được đưa ra đề xuất trong bài viết Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế đăng trong cuốn Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập phát triển tập 1, do NXB Dân trí phát hành tháng 6/2017.

Đề xuất cải tiến cách viết chữ Quốc ngữ của PSG.TS Bùi Hiền đang làm nóng dư luận. Nếu cải cách sẽ phải thay đổi từ nhận thức, cách học, cách dạy, thay đổi sách giáo khoa, các văn bản, sách báo, cả lập trình chữ viết trên máy tính...

đề xuất Tiếng Việt thành Tiếq Việt
Cuốn Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập phát triển tập 1, do NXB Dân trí phát hành tháng 6/2017. Ảnh: Tuổi Trẻ

Trong bài viết ông Bùi Hiền nhận xét: "Từ năm 1924, khi toàn quyền Đông Dương ký nghị định cho phép dạy chữ quốc ngữ bắt buộc ở cấp tiểu học, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…".

Ngay khi thông tin về ý tưởng cải tiến ngôn ngữ của PGS.TS Bùi Hiền xuất hiện trên mạng xã hội dư luận đã tranh cãi khá gay gắt. Rất nhiều ý kiến cho rằng, tiếng Việt hiện tại không cần thiết cải tiến.

Bởi lẽ nếu việc cải tiến được thực thi dẽ kéo theo những hệ lụy lớn như kho tư liệu đồ sộ trước đó không có phương án giải quyết, sự thích nghi, thay đổi nhận thức, phương pháp giáo dục hệ lập trình trên máy tính,… sẽ trở nên rối ren, khó chấp nhận.

Một giáo viên dạy văn tại trường THPT trên địa bàn Hà Nội xin được giấu tên cho hay: “Nếu để ý kỹ sẽ thấy, hiện nay hiện diện của chữ quốc ngữ trong các tác phẩm văn học gần như không gây ra hiểu nhầm vì nó được quy định và được dạy cho các con ngay từ bậc mầm non.

Vì thế, gần như không có sự nhầm lẫn. cũng như các văn bản hành chính đều gần như không có hiểu nhầm đáng kể. Vì thế, tôi nghĩ không cần tiến hành những cải cách như nói trên. Đó là chưa kể, các văn bản hành chính từ hay các tư liệu thì thay đổi thế nào? Nếu giờ thay đổi thì thế hệ sau đọc tư liệu sẽ phải dịch như mình dịch tiếng nước ngoài? Như thế sẽ rất phức tạp”.

Một ý kiến khác cho rằng, chúng ta nên giữ gìn sự trong sạch của Tiếng Việt. Nếu thay đổi như đề xuất thì sẽ khó giải nghĩa từ hơn trước. Đó là chưa kể đến sự tinh tế trong tiếng Việt. Chúng ta nên giữ đúng bản sắc của ông cha, đừng chạy theo bất cứ nước ngoài, du nhập theo kiểu “hòa tan”.

đề xuất Tiếng Việt thành Tiếq Việt
Ví dụ về chữ viết sau khi thực hiện đề xuất cải cách. Ảnh: VTC News

Anh Phan Anh (tác giả cuốn sách "Quẩn quanh trong tổ", "Trời hôm ấy không có gì đặc biệt") cho biết anh không nghĩ đó là hay, nhưng đồng ý về mặt ý tưởng. "Thật ra ý tưởng cải cách cách viết tiếng Việt như thế này không mới.

Ví dụ nhà văn - nhà thơ Trần Dần cũng chỉ viết i ngắn (í định). Về mặt âm thì hoàn toàn như nhau mà lại có đến hai cách viết theo mình là thừa thãi. Nó dẫn đến chuyện cãi nhau giữa 'Địa lý' hay 'Địa lí'. Rồi tại sao không là 'f mà là ph? Tại sao không nhận z mà lại chế ra cái phụ âm gi?"

"Cách viết hiện tại có nhiều cái không ổn. Cách làm của ông giáo sư có thể không hay hoặc không đúng (đánh đồng ch/tr chẳng hạn), nhưng vấn đề ông nêu ra là có thật", nhà văn sinh năm 1984 nhận định. 

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN