HS huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ trong giờ học trực tuyến.
Vừa dạy học, vừa rút kinh nghiệm
Để dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp thành lập Tổ hỗ trợ kỹ thuật dạy học trực tuyến cấp tỉnh. Tổ này đi thực tế khảo sát tại các trường phổ thông trong tỉnh để nắm tình hình. Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn những khó khăn trong dạy học trực tuyến.
Cụ thể là đội ngũ giáo viên của một số trường do mới tiếp cận các kỹ năng khai thác phần mềm dạy học trực tuyến nên còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học. Đường truyền internet, 4G tại một số nơi còn hạn chế về tính ổn định. Việc sắp xếp thời lượng các buổi dạy học trực tuyến tại một số trường còn cao so với yêu cầu hạn chế thấp nhất thời gian tiếp xúc trên các thiết bị học trực tuyến…
TP Cần Thơ vẫn còn khoảng 2.200 học sinh không có thiết bị học trực tuyến. Sở GD&ĐT đề nghị nhà trường chủ động, linh hoạt hơn nữa các giải pháp hỗ trợ cho học sinh. Hỗ trợ tối đa học sinh tham gia học trực tuyến tại trường, đồng thời động viên và tóm lại kiến thức trọng tâm, cốt lõi giúp các em nắm kiến thức cơ bản nhất đảm bảo yêu cầu kiến thức cần đạt… |
Tại TP Cần Thơ, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tiến hành khảo sát đánh giá ngẫu nhiên 35.107 phụ huynh, 44.623 học sinh khối Trung học về công tác dạy học trực tuyến trong thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng Phòng giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT), khảo sát cho thấy gần 60% phụ huynh đánh giá hiệu quả dạy học trực tuyến thấp hơn học trực tiếp và 33,6% phụ huynh cho rằng học trực tuyến hay trực tiếp là như nhau. Gần 75% học sinh cho biết đang sử dụng điện thoại để học trực tuyến. Điện thoại màn hình nhỏ ảnh hưởng đến việc học tập của các em.
Khi khảo sát học sinh đánh giá về mức độ tiếp thu kiến thức môn học thì có hơn 51% học sinh rất hiểu bài, làm tốt bài tập và 41,9% học sinh hiểu được bài nhưng chưa thể vận dụng làm bài tập, số học sinh còn lại chưa thật sự hiểu bài.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có gần 272.400 học sinh từ cấp Tiểu học đến THPT tham gia học trực tuyến, chiếm tỷ lệ gần 98%. Tuy nhiên, tỉnh còn hơn 6.400 học sinh (tỷ lệ 2,3%) hoàn cảnh khó khăn chưa có thiết bị học trực tuyến. Cá biệt, ở vùng nông thôn có nhiều học sinh cùng học chung 1 thiết bị.
Vẫn còn không ít trường, đặc biệt là các trường vùng nông thôn còn chậm thích ứng với hình thức trực tuyến, việc sắp xếp thời khóa biểu chưa thật sự linh hoạt gây áp lực cho học sinh…
Nhà trường, giáo viên vừa dạy học, vừa rút kinh nghiệm để việc học trực tuyến đạt hiệu quả.
Người dạy, người học linh động
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, với những học sinh không có thiết bị học trực tuyến, đã có nhiều giải pháp như vận động hỗ trợ máy tính, gửi phiếu học tập đến học sinh…
Việc quản lý học sinh trên 600 trường từ Tiểu học đến THCS ở Tiền Giang đã chuyển đổi từ giấy tờ sang công nghệ số. Từ lên thời khóa biểu đến kiểm tra giáo án, soạn giảng, hồ sơ, sổ sách… đều được các trường làm bằng phương pháp trực tuyến.
Trải qua nhiều đợt dạy học trực tuyến, Sở GD&ĐT Tiền Giang nhận định đây là đợt triển khai dạy học trực tuyến khá quy mô, đồng bộ ở các cấp học từ Tiểu học đến THPT. Hơn 1 tháng triển khai, ngành đã rút ra nhiều kinh nghiệm. Trong đó, có 3 yếu tố cơ bản góp phần vào sự thành công của dạy học trực tuyến. Đó là có giải pháp tốt về công nghệ, việc quản lý học sinh của các trường học phải chặt chẽ và ý thức, nền nếp của học sinh.
Tại Trường THPT Thới Lai (TP Cần Thơ), qua khảo sát ý kiến, phụ huynh đánh giá cao quá trình chuẩn bị của nhà trường và quá trình dạy trực tuyến của giáo viên. Hoạt động dạy học trực tuyến đảm bảo được thời lượng vừa sức với học sinh nên các em không bị áp lực. Hạn chế là vẫn còn một số ít học sinh chưa có sự tập trung. Hoạt động luyện tập cho học sinh khi học trực tuyến chưa đảm bảo, đặc biệt là nội dung thực hành.
Theo thầy Nguyễn Hữu Định, Hiệu trưởng nhà trường, rút ra bài học kinh nghiệm, nhà trường tổ chức quản lý hoạt động dạy và học trực tuyến chặt chẽ, khoa học như học trực tiếp. Tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm về hoạt động dạy học truyến để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp. Đồng thời xây dựng bài giảng trình chiếu tập trung và các nội dung trọng tâm và ứng dụng các phần mềm thí nghiệm ảo để học sinh dễ tiếp cận với nội dung bài học...
Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, Sở yêu cầu Phòng GD&ĐT, nhà trường hạn chế giao thêm công việc không thực sự cần thiết và gây áp lực cho giáo viên. Phải lựa chọn phần mềm phù hợp với thầy cô, tránh tình trạng ép giáo viên thao tác, lĩnh hội tất cả phần mềm. Lãnh đạo nhà trường cần tiếp tục ghi nhận thông tin phản hồi của phụ huynh, học sinh trong việc học trực tuyến… |