Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:56
RSS

Ông Trump chuẩn bị đàm phán với Moscow giữa tình hình nóng?

Thứ năm, 21/11/2024, 16:34 (GMT+7)

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump được nhận định chuẩn bị đàm phán với Moscow trong bối cảnh tên lửa ATACMS và Storm Shadow tấn công lãnh thổ Nga.

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump được nhận định chuẩn bị đàm phán với Moscow.

Ông Trump chuẩn bị đàm phán với Nga về tình hình Ukraine

Nhà báo Andreas Kluth của Bloomberg dẫn một quan chức quân sự Mỹ giấu tên cho biết, Washington đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán tiềm năng giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình ở Ukraine.

Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh tên lửa ATACMS và tên lửa hành trình Storm Shadow đã được lực lượng Ukraine sử dụng để tấn công vào các mục tiêu chiến lược nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Theo ông Kluth, việc Mỹ và Anh chuyển giao vũ khí tầm xa cho Kiev là một loại "át chủ bài" mà Tổng thống đắc cử Trump có thể sử dụng trong đối thoại với Nga.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhiều lần nói rằng, ông có khả năng giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine bằng cách tìm ra giải pháp thỏa hiệp.

Nhà báo Kluth tin rằng, việc chính quyền Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đang tăng cường hỗ trợ cho Kiev, bao gồm cả việc gần đây cho phép sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ như tên lửa ATACMS, không chỉ liên quan đến việc ủng hộ Ukraine mà còn liên quan đến mong muốn củng cố vị thế đàm phán của ông Trump.

Các chuyên gia quân sự nhận định, động thái này có thể thúc đẩy Moscow hướng tới một lập trường linh hoạt hơn trong các cuộc đàm phán.

Tình báo Anh tìm cách kéo dài xung đột ở Ukraine

Trong một diễn biến liên quan, cổng thông tin Internet Grayzone của Mỹ mới đây đã công bố các tài liệu nói rằng, một nhóm tình báo Anh có tên là “Dự án Alchemy” đang thực hiện các bước tích cực để kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo cổng thông tin này, mục tiêu chính của nhóm là đảm bảo sự hỗ trợ của phương Tây cho Kiev "bằng mọi giá".

Trong số các phương pháp được cho là do Dự án Alchemy