Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:46
RSS

Áp lực bủa vây Ngân hàng OCB: Lợi nhuận giảm 35%, nợ xấu tăng vọt gần 60%

Thứ năm, 04/08/2022, 13:11 (GMT+7)

Ngân hàng OCB vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2022 kém khả quan khi lợi nhuận suy giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, nợ xấu nội bảng của nhà băng này tăng vọt gần 60% so với hồi đầu năm.

Ngân hàng OCB đang đối mặt với nhiều khó khăn khi lợi nhuận giảm sâu, nợ xấu tăng vọt.

Ngân hàng OCB đang đối mặt với nhiều khó khăn khi lợi nhuận giảm sâu, nợ xấu tăng vọt.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB, HOSE: OCB) với thu nhập lãi thuần đạt 1.701,7 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái; Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 231,1 tỷ đồng tăng 3,1%.

Tuy nhiên trong quý 2, hoạt động mua bán chứng khoán của OCB chủ yếu là trái phiếu báo lỗ 327,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn có lãi 374,5 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động mua bán chứng khoán lỗ 51,4 tỷ đồng, hoạt động chứng khoán đầu tư lỗ gần 276 tỷ đồng.

Trước đó, hoạt động mua bán chứng khoán vốn là điểm mạnh của OCB trong hai năm qua khi luôn đóng góp trên 20% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng. Đỉnh điểm vào quý 4/2020, Ngân hàng OCB ông Trịnh Văn Tuấn từng thu lãi được gần 1.000 tỷ đồng chỉ từ nghiệp vụ kinh doanh trái phiếu.
Từ tháng 8/2010 đến nay, ông Trịnh Văn Tuấn là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng OCB.

Từ tháng 8/2010 đến nay, ông Trịnh Văn Tuấn là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng OCB.

Ngân hàng OCB cho biết, nguyên nhân cho sự đi xuống trong hoạt động kinh doanh chứng khoán là do ảnh hưởng của thị trường, diễn biến bất lợi từ tác động chính sách thế giới tình hình vĩ mô thay đổi.

Nguồn thu từ hoạt động mua bán chứng khoán báo lỗ khiến tổng thu nhập hoạt động của OCB trong quý 2 chỉ đạt 1.806,1 tỷ đồng, giảm 17,8% so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng thêm 27% so với cùng kỳ khiến lợi nhuận thuần trước khi trích lập dự phòng của OCB giảm gần 35% chỉ còn hơn 1.030,3 tỷ đồng.

Trong quý 2, OCB cũng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 126,8 tỷ đồng, giảm 37,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 903,5 tỷ đồng, giảm tới 34,8%.

Lũy kế 6 tháng, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 1.739,2 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch lợi nhuận hơn 7.000 tỷ đồng năm 2022, OCB mới hoàn thành gần 25% chỉ tiêu sau nửa năm.

Diễn biến giá cổ phiếu OCB từ hổi đầu năm đến nay.

Diễn biến giá cổ phiếu OCB từ hổi đầu năm đến nay.

Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của OCB đạt 188.857,4 tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm. Trong đó, dự nợ cho vay khách hàng tăng 7,4% đạt 109.617 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền gửi khách hàng của OCB lại giảm 2,3% xuống còn 96.555,4 tỷ đồng.

Không chỉ lợi nhuận giảm sâu, nợ xấu của của OCB tăng 58,9% so với hồi đầu năm đạt 2.144,2 tỷ đồng. Do đó, nâng tỷ lệ nợ xấu tại OCB từ 1,32% hổi đầu năm lên 1,96%.

Cụ thể, so với hồi đầu năm Nợ nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) tăng tới 1,6% lên hơn 526,7 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) tăng mạnh nhất 136,1% lên hơn 685,7 tỷ đồng; Nợ nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) tăng 27% lên mức 931,6 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của OCB hiện được giao dịch ở vùng giá hơn 18.000 đồng, vốn hóa ngân hàng tương ứng đạt hơn 24.000 tỷ đồng (1,1 tỷ USD). Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu OCB giảm giá hơn 30%, cao hơn mức chung của thị trường.

Ngân hàng TMCP Phương Đông được thành lập vào năm 1996. Đến tháng 12/2020,OCB được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Hiện ông Trịnh Văn Tuấn (1965) đang là Chủ tịch HĐQT OCB, sở hữu hơn 60,7 triệu cp OCB, tương đương 4,43% cổ phần OCB. Ngoài ra, nhiều người thân trong gia đình ông Tuấn cũng đang sở hữu hơn 150 triệu cp OCB gồm: Bà Cao Thị Quế Anh (vợ) hơn 44 triệu cp, bà Trịnh Mai Linh (con gái) hơn 58,5 triệu cp, ông Trịnh Mai Vân (con gái) hơn 51,3 triệu cp.

 

Sỹ Bắc - Nguyên Trang
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại