Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:11
RSS

Tiêm phòng Covid-19 cho nhóm 12-17 tuổi: Nếu không tiêm học sinh có được đến trường?

Thứ sáu, 22/10/2021, 06:45 (GMT+7)

Trước thông tin Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chuẩn bị phương án tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh từ 12 – 17 tuổi, các bậc phụ huynh đã có những phản ứng khác nhau.

Sự kiện:
Covid-19


Việc cho học sinh từ 12 – 17 tuổi được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là chủ đề được các bậc phụ huynh quan tâm. Ảnh: Đình Tuệ

Sẵn sàng nhưng phải thận trọng

Anh Nguyễn Văn Đức, trú quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho hay, địa bàn anh sinh sống vốn đã trải qua nhiều đợt dịch. Vợ chồng anh đều đã được tiêm một mũi vắc-xin phòng Covid-19 và đang chờ để tiêm mũi 2. Gia đình anh Đức còn hai cháu học lớp 7 và lớp 10 vẫn chưa được tiêm. Việc phải nghỉ học ở nhà học online thời gian qua gặp khá nhiều bất tiện, anh mong muốn các cháu sớm được tiêm phòng để có thể tới trường khi tình hình dịch đang dần được  kiểm soát.

Là mẹ của hai con gái đang học cấp 2, chị Lê Hồng Vân (Hoài Đức, Hà Nội) nêu quan điểm: “Khi nghe thông tin Chính phủ và Bộ Y tế nói về việc này, tôi rất mong chờ và đang gửi thông tin của các con để cô giáo cho vào danh sách tiêm. Hơn nữa, đây là quyền lợi của các cháu. Người lớn chúng ta đã tiêm rồi mà các cháu lại chưa thì là thiệt thòi lớn. Dịch Covid-19 ngày càng phức tạp nên tôi nghĩ, tiêm vắc-xin sẽ là một trong những cách tối ưu để có thể chủ động phòng chống dịch bệnh”.

Chị Hoàng Thị Minh, trú quận Thanh Xuân, Hà Nội thì cho hay, việc tiêm vắc-xin cho học sinh trung học là cần thiết. Tuy nhiên, nếu được lấy ý kiến thì chị sẽ chưa đăng ký tiêm cho con gái đang học lớp 8 của mình. Theo chị Minh, các cháu đang ở độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý còn đang dần hoàn thiện. Vắc-xin cũng vẫn có phần trăm xác suất phản ứng nhất định, nếu có vấn đề gì ảnh hưởng tới sức khỏe của các cháu về sau thì ai có thể đoán trước.

Anh Bùi Văn Thắng, nhân viên văn phòng tại quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, gia đình anh luôn sẵn sàng đăng ký cho con đang học lớp 9 đi tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, sẵn sàng nhưng phải đi đôi với thận trọng, cha mẹ cũng cần chủ động tuân thủ nghiêm nguyên tắc “5K” cộng với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Anh Thắng cũng nhấn mạnh, nếu sau này có các báo cáo về kết quả thử nghiệm rõ ràng khi tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 18 tuổi thì Nhà nước cần thông báo rộng rãi để phụ huynh hiểu. Từ đó, họ sẽ tự nguyện đăng ký cho con đi tiêm phòng Covid-19.


PGS.TS Nguyễn Huy Nga – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Các địa phương chuẩn bị tới đâu?

Trao đổi với Báo giáo dục & Thời đại, bà Lưu Thị Nghiêm – Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu (Nam Định) cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, huyện đã giao cho Phòng GD&ĐT phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tiến hành thống kê số lượng học sinh trong độ tuổi tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Với đối tượng người từ 18 tuổi trở lên, địa phương này đã hoàn thành mục tiêu tiêm vắc-xin đề ra và nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Khẳng định sự cần thiết của việc tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12 – 17 tuổi, bà Nghiêm cho hay, thông qua nhiều kênh khác nhau, huyện đã tuyên truyền rộng rãi tới các tầng lớp nhân dân. Tất nhiên, tiêm với đối tượng nào, tiêm loại nào, tiêm khi nào thì cần phải chờ hướng dẫn cụ thể từ ngành y tế. Các bậc cha mẹ học sinh có thể đăng ký tiêm cho con. Khi nào được cấp trên phân bổ vắc-xin, địa phương sẽ thực hiện phương án tiêm chủng an toàn cho học sinh.

