Nuôi chó mèo tại chung cư tại sao lại gây bức xúc đến thế?
Nuôi chó, mèo ở chung cư nhiều năm qua vẫn luôn vấn đề nhức nhối. Âu cũng chỉ vì những gia đình cá biệt, thiếu ý thức cho thú cưng phong uế bừa bãi, gây ồn ào... làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của các hộ khác cùng khu ở. Thêm vào đó, pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định về việc này.
Trao đổi với báo Dân Việt, ông Nguyễn Đỗ Hải, Tổ trưởng tổ dân phố số 32, phường Hoàng Liệt cho biết, thời gian qua, ông nhận không ít phản ánh của cư dân về việc một số người dân nuôi chó mèo kêu, sủa ầm ĩ gây ảnh hưởng tới những cư dân xung quanh. Không những thế, người nuôi đưa chó mèo đi thang máy, xuống khu vực sân chung cư không rọ mõm, phóng uế gây mất vệ sinh.
Theo thống kê, tính riêng 12 toà nhà tại chung cư HH Linh Đàm có khoảng 200-300 chó mèo được nuôi. Ảnh: Báo Dân Việt.
Nhiều cư dân sinh sống tại khu chung cư phản ánh chó sủa suốt ngày đêm. Ảnh chụp màn hình
Không riêng ở khu vực chung cư HH Linh Đàm, trao đổi với báo Dân Trí, anh Tuấn (45 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết về những bất cập khi nuôi chó mèo ở chung cư nơi anh sống. Anh chia sẻ, gia đình anh cũng bị "tra tấn" bởi tiếng chó sủa đòi ăn mãi không ngừng, đến nỗi không thể ngủ. Bức xúc, anh phản ánh lên Ban quản lý chung cư và được phản hồi "sẽ xử lý".
Nhiều hộ dân cùng tầng với anh còn thường xuyên gặp chó chạy tự do ngoài hành lang, không xích, không rọ mõm.
"Tôi rất thất vọng trước cách ứng xử của hàng xóm. Nếu tình trạng chó thả rông vẫn tiếp diễn, chắc tôi chỉ còn cách bán nhà đi nơi khác", anh Tuấn bức xúc nói.
Hình ảnh chó phóng uế bừa bãi tại khu vực sảnh chung cư ở quận Hoàng Mai, Hà Nội được cư dân chụp lại màn hình. Ảnh cư dân cung cấp.
Giải pháp tối ưu nhất theo ý kiến chuyên gia
Trao đổi với báo Dân trí, ThS. Võ Thanh Tuyền, Phó Trưởng khoa Đô thị học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM cho biết, do đặc trưng cấu trúc không gian đô thị và lối sống đô thị phải tương thích với không gian hiện hữu, nên việc nuôi chó, mèo còn gặp nhiều bất cập về vệ sinh, tiếng ồn.
Đề xuất giải pháp, ThS. Võ Thanh Tuyền cho rằng Ban quản lý chung cư có thể tìm một căn cứ khác ngoài luật (ví dụ: khảo sát cư dân và ban hành quy định theo số đông, truyền thông lý do vì sao cấm để người dân hiểu và thông cảm,…).
Đối với trường hợp cho phép nuôi chó, mèo, để bảo vệ mỹ quan chung, tránh ảnh hưởng cộng đồng, Ban quản lý cần có những quy định dành cho cư dân nuôi chó, mèo để hoạt động của vật nuôi tại chung cư không ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân.
Lý tưởng nhất là quy định được xây dựng dựa trên các luật liên quan (như luật phòng chống dịch bệnh, nghị định về an ninh trật tự có liên quan đến việc nuôi chó, mèo,…) và có lấy ý kiến đóng góp của cư dân đang sống tại chung cư đó.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng có những chia sẻ trên báp Dân Trí, ông cho biết hiện pháp luật không có quy định về việc cấm nuôi chó, mèo trong chung cư. Ban quản lý tòa nhà sẽ có những quy định khác nhau về việc nuôi thú cưng.
TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch, yêu cầu chủ nuôi rọ mõm chó mỗi khi đến nơi công cộng. Ảnh: Báo Dân trí.
Tuy nhiên, pháp luật quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng theo điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ - CP.
Bên cạnh đó, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng còn có thể bị xử phạt theo Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 04/2020/NĐ - CP với mức phạt từ 1 - 2 triệu đồng.