Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khóc ngay tại cuộc họp báo
Trong cuộc họp báo tại Geneva hôm 9/7, Tổng giám đốc WHO Tedros cảnh báo Covid-19 đã gây ra chia rẽ cộng đồng quốc tế Ông cho biết kẻ thù thật sự của thế giới lúc này không phải virus gây dịch mà là "tình trạng thiếu hụt sự lãnh đạo và đoàn kết ở cấp độ toàn cầu và quốc gia", Washington Post đưa tin.
Hình ảnh ghi lại buổi họp báo cho thấy ông Tedros đã phát biểu trong sự xúc động và lấy tay lau nước mắt khi kêu gọi thế giới đoàn kết. "Liệu khó đến mức nào để con người có thể đoàn kết và chống lại kẻ thù chung đang giết hại các nạn nhân?", ông Tedros nói.
Người đứng đầu WHO thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới coi trọng công tác điều tra dịch bệnh và không để những phát hiện từ cuộc điều tra đó bị thờ ơ. Ông cũng cho rằng nhiều nước coi nhẹ việc ứng phó với dịch bệnh, khiến Covid-19 lây lan chóng mặt.
"Đã đến lúc cần phải ngẫm nghĩ lại một cách thành thực. Tất cả chúng ta phải nhìn vào gương, WHO, mọi quốc gia thành viên, đều phải tham gia vào quá trình đối phó dịch bệnh. Tất cả mọi người", ông Tedros nói.
Lãnh đạo WHO kêu gọi các nước “cởi mở” với cuộc điều tra độc lập nhằm rà soát lại quy trình ứng phó với đại dịch Covid-19. Cuộc điều tra quốc tế này sẽ do cựu Thủ tướng New Zealand, Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia, Ellen Johnson dẫn đầu.
Ông Ghebreyesus cho biết cuộc điều tra sẽ xem xét các hệ thống giám sát và phản ứng quốc gia, cách chia sẻ thông tin, liệu có phải các tổ chức y tế đã mất niềm tin của công chúng hay không và “liệu cấu trúc y tế toàn cầu có còn phù hợp với mục đích đặt ra hay không”.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Tedros lên án các quốc gia đã không có sự chuẩn bị trong ứng phó dịch bệnh. Ông nói dịch bệnh COVID-19 đã hoành hành dữ dội chính vì những chia rẽ.
"Trong nhiều năm, nhiều người trong chúng tôi đã cảnh báo rằng một đại dịch thảm họa về hô hấp là không thể tránh khỏi", tổng giám đốc WHO nói.
"Cho nên đó không phải là câu hỏi có hay không (một dịch bệnh - PV) mà là khi nào. Nhưng dù vậy, bất chấp những cảnh báo, thế giới vẫn chưa sẵn sàng để ứng phó. Các hệ thống của chúng ta đã không sẵn sàng. Các cộng đồng của chúng ta đã không sẵn sàng. Các chuỗi cung cấp của chúng ta đã sụp đổ", ông Tedros nói.
"Đã đến lúc cần phải ngẫm nghĩ lại một cách thành thực. Tất cả chúng ta phải nhìn vào gương, Tổ chức Y tế thế giới, mọi quốc gia thành viên, đều phải tham gia vào quá trình đối phó dịch bệnh. Tất cả mọi người", ông Tedros nói.
Trước đó, bà Clark từng nói WHO đã không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Nhóm G20. Bà chỉ trích “địa chính trị độc hại” khiến Hội đồng Bảo an không làm được gì có ích. Bà Clark cho rằng WHO đã làm tốt nhất có thể công việc của mình.
Theo số liệu trên Worldometer tính đến 19h chiều 10/7, chỉ sau gần 7 tháng từ khi khởi phát ở Trung Quốc dịch Covid-19 đã lây lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây ra cái chết của 558.178 người trong tổng số 12,4 triệu ca nhiễm.
Mỹ cho rằng WHO đã ứng phó chậm chạm với dịch bệnh từ bước đầu, khiến nhiều quốc gia lãng phí thời gian quý báu để chuẩn bị ứng phó và trì hoãn quyết định hạn chế đi lại. Mỹ sau đó tuyên bố rút khỏi WHO. Hôm 9/7, WHO đã lập một ủy ban độc lập để đánh giá cách xử lý đại dịch của tổ chức này cũng như phản ứng của các chính phủ.