Tương tự, Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Duy Tiên (Hà Nam) Bùi Đình Thanh thông tin, đơn vị này đang phối hợp với ngành y tế thống kê số lượng học sinh đăng ký tiêm chủng vắc-xin. Tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nam đang diễn biến phức tạp. Toàn bộ học sinh của tỉnh này đang phải chuyển từ học trực tiếp sang hình thức học trực tuyến.

Theo cô Cao Tố Nga – Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng), hơn 90% cán bộ giáo viên, nhân viên của trường cũng đã được tiêm vắc-xin. Nhà trường đã thực hiện xong khâu khảo sát nguyện vọng của cha mẹ học sinh bằng hình thức online ở các lớp. Theo đó, 100% phụ huynh đồng ý đăng ký cho con tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Qua ghi nhận ý kiến, đa phần phụ huynh bày tỏ đồng tình với chủ trương tiêm chủng vắc-xin cho học sinh.

Một tình huống đặt ra, nếu có học sinh không đăng ký tiêm thì có được đi học lại cùng với các em đã tiêm hay không? Liệu các em có bị kỳ thị bởi bạn bè xung quanh hay không? Cô Nga cho rằng, điều này có khả năng xảy ra nhưng sẽ rất ít.  Dù đã đăng ký tiêm chủng nhưng sau khi suy nghĩ, đến ngày tiêm học sinh vẫn có thể quyết định tiêm hay không tiêm tại cơ sở y tế. Bởi, đây là quyền cá nhân của các em và không bắt buộc.

“Trường hợp trong cùng một trường, có em tiêm và có em không tiêm, thầy cô phải xử lý các tình huống cụ thể để động viên, an ủi, chia sẻ để học sinh hiểu. Chúng ta không thể có quyền cấm các em đến trường được. Tiêm hay không là quyền của học sinh và phụ huynh. Còn thời điểm nào các em được đi học trở lại sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch có được kiểm soát tốt hay không. Tôi cũng mong sớm có thuốc đặc trị Covid-19 để nhân dân yên tâm”, cô Tố Nga bày tỏ.

Cô Hoàng Ngọc Lan – Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Phương, Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho hay, đơn vị này vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Sở GD&ĐT Hà Nội và ngành y tế. Nếu cấp trên cho phép thực hiện khảo sát ý kiến, nhà trường sẽ phát phiếu trực tuyến hoặc trực tiếp để mỗi phụ huynh ghi rõ “Đồng ý” hay “Không đồng ý” cho con mình tiêm phòng vắc-xin phòng Covid-19 và ký xác nhận. Nhà trường luôn sẵn sàng các phương án, đảm bảo an toàn về cơ sở vật chất nếu học sinh quay trở lại trường.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, việc phụ huynh lo lắng vì sắp tới tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 – 17 tuổi cũng là chính đáng. Các em đang trong độ tuổi phát triển cả về tâm lý và thể chất. Ông khẳng định, việc này hoàn toàn không bắt buộc và phụ huynh có quyền cho con mình tiêm hoặc không tiêm. Hiện tại, nước ta vẫn chưa có đủ nguồn cung vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm cho trẻ em. Ngoài ra, đa số trẻ em khi nhiễm Covid-19 đều ở thể nhẹ. Đây là loại vắc-xin được cấp phép khẩn cấp chứ không phải vắc-xin được nghiên cứu dài hạn để đánh giá được nguy cơ hay tác động dài hạn của vắc-xin. Khi nào đảm bảo an toàn, chúng ta sẽ tiêm cho học sinh. Với đối tượng học sinh bị các bệnh như béo phì thì nên được tiêm trước. Với bối cảnh hiện nay, các em cần chủ động thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” để tự rèn luyện sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.  

 

Đình Tuệ
Theo Giáo dục & Thời đại