Top phim về mẹ phải kể đến Changeling, phim dựa trên sự kiện có thật ở Los Angeles năm 1928, các nhà làm phim Hollywood đã chuyển thể thành bộ phim cảm động về tình mẹ: “Changeling”. Người mẹ Christine (Angelina Jolie) rơi vào hoảng loạn khi con trai 9 tuổi của mình mất tích và báo cảnh sát. Vài tháng sau, nhà chức trách mang con về trả lại cô, tuy thế Christine lại khẳng định đứa trẻ không phải con mình.
Lực lượng cảnh sát cho rằng cô bị tâm thần và dư luận lên án hành động của một người mẹ như cô. Tuy thế, Christine nhất định đương đầu với tất cả để tìm ra đứa con thật sự của mình.
Một bộ phim hay thì rất đáng để xem nhưng với một bộ phim hay dựa trên một câu chuyện có thật thì càng đáng để xem hơn. Angelina Jolie với diễn xuất cực kì xuất sắc đã lột tả được vẻ đẹp đích thực của một người mẹ, đó chính là tình yêu dành cho đứa con của mình, cho dù nó ở bất cứ nơi đâu, còn sống hay đã chết thì tình yêu này sẽ vẫn mãi còn.
Nó giống như ngọn lửa vĩnh cửu vậy, luôn nồng ấm trong những cử chỉ hằng ngày nhưng sẵn sàng cuồng bạo đốt cháy tất cả những gì cản trở hành trình đi tìm đứa con
Không quảng bá rầm rộ, không chiêu trò truyền thông, cũng không sở hữu dàn diễn viên quá nổi bật, Hope (Hy Vọng) dùng chính nội lực của cốt truyện những nạn nhân trẻ em bị bạo hành tình dục và sự đồng cảm giữa người với người để đường hoàng nhận lấy danh hiệu Phim điện ảnh hay nhất, Kịch bản hay nhất và Diễn viên phụ xuất sắc nhất tại giải thưởng Rồng Xanh danh giá lần thứ 34 của người Hàn Quốc. Phim gây chấn động công chúng Hàn và thu hút dư luận vì cốt truyện được tái dựng từ một vụ án có thật và từng là nỗi nhục của xứ sở Kim Chi.
Dựa trên một vụ án hình sự có thật gây rúng động ở Hàn Quốc năm 2008 (vụ án Nayoung), Hope lột tả diễn biến gây phẫn nộ và quá trình phục hồi sau chấn thương bị lạm dụng tình dục của bé gái tám tuổi tên So Won (Lee Re). Trên đường đi bộ đến trường một mình, So Won gặp phải một kẻ say rượu và bị ông ta cưỡng hiếp, bạo hành tình dục rồi bỏ mặc lại với nỗi đau vượt khỏi khuôn khổ những tổn thương thể xác.
Đến khi được phát hiện và cứu chữa, bé gái phải mang theo di chứng cả đời về cả tâm lý và thể chất. Đến mức cô bé thậm chí còn sợ hãi cả chính người bố của mình. So Won trở nên hoảng loạn mỗi khi bố mình bước đến gần. Bố mẹ So Won đã vô cùng đau đớn trong quá trình cùng con gái chữa lành những tổn thương nặng nề chỉ xảy ra tích tắc bởi một tên khốn say rượu.
Dearest (2014)
Được xây dựng dựa trên một câu chuyện có thật, “Con thân yêu” của “Én nhỏ” Triệu Vy là một trong những bộ phim về tình cảm gia đình đáng xem. Không chỉ kể về hành trình rong ruổi tìm con của vợ chồng Điền Văn Quân (Hoàng Bột) và Lỗ Hiểu Quyên (Hác Lôi), Dearest còn lấy nước mắt khán giả bởi câu chuyện cảm động về tình mẫu tử sâu sắc giữa người phụ nữ nông thôn nghèo Lý Hống Cầm (Triệu Vy) và những đứa trẻ bị bắt cóc.
Những thước phim nhuốm màu u buồn, những xúc cảm được đẩy lên đến tận cùng, những tiếng gọi “Mẹ ơi!” rơi lặng trong thinh không… Dearest là một tác phẩm chính kịch chân thành và cảm động của nền điện ảnh Hoa ngữ. Đóng góp vào thành công của bộ phim phải kể đến diễn xuất đầy tinh tế của dàn diễn viên chính, đặc biệt là Triệu Vy.
Trút bỏ hết mọi phấn son, mái tóc dài, quần áo hàng hiệu, “Én nhỏ” đã lột xác hoàn toàn trong lốt một phụ nữ nông thôn nghèo, ít học, nhưng lại tràn đầy tình yêu thương. Vai diễn Lý Hồng Cầm nhận được nhiều lời khen của cả khán giả và giới chuyên môn, mang lại cho cô danh hiệu Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Kim Tượng Hồng Kông.