Phương tây đang xem xét trang bị vũ khí cho Ukraine. Ảnh: Getty Images.
Tờ New York Times ngày 22/11 cho biết: "Các quan chức Mỹ và châu Âu đang thảo luận về khả năng răn đe như một sự đảm bảo an ninh có thể có cho Ukraine, chẳng hạn như dự trữ một kho vũ khí thông thường đủ để tiến hành một cuộc tấn công trừng phạt nếu Nga vi phạm thỏa thuận ngừng bắn".
Ngoài ra, theo NYT, một số quan chức thậm chí còn gợi ý rằng Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden có thể trả lại vũ khí hạt nhân cho Ukraine đã bị loại bỏ sau khi Liên Xô sụp đổ như một biện pháp răn đe.
Tuy nhiên, một bước như vậy có thể sẽ khó khăn và gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Phát biểu ngày 22/11, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn tiếp tục đi theo con đường leo thang liều lĩnh trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Peskov nói với các phóng viên: "Chúng tôi thấy rằng chính quyền sắp mãn nhiệm thích đi xa hơn theo con đường leo thang và làm như vậy là một sự leo thang khá liều lĩnh.
Chính quyền Biden trước đó đã đồng ý cho phép Ukraine tấn công bằng vũ khí tầm xa vào Nga và ngay lập tức Ukraine đã bắn tên lửa tầm xa ATACMS vào vùng Bryansk của Nga, dẫn tới việc Nga đáp trả bằng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik tấn công thành phố Dnipro của Ukraine hôm 21/11.
Trước đó, các quan chức Nga tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng đối thoại với tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về lệnh ngừng bắn ở Ukraine, nhưng loại trừ việc lấy lại vùng đất do Nga kiểm soát và nhất quyết yêu cầu Ukraine từ bỏ NATO.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nói rằng ông Putin sẽ không hài lòng với việc đóng băng chiến tranh, mặc dù ông nói sẵn sàng đàm phán.
Ngoài ra, Tổng thống Volodymyr Zelensky mong đợi sự ủng hộ từ tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong trường hợp Kiev và Moscow đàm phán về chấm dứt chiến tranh. Ông Zelensky đã cho rằng một "Ukraine mạnh" là cơ sở của các cuộc đàm phán.