Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:03
RSS

Nợ tăng, vốn giảm nhưng Nam Long Group vẫn thu lợi nhuận khủng từ việc bán dự án đã thế chấp ngân hàng

Thứ bảy, 13/08/2022, 08:59 (GMT+7)

Tính đến cuối tháng 6/2022, Nợ phải trả của Nam Long Group đạt mốc hơn 12.070 tỷ đồng, tăng 19,3% so với hồi đầu năm nhưng doanh nghiệp này vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến chủ yếu việc bán dự án đã bị thế chấp.

Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 2/2022, Công ty CP Đầu tư Nam Long (Nam Long Group, HOSE: NLG) có tổng tài sản 24.842,1 tỷ đồng, tăng 4,7% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên khối tài sản này lại được hình thành chủ yếu từ hàng tồn kho và các khoản phải thu (chiếm tới 74,4%).

Nhờ bán dự án đang thế chấp tại ngân hàng, lợi nhuận của Nam Long Group tăng đột biến trong năm 2022.
Nhờ bán dự án đang thế chấp tại ngân hàng, lợi nhuận của Nam Long Group tăng đột biến trong năm 2022.

Cụ thể, các khoản phải thu của Nam Long Group trong quý 2/2022 đạt 2.468,4 tỷ đồng chiếm gần 10% tổng tài sản. Đồng thời hàng tồn kho của Nam Long Group đang ở mức cao với 16.083 tỷ đồng, tăng 14,8% so với hồi đầu năm, chiếm tới 64,4% tổng tài sản. Trong đó các bất động sản dở dang tập trung lớn nhất ở 4 dự án Izumi City (7.314,6 tỷ đồng), Southgate (3.864,8 tỷ đồng); Paragon Đại Phước (1.975,3 tỷ đồng); Waterpoint (1.401 tỷ đồng),...

Tuy nhiên, Nam Long Group đã thế chấp hàng loạt tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phát sinh từ các dự án do doanh nghiệp đầu tư cho các khoản vay tại các Ngân hàng. Cụ thể, dự án Izumi City tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đang được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) để vay dài hạn 553,2 tỷ đồng; Thế chấp thửa 2479 và thửa 226 thuộc tờ bản đồ số 5, thửa 779 tờ bản đồ số 6 tại huyện Bến Lức, Long An tại Ngân hàng OCB để vay ngắn hạn 260,4 tỷ đồng,...

Dự án Izumi City dù được Nam Long Group rao bán rầm rộ từ cuối năm 2021 nhưng Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai khẳng định không có dự án này trên địa bàn tỉnh.

Dự án Izumi City dù được Nam Long Group rao bán rầm rộ từ cuối năm 2021 nhưng Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai khẳng định không có dự án này trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, Nam Long Group còn thế chấp dự án Southgate tại Ngân hàng TNHH MTV United Overseas Bank để vay 34,3 tỷ đồng. Đây là một trong hai dự án trọng điểm giúp Nam Long Group đạt doanh thu trong quý 2/2022.

Nhờ bán 2 dự án Akari và Southgate, Nam Long Group ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.240,7 tỷ đồng trong quý 2/2022, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2021. Sau khi trừ các chi phí, giá vốn hàng bán, lợi nhuận sau thuế của Nam Long Group đạt 192,3 tỷ đồng, tăng 3 lần so với quý 2/2021.

Điều đáng nói là dù đã thế chấp ngân hàng nhưng Nam Long Group vẫn bán dự án Southgate cho khách hàng. Phải chăng Nam Long Group đang đẩy rủi ro về phía khách hàng?

Không chỉ mang hàng loạt dự án đi thế chấp Ngân hàng để vay vốn, Nam Long Group mang nhiều cổ phiếu của mình thế chấp để huy động vốn từ trái phiếu.

Không chỉ mang hàng loạt dự án đi thế chấp Ngân hàng để vay vốn, Nam Long Group mang nhiều cổ phiếu của mình thế chấp để huy động vốn từ trái phiếu.

Không chỉ hàng tồn kho lớn, mang dự án đã thế chấp bán cho khách hàng, Nam Long Group đang phải đối mặt với nhiều rủi ro tài chính khác như: Dòng tiền hoạt động kinh doanh âm, gánh nặng nợ vay do khối nợ phình to, đặc biệt là vốn chủ sở hữu giảm trong 2 quý gần đây.

Cụ thể, so với đầu năm, nợ phải trả của Nam Long Group đạt mốc hơn 12.070 tỷ đồng, tăng hơn 1.949 tỷ đồng, tương đương tăng gần 19,3%. Trong đó, nợ ngắn hạn của Nam Long Group đạt gần 7.294 tỷ đồng, tăng 16,5% so với hồi đầu năm; Nợ dài hạn tăng 23,7% lên mức gần 4.777 tỷ đồng.

Ngoài ra tổng nợ vay của Nam Long Group tăng đến 23,1% so với hồi đầu năm. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng nợ vay tại Nam Long Group đạt 4.441 tỷ đồng, chiếm 36,8% nợ phải trả. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn của Nam Long Group tăng gần 42% lên mức gần 3.287 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.153 tỷ đồng.

Đồng thời, Nam Long Group cũng huy động vốn từ trái phiếu cũng rất lớn với mục đích tăng đòn bẩy tài chính. Tính đến 30/6/2022, Nam Long Group đang sở hữu khoản nợ 2.521 tỷ đồng trái phiếu.

Đáng lo ngại nhất trong bức tranh tài chính của Nam Long Group là trong khi khối nợ “phình to” thì vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này lại đang có dấu hiệu suy giảm.

Cụ thể, vốn chủ sở hữu của Nam Long Group hồi đầu năm là 13.595,4 tỷ đồng, đến 31/3/2022 con số này giảm hơn 655 tỷ đồng xuống còn gần 12.940 tỷ đồng. Và đến ngày 30/6/2022, con số này tiếp tục giảm hơn 168 tỷ đồng xuống còn hơn 12.771 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý 2/2022, vốn chủ sở hữu của Nam Long Group đã giảm tới gần 824 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 6% so với hồi đầu năm.

Mặc dù, hoạt động kinh doanh ghi nhận doanh thu tăng đột biến nhưng sau 6 tháng đầu năm Nam Long Group chỉ ghi nhận gần 225 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, một con số khiêm tốn so với con số 824 tỷ đồng “hao hụt” vốn chủ sở hữu của Công ty này.

Không chỉ khối nợ tăng mạnh, vốn chủ sở hữu giảm, dòng tiền hoạt động kinh doanh Nam Long Group âm hơn 237 tỷ đồng trong quý 2/2022.

Khách hàng cần cẩn trọng với dự án “ma” Izumi City của Nam Long Group

Từ cuối năm 2021, Nam Long Group tự giới thiệu là chủ đầu tư dự án Izumi City, tọa lạc tại đường Hương Lộ 2, xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Dự án được đơn vị này quảng cáo có quy mô rộng khoảng 170ha, với nhiều loại hình sản phẩm như căn hộ, nhà phố vườn, shophouse, biệt thự song lập, biệt thự đơn lập và dinh thự ven sông.

Cũng tại thời điểm nay Nam Long Group và các sàn phân phối chào bán rầm rộ và thu hàng trăm triệu đồng tiền cọc từ khách hàng.

Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, UBND TP. Biên Hòa khẳng định trên địa bàn TP không có dự án nào mang tên Izumi City do Công ty CP Đầu tư Nam Long làm chủ đầu tư.

 

Nguyên Trang - Sỹ Bắc
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại