Thứ bảy, 20/04/2024 | 08:12
RSS

TP HCM có nên giữ 51% vốn Nhà nước tại doanh nghiệp?

Thứ bảy, 03/12/2022, 10:13 (GMT+7)

Trong khi Chính phủ quyết liệt thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì TP Hồ Chí Minh lại đề xuất giữ lại 51%. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là cách làm nửa vời, không thực chất?

Sự kiện:
TP.HCM

Bài học của những “quả đấm thép”

Hàng loạt Tổng công ty đầu tàu, được ví như “quả đấm thép” tại TP HCM thời gian qua đã để lại nhiều tai tiếng. Doanh nghiệp kinh doanh bết bát, những thương vụ làm ăn bất chính được điều tra dẫn đến người đứng đầu các tổng công ty này phải vướng vòng lao lý.

Đơn cử, ngày 31/12/2021, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (CNS); ông Lê Viết Ba, Phó Phòng Kế toán CNS, về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí”. Vào đầu tháng 11/2021, ông Chu Tiến Dũng, cựu Tổng Giám đốc CNS và Đỗ Văn Ngà, Kế toán trưởng CNS, cũng bị khởi tố, bắt giam về tội danh trên.

TP HCM có nên giữ 51% vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Nhiều lãnh đạo tại Resco bị khởi tố vì sai phạm.

Vào tháng 11/2022, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM ra các quyết định khởi tố, lệnh khám xét với ông Nguyễn Tín Trung, nguyên Chủ tịch HĐTV và Nguyễn Phước Ngọc, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (RESCO). Những người này bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trước đó, vào năm 2020, Thanh tra TPHCM đã công bố kết luận thanh tra thời kỳ 2017, 2018 về phòng chống tham nhũng trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại RESCO.

Tại kết luận thanh tra cho thấy, RESCO đã chi tùy tiện hơn 54 tỷ đồng, về việc này, có sự buông lỏng lãnh đạo quản lý, tùy tiện trong công tác kế toán thu, chi tiền, dễ dẫn đến việc thất thoát tài sản nhà nước và phát sinh tham ô, tham nhũng.

Tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, hàng loạt “sếp lớn” tại doanh nghiệp này cũng trở thành bị cáo khi cơ quan công an khởi tố vụ án khởi tố bị can vì "bán rẻ" dự án khu dân cư Phước Kiển và dự án khu dân cư Ven Sông tại phường Tân Phong. Các thương vụ trái pháp luật này được xác định gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 735 tỉ đồng.

Một báo cáo mới đây của Thanh tra TP HCM cho thấy, những sai phạm chủ yếu trong quản lý đất đai, công tác quản lý ngân sách, vốn Nhà nướcvà công tác cổ phần hóa doanh nghiệp. Trước tính chất phức tạp, nghiêm trọng của vụ việc, hàng loạt những sai phạm của công ty Nhà nước đã bị Thanh tra TP phát hiện và đã được chuyển cơ quan điều tra.

Thoái vốn nửa vời

Mặc dù gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, nhưng có một thực tế là hiện nay, nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa tại TP HCM vẫn do Nhà nước giữ trên 51% vốn.

Tại buổi làm việc với Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (CNS) mới đây, Phó Chủ tịch  UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu doanh nghiệp này cần sớm hoàn thiện và trình phương án tái cơ cấu tại Tổng công ty giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo kế hoạch năm 2022, CNS sẽ đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn góp nhà nước.

Tại buổi làm việc với Tổng công ty, ông Hoan yêu cầu giữ tỷ lệ vốn Nhà nước tại CNS sau cổ phần hóa từ trên 50 - 65%.

TP HCM có nên giữ 51% vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Theo Quyết định số 1479 sắp xếp lại 141 doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa tại doanh nghiệp sẽ là từ 50% trở xuống

Không riêng gì CNS, nguồn tin cho biết, mới đây TP HCM đề xuất cho giữ lại trên 51% vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa. Đề xuất này, lập tức gây nên nhiều lo ngại cho giới chuyên gia và các nhà đầu tư quan tâm đến tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Ngày 29/11/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1479 sắp xếp lại 141 doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2022 - 2025. Theo quyết định này, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp theo quy định là từ 50% trở xuống.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ từ 50% trở xuống sẽ hạn chế được sự can thiệp quá sâu của nhà nước vào công tác điều hành, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó sẽ là động lực khuyến khích cho nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Trái lại, đề xuất giữ lại 51% vốn tại doanh nghiệp như cách TP HCM đang làm nhiều nhà đầu tư lo nghĩ, là kiểu cổ phần hóa nửa vời, không thực chất. Nhà nước chỉ nên nắm giữ từ 65 – 51% vốn điều lệ tại những doanh nghiệp có các ngành như: sản xuất hóa chất cơ bản, vận chuyển hàng không, buôn bán gạo, sản xuất thuốc lá… Những ngành nghề còn lại, Nhà nước không chiếm cổ phần chi phối.

“Nếu vẫn giữ 51% vốn tại doanh nghiệp, sau khi đã cổ phần hóa, nhà nước vẫn nắm quyền cho phối nên sẽ can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện giữ nhiều quyền can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, nhưng lại thiếu chuyên nghiệp và trách nhiệm không rõ ràng”, đại diện một doanh nghiệp nêu ý kiến.

Chuyên gia nêu thực tế rằng, hoạt động tái cơ cấu bị chậm lại, hay Nhà nước vẫn thích nắm cổ phần chi phối trong doanh nghiệp có thể xuất phát từ sự mờ ám trong làm ăn, không loại trừ có mục đích lợi ích nhóm. Theo TS Nguyễn Đức Độ, cổ phần hoá sẽ khiến quyền lực của lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước bị giảm khi có sự tham gia và kiểm soát của các cổ đông bên ngoài. “Việc cổ phần hóa hay vốn Nhà nước bị “tụt” xuống dưới 50% có thể khiến một số lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước bị thiệt hại về lợi ích kinh  tế, vì mặc dù thu nhập chính thức không cao, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước có thể thu lợi thông qua việc chuyển đơn hàng, lợi nhuận sang các công ty sân sau”, TS. Nguyễn Đức Độ phân tích.

Bình luận về con số 51% vốn Nhà nước mà TP HCM muốn “giữ lại” sau cổ phần hóa, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, một số doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá thì tỉ lệ vốn Nhà nước nắm giữ còn cao nên hoạt động sau cổ phần hoá chưa có thay đổi nhiều về quản trị điều hành cũng như hiệu quả hoạt động. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thụt lùi sau khi cổ phần hoá, điển hình như Tổng Công ty cổ phần lương thực miền Nam, Tổng công ty địa ốc Sài Gòn …

PV
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại