Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:16
RSS

Tìm ra kháng thể có khả năng 'vô hiệu hóa' hoàn toàn virus gây Covid-19

Thứ tư, 16/09/2020, 11:33 (GMT+7)

Các nhà khoa học kỳ vọng loại thuốc được bào chế từ kháng thể này sẽ sớm được sử dụng như một liệu pháp phòng chống Covid-19.

Sự kiện:
Covid-19

Tìm ra kháng thể có khả năng 'vô hiệu hóa' hoàn toàn virus gây Covid-19

Loại kháng thể có thể vô hiệu hóa hoàn toàn virus SARS-CoV-2. Ảnh: Tuổi trẻ Online

Báo Thanh Niên dẫn nguồn tin từ tờ New York Post ngày 15/9 cho biết, các nhà khoa học tại trường Y thuộc Đại học Pittsburgh (Mỹ) đã phân lập thành công phân tử sinh học nhỏ nhất có thể vô hiệu hóa hoàn toàn và chính xác vi rút SARS-CoV-2.

Theo đó, thành phần kháng thể này có kích thước nhỏ hơn kháng thể thông thường gấp 10 lần và đã được sử dụng để tạo ra một loại thuốc có tên Ab8. Các nhà khoa học kỳ vọng loại thuốc được bào chế từ kháng thể "nhỏ mà có võ" này sẽ sớm được sử dụng như một liệu pháp phòng chống SARS-CoV-2.

"Ab8 không chỉ là liệu pháp điều trị tiềm năng, nó còn có thể giúp phòng ngừa covid-19 Các kháng thể có kích thước lớn hơn đã được dung nạp tốt, chống lại các bệnh truyền nhiễm khác. Chúng tôi hy vọng đây là phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân Covid-19 và bảo vệ người chưa từng nhiễm virus, không có miễn dịch" - ông John Mellors, Trưởng Khoa các bệnh truyền nhiễm, Đại học Y khoa Pittsburgh nói.

Theo báo cáo do các nhà nghiên cứu công bố trên tạp chí Cell, trong các thử nghiệm cận lâm sàng, thuốc đạt hiệu quả cao trong việc ngăn chặn và điều trị nhiễm Covid-19 ở chuột. Các thành phần thuốc không liên kết với tế bào người, do đó không tạo ra các tác dụng phụ. Kháng thể được phân lập từ huyết tương hiến của người từng mắc Covid-19.

Nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Texas cũng cho thấy Ab8 ngăn chặn virus xâm nhập tế bào. Trong các thử nghiệm trên chuột, những con được điều trị bằng Ab8 có lượng vi rút SARS-CoV-2 lây nhiễm ít hơn 10 lần so với những con không được điều trị. Hiện, các nhà nghiên cứu đang cố gắng phát triển thuốc theo nhiều hình thức khác nhau, như dạng xông hoặc tiêm bắp thông thường, thay vì tiêm tĩnh mạch.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN