Thứ năm, 12/09/2024 | 17:51
RSS

Trà xanh có chất kháng khuẩn giúp chống bệnh 1/3 thế giới mắc phải

Thứ sáu, 03/01/2020, 20:55 (GMT+7)

Hiện nay tỉ lệ phơi nhiễm bệnh lao trên toàn cầu ước tính từ 1/3 đến hơn 1/4 dân số. Các nhà khoa học đã phát hiện trong trà xanh chứa chất đặc biệt kháng lại vi khuẩn này.

Nghiên cứu mới từ Đại học công nghệ Nanyang Technological (Singapore) đã tìm ra thần dược trong trà xanh, có thể làm một trong các vi khuẩn nguy hiểm nhất thế giới bị kìm hãm và biến hình. 

Căn bệnh chết người mà các tác giả nhắm tới là bệnh lao, hiện nay tỉ lệ phơi nhiễm bệnh này trên toàn cầu ước tính từ 1/3 đến hơn 1/4 dân số.

Trà xanh có chất kháng khuẩn giúp chống bệnh lao hiệu quả
Trà xanh có chất kháng khuẩn hiệu quả 

Theo giáo sư Gerhard Gruber, người đứng đầu nghiên cứu, cho dù đó là căn bệnh có thể chữa được, song hiệu quả của các loại thuốc chống lao đang ngày càng giảm do loài vi khuẩn này ngày một tiến hóa mạnh mẽ, trở thành những siêu vi khuẩn đa kháng thuốc.

Việc bất ngờ tìm thấy một chất mới EGCG (Epigallocatechin gallate) trong trà xanh, có thể xem là một "vũ khí" mới giúp đánh bại loài vi khuẩn chết người này. EGCG là một chất chống oxy hóa mạnh, có khả năng ngăn ngừa lão hóa, tăng cường khả năng chuyển hóa và phòng chống nhiều bệnh tật ở con người.

Nhưng EGCG trong trà xanh lại là một độc dược đối với vi khuẩn lao Mycobaterium tuberculosis. Trong quá trình lây nhiễm, vi khuẩn lao trải qua một loạt các thay đổi nhằm tăng trưởng và tồn tại, bao gồm việc sinh ra một enzyme tên adenosine triphosphate (ATP) synthase. ATP synthase tạo ra các phân tử lưu trữ năng lượng, đó chính là "thức ăn" của loài vi khuẩn này.

Các nhà khoa học đã xem xét 20 hợp chất tự nhiên từ thực phẩm khác nhau để tìm ra thứ có thể phá hoại hoạt động của ATP synthase. Kết quả, EGCG là câu trả lời duy nhất: nó kìm hãm hoạt động của enzyme này, làm giảm hẳn các phân tử lưu trữ năng lượng.

Bước kiểm tra tiếp theo cho thấy sự tăng trưởng tế bào của vi khuẩn lập tức chậm lại khi EGCG tấn công, hình dạng của chúng cũng bị thay đổi theo chiều hướng bị suy yếu đi. Theo các tác giả, kết quả vừa công bố trên Scientific Reports sẽ là tiền đề cho các loại thuốc đột phá, an toàn và hiệu quả để chống lại căn bệnh ngày một khó chữa này.

Khi nào nên uống trà xanh?

Bên cạnh tính năng giải khát, thời điểm uống trà xanh phụ thuộc vào mục đích uống.

Không uống trà xanh vào sáng sớm khi bụng còn rỗng. Chất caffeine trong trà xanh có thể khiến cơ thể bị mất nước, kích thích tiết acid dạ dày và làm bụng cồn cào, khó chịu. 

Để có thể khai thác hết lợi ích của chất chống oxy hóa trong trà xanh, bạn nên uống vào thời điểm giữa các bữa ăn. Đầu tiên, nguyên tắc này nhằm đảm bảo catechin - một trong những chất chống oxy hóa quan trọng trong trà xanh - không phản ứng với chất casein có trong sữa và một vài protein động vật khác. Quá trình phản ứng này sẽ làm giảm tác dụng của trà xanh.

Ngoài ra, trà xanh cũng có đặc tính kiềm chế việc tiêu hóa canxi và sắt có nguồn gốc thực vật - gây vấn đề với những người có xu hướng thiếu máu. Một số cuộc nghiên cứu cũng đã cho thấy trà xanh làm giảm khả năng hấp thụ một số dưỡng chất quan trọng với cơ thể như chất béo, protein. Do đó, nên uống trà xanh trước hoặc sau bữa ăn 1-2 giờ.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN