Thứ năm, 28/03/2024 | 17:00
RSS

TP.HCM triển khai chiến dịch cho trẻ uống vitamin A từ 19/12 đến 30/12.

Chủ nhật, 11/12/2022, 20:14 (GMT+7)

Sau 1 tuần tạm hoãn, TP.HCM bắt đầu triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ nhỏ 6-36 tháng tuổi từ ngày 19-30/12,

Sự kiện:
TP.HCM


Ảnh minh họa.

Ngày 10/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin, đơn vị vừa ban hành công văn về việc triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao đợt 2 năm 2022.

Theo đó, các đơn vị liên quan đến nhận vitamin A vào ngày 14/12 để chuẩn bị triển khai chiến dịch. Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 19-30/12 dành cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi (chưa uống bổ sung vitamin A liều cao trong tháng 12/2022).

Đồng thời, các địa phương cũng tổ chức bổ sung vitamin A thường xuyên, không theo chiến dịch cho các bà mẹ sau sinh (trong vòng 1 tháng) và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao thiếu vitamin A (tiêu chảy kéo dài, trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, nhiễm khuẩn hô hấp, trẻ bị nhiễm sởi).

HCDC đề nghị các địa phương tổ chức triển khai chiến dịch một cách phù hợp, bảo đảm đủ cơ số thuốc, an toàn, hợp vệ sinh và theo hướng dẫn chuyên môn. Tùy điều kiện của từng địa phương, có thể tổ chức cho trẻ uống vitamin A tại nhiều điểm ở khu dân cư.

Trước đó, theo Báo Vnexpress thông tin, ngày 1/12, HCDC đã thông báo hoãn cho trẻ bổ sung vitamin A liều cao vào đầu tháng theo kế hoạch, do chưa nhận được phân bổ từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia vì thuốc từ nguồn viện trợ nhân đạo về tới Việt Nam muộn hơn dự kiến.

Hàng năm, Bộ Y tế tổ chức hai đợt uống vitamin A vào đầu tháng 6 và đầu tháng 12 cho các trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú mẹ và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin này. Trẻ được uống vitamin A tại các trạm y tế phường, xã. Một số trường học cũng phối hợp y tế địa phương để tổ chức cho trẻ uống.

Theo các bác sĩ, trẻ chậm uống vitamin liều cao không ảnh hưởng sức khỏe bởi việc bổ sung này mang tính chất dự phòng trong vòng 6 tháng. Một số trẻ thuộc nhóm nguy cơ, đi khám cần bổ sung vitamin A thì bổ sung theo trong viên đa sinh tố hay vitamin A liều thấp hơn.

Trẻ thiếu vitamin A thường chậm phát triển, dễ bị nhiễm trùng, mờ giác mạc và thậm chí có thể gây mù vĩnh viễn. Vitamin A có nhiều trong sữa mẹ, thực phẩm như thịt, trứng, cá, các loại rau xanh, trái cây có màu vàng đậm, đỏ đậm và xanh đậm. Trong một số trường hợp, nếu vitamin A được bổ sung bằng thực phẩm không đủ, cần phải bổ sung vitamin A liều cao bằng thuốc tùy vào mức độ thiếu hụt của mỗi người.

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại