Thứ năm, 21/11/2024 | 21:27
RSS

Tình nguyện viên tiêm Covivac được hỗ trợ 2,7 triệu cho 9 lần thăm khám sau tiêm

Thứ năm, 21/01/2021, 12:03 (GMT+7)

Các tình nguyện viên sẽ nhận được một khoản kinh phí hỗ trợ từ dự án nghiên cứu. Mỗi lần thăm khám, mỗi tình nguyện viên sẽ nhận được 300.000 đồng.

Sáng 21/1, nhóm nghiên cứu vaccine Covivac - loại vaccine phòng covid-19 thứ 2 được sản xuất tại Việt Nam - cho biết dự kiến mũi tiêm đầu tiên sẽ tiến hành vào tháng 2/2021. Mũi tiêm thứ 2 đối với mỗi tình nguyện viên sẽ sau 28 ngày từ mũi tiêm đầu tiên.

Nghiên cứu giai đoạn 1 dự kiến tiến hành tuyển chọn 120 người, là người khỏe mạnh, tuổi từ 18 – 59, chia thành 5 nhóm, sử dụng các liều 1mcg, 3mcg, 10mcg, 1mcg có bổ sung tá chất và sử dụng giả dược.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho hay giai đoạn 1, sẽ tiến hành tại trường Đại học Y Hà Nội tình nguyện viên được theo dõi an toàn trong vòng 24 giờ đầu.

Trong giai đoạn 2, các đối tượng tình nguyện sẽ được thu tuyển tại các xã tham gia của huyện Vũ Thư, Thái Bình. Các hoạt động khám sàng lọc, lấy mẫu, tiêm vaccine, theo dõi an toàn sau tiêm được thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Tình nguyện viên tiêm Covivac được hỗ trợ 2,7 triệu cho 9 lần thăm khám sau tiêm

Sáng 21/1, ngoài lượng lớn sinh viên trường Đại học Y Hà Nội tới tư vấn, đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac, còn có nhiều người "ngoài ngành Y", đã đi làm cũng tới nghe tư vấn. Ảnh: Võ Thu

Trả lời câu hỏi về các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra, các chuyên gia cho hay các phản ứng thông thường sau tiêm vaccine được xử trí theo hướng dẫn hiện hành của Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Về nguy cơ tiềm tàng sau tiêm vaccine, các chuyên gia tham gia nghiên cứu Covivac cho hay, tại vị trí tiêm, tình nguyện viên có thể bị đau, đau khi chạm vào sừng hoặc chai cứng và quầng đỏ. Các nguy cơ tiềm tàng toàn thân có thể gặp là sốt, đau đầu, mệt mỏi hoặc khó chịu, đau cơ đau đầu và buồn nôn hoặc nôn..

Vì có thể có những rủi ro chưa biết liên quan đến Covivac nên tất cả các tình nguyện viên sẽ được theo dõi về bất kỳ nguy cơ ngoài dự kiến nào trong 28 ngày.

Tình nguyện viên tiêm Covivac được hỗ trợ 2,7 triệu cho 9 lần thăm khám sau tiêm

4 bàn tư vấn được chuẩn bị để giải đáp mọi thắc mắc của người đến đăng ký. Tổng số người tới đăng ký tư vấn sáng 21/1 lên tới hơn 100 người.

Trong giai đoạn 1, sau khi khám sàng lọc, đối tượng tình nguyện tiêm tiêm thử nghiệm được căn dặn để tránh mắc bệnh cấp tính trong thời gian 1-6 tuần, sinh hoạt điều độ, cũng như tuân thủ các nguyên tác phòng dịch COVID-19. Sau tiêm, đối tượng được theo dõi tại trường Đại học Y Hà Nội trong vòng 24 giờ. 

TS.BS Trần Thanh Tùng (Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết, các tình nguyện viên tham gia chương trình sẽ được theo dõi trong suốt 13 tháng và trải qua 9 lần thăm khám.

Trong quá trình tham gia, nếu có bất cứ vấn đề gì bất thường, các tình nguyện viên sẽ trao đổi ngay với tư vấn viên.

Tình nguyện viên tiêm Covivac được hỗ trợ 2,7 triệu cho 9 lần thăm khám sau tiêm

Với các phản ứng nặng cần can thiệp điều trị, trong giai đoạn 1, tình nguyện viên sẽ được chăm sóc điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội còn giai đoạn 2, tình nguyện viên được chăm sóc tại bệnh viện huyện Vũ Thư và bệnh viện đa khoa Thái Bình.

TS Tùng cũng thông tin, các tình nguyện viên sẽ nhận được một khoản kinh phí hỗ trợ từ dự án nghiên cứu. Mỗi lần thăm khám, mỗi tình nguyện viên sẽ nhận được 300.000 đồng.

Võ Thu
Theo GiadinhNet