Thứ bảy, 18/01/2025 | 06:11
RSS

Thủ tướng Hungary cảnh báo hai tháng tới nguy hiểm nhất với thế giới

Thứ bảy, 23/11/2024, 11:48 (GMT+7)

Hai tháng tới sẽ nguy hiểm vì chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ở Ukraine.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đưa ra nhận xét trên qua sóng phát thanh Kossuth ngày 22/11.

"Hai tháng nguy hiểm nhất của cuộc xung đột đang đến gần. Với chiến thắng của ông Trump, hòa bình là điều có thể, nhưng những người theo đảng Dân chủ sắp mãn nhiệm dường như muốn để lại một di sản nặng nề hơn so với di sản họ có vào thời điểm ông Trump giành chiến thắng" – lãnh đạo Hungary cho biết.

Theo ông Orban, nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ Ukraine sẽ không thể sử dụng hiệu quả tên lửa tầm xa do sự phức tạp về việc dẫn đường cho chúng, vì vậy viện trợ quân sự từ châu Âu sẽ không hiệu quả.

Người Ukraine không thể nhắm mục tiêu với những tên lửa tầm xa này, vì sau khi phóng, hệ thống dẫn đường điện tử được sử dụng, đòi hỏi những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới gồm khả năng của vệ tinh liên lạc, ông Orban cho biết.

“Do đó, tôi thấy thuyết phục khi cho rằng những tên lửa này không thể được phóng mà không có sự tham gia của nhân viên Mỹ" – Thủ tướng Orban nói.

Ông cũng nhấn mạnh tính nghiêm trọng trong tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin về vụ thử tên lửa Oreshnik, đồng thời chỉ ra sự khác biệt giữa lời nói suông của phương Tây và Nga, nơi mọi thứ đều được xác nhận bằng hành động thực tế.

Ông Orban kêu gọi châu Âu hành động thực tế, có tính đến những hậu quả có thể xảy ra.

Trước đó, Tổng thống Putin nói rằng Ukraine đã sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây chống lại Nga, đó là lý do tại sao cuộc xung đột khu vực đã có được các yếu tố của một cuộc xung đột toàn cầu.

Ông cũng nói rằng để đáp trả hành vi xâm lược trong điều kiện chiến đấu, một trong những hệ thống tên lửa tầm trung mới nhất của Nga, tên lửa đạn đạo Oreshnik, đã được thử nghiệm. Tên lửa này đã nhắm vào nhà máy Yuzhmash ở Dnepropetrovsk.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Washington đang cố gắng huy động càng nhiều tiền càng tốt để kéo dài tình trạng thù địch ở Ukraine trước khi ông Trump lên nắm quyền.

Bà lưu ý Lầu Năm Góc đang nhanh chóng gửi viện trợ quân sự tới Kiev, tăng khối lượng tiếp tế mỗi ngày.

Trước đó, tờ The Washington Post (WP) đưa tin tổng thống Mỹ hiện tại đã chấp thuận cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine nhằm "ngăn chặn cuộc tấn công của quân đội Nga".

WP nhắc lại rằng năm 2022, ông Biden đã khôi phục lệnh cấm sử dụng các loại mìn như vậy, đảo ngược quyết định của ông Trump trước đó.

Chiến dịch đặc biệt nhằm bảo vệ Donbass, bắt đầu ngày 24/2/2022, vẫn tiếp tục. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh tình hình trong khu vực trở nên trầm trọng hơn.

Hải Yến
Theo Giáo dục & Thời đại