Theo tờ Mirror, tiểu hành tinh 2018 CB có bán kính 40 mét do Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA phát hiện mới đây sẽ lao qua Trái Đất vào ngày 10/2 tới, tức đúng vào Tết Nguyên Đán của Việt Nam
Các chuyên gia cho biết khi vụt qua Trái đất tiểu hành tinh ở khoảng cách 63.000 km, nhỏ hơn 1/5 quãng đường từ Trái đất đến Mặt Trăng. Với khoảng cách khá xa này nó gần như vô hại với Trái đất nên cư dân trên địa cầu hoàn toàn yên tâm và không cần lo lắng gì.
Paul Chodas, quản lý tại Trung tâm Nghiên cứu các Vật thể gần Trái đất thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA cho biết: "2018 CB khá nhỏ nhưng có thể vẫn lớn hơn thiên thạch từng tiến vào khí quyển phía trên Chelyabinsk, Nga vào năm 2013. Những tiểu hành tinh có kích thước này thường không tới gần Trái đất đến thế, có lẽ chỉ 1-2 lần một năm".
Tiểu hành tinh ghé sát Trái đất đúng dịp Tết Nguyên Đán Việt Nam. Ảnh minh họa
Các tiểu hành tinh tiềm ẩn nguy hiểm gần như hàng ngày vẫn đi qua Trái đất tuy nhiên nó được giám sát khá nghiêm ngặt bởi các nhà nghiên cứu, để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho Trái Đất.
Trường hợp tới gần Trái đất của tiểu hành tinh 2018 CB, người yêu thiên văn có thể quan sát sự kiện này bằng việc sử dụng kính viễn vọng.
Trước đó, một thiên thạch khổng lồ mang tên 2002 AJ129, có kích thước lớn hơn cả tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa đang lao nhanh về phía trái đất với vận tốc 107.826 km/h, khiến NASA lo ngại.
Theo NASA cho biết, 2002 AJ129 dài tới 1,1km - nghĩa là lớn hơn chiều cao của Burj Khalifa - tòa nhà cao nhất thế giới tại Dubai với hơn 800m chiều cao.
Viên thiên thạch này sau đó đã đi ngang qua Trái đất vào ngày 4/2, ở khoảng cách hơn 4,2 triệu km và không có bất kỳ một ảnh hưởng nào tới hành tinh xanh của chúng ta.
Được biết, NASA sẽ xếp tất cả các thiên thể vào dạng "có thể gây thảm họa" nếu nó đi ngang qua chúng ta ở khoảng cách nhỏ hơn 7,4 triệu km.