Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:10
RSS

Top phim Mỹ giành giải Oscar được yêu thích nhất

Thứ hai, 11/05/2020, 19:02 (GMT+7)

Những phim Mỹ giành giải Oscar dưới đây không chỉ mang tính nghệ thuật, nhân văn được các nhà phê bình công nhận mà còn vô cùng giải trí, được khán giả yêu thích.

THE GODFATHER – BỐ GIÀ (1972)

Đứng đầu danh sách phim Mỹ giành giải Oscar được yêu thích nhất là Bố già. Tác phẩm này được đưa lên màn ảnh rộng với Francis Ford Coppola làm đạo diễn và kịch bản do chính tác giả Puzzo đóng góp chỉnh sửa. Nội dung phim được đặt tại New York giữa những năm 1940, nơi thế giới ngầm bị thao túng bởi những gia đình mafia quyền lực. Trong số đó, gia đình Corleone với Don Vito (Marlon Brando thủ vai) lãnh đạo được xếp vào hàng “chiếu trên”.

Ngài Vito đáng kính có ba người con trai và cô con gái út Connie (Talia Shire). Cậu cả Sonny (James Caan) mạnh mẽ nhưng nóng đầu, không hợp làm thủ lĩnh. Tương tự là Fredo (John Calaze), đứa con thứ hai ốm yếu và nhút nhát. Duy chỉ có Michael (Al Pacino), đứa con út là tỏ ra xuất chúng hơn cả. Nhưng anh chàng này không có muốn theo nghiệp gia đình - cai quản cái đế chế tội ác mà cha anh nhọc công gây dựng cả đời.

Top phim Mỹ giành giải Oscar được yêu thích nhất

Chàng đại úy trẻ vừa xuất ngũ chỉ muốn yên bề gia thất bên cô nhân tình Kay Adams (Diane Keaton) nhưng đôi khi cuộc sống không diễn ra như người ta mong muốn. Gia đình Corleone bỗng dưng gặp vận hạn khi Don Vito bỗng dưng bị mai phục và ám hại đến mức “thập tử nhất sinh”.

Dù Don Vito không mất mạng, cuộc tấn công ấy khiến gia đình Corleone suy yếu, không ai đủ sức đứng ra cáng đáng vị trí mà “Bố già” để lại. Michael Corleone đành phải trở thành vị cứu tinh, đứng ra lãnh đạo gia đình trước sự bành trướng của những gia đình mafia khác. Rồi dần dần, theo thời gian và với sự trợ giúp của ‘consigliere’ (cố vấn) Tom Hagen (Robert Duvall) cùng các tay chân thân tín như Al Neri, Clemenza ... anh đã trở thành Bố Già mới, thống trị thế giới ngầm của New York.

12 YEARS A SLAVE – 12 NĂM NÔ LỆ (2013)

Trong lịch sử điện ảnh Mỹ, từng có không ít bộ phim đề cập tới nạn nô lệ - thứ từng được coi là hợp pháp trong khoảng từ thế kỷ thứ 17 tới 19. Từ kinh điển như Gone With The Wind (1939) cho tới hai bộ phim được đề cử Oscar năm ngoái là Lincoln và Django Unchained, chủ đề nhạy cảm này đã được nhắc tới không ít.

Top phim Mỹ giành giải Oscar được yêu thích nhất

Tuy nhiên, không tác phẩm nào có cái nhìn trực diện, không che đậy hay biện minh mà chỉ đem tới một sự thực trần trụi như 12 Years A Slave. Bộ phim của đạo diễn Steve McQueen là câu chuyện đầy xót xa của những con người bất hạnh không may sinh ra trong thời kỳ đen tối của lịch sử nước Mỹ.

12 Years A Slave đầy những điều trớ trêu khi một bộ phim xuất sắc đến vậy với bối cảnh Mỹ lại do một người Anh thực hiện và ông lại kể về thời kỳ đen tối ấy qua những khuôn hình đẹp đến mê hồn. Miền Nam nước Mỹ trong phim hiện lên đầy trong trẻo và thơ mộng với những cánh đồng tràn ngập nắng.

ONE FLEW OVER THE CUCKOO’S NEST – BAY TRÊN TỔ CHIM CÚC CU (1975)

Bay trên tổ chim cúc cu (tiếng Anh: One Flew Over the Cuckoo's Nest) là một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Miloš Forman được sản xuất năm 1975 dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Ken Kesey.

Bộ phim là câu chuyện về cuộc đấu tranh giữa khao khát tự do và nỗi sợ hãi của các bệnh nhân tại một trại điều dưỡng tâm thần. Đây là bộ phim thứ hai sau It Happened One Night (1934) giành được cả 5 giải Oscar chính (Big Five, gồm Phim, Đạo diễn, Kịch bản, Vai nam chính và Vai nữ chính).

Top phim Mỹ giành giải Oscar được yêu thích nhất

Câu chuyện xảy ra tại một bệnh viện tâm thần ở bang Oregon nước Mỹ. Sự êm ả đến buồn tẻ bấy lâu nay của viện tâm thần bỗng bị xới tung bởi sự có mặt của Randall McMurphy (hay còn gọi là Mac) – một tội phạm bị tình nghi có dấu hiệu tâm thần và được đưa vào bệnh viện để kiểm tra, giám định.

Từ những kẻ thụ động, răm rắp làm theo lệnh của các nhân viên bệnh viện chẳng khác gì tù nhân, các bệnh nhân đã được Mac khơi dậy lòng tự trọng, sự nhận thức về giá trị của một con người, họ đã biết cho nhau, hy sinh vì nhau và họ đã dám phản kháng để tự giải phóng khỏi sự áp đặt.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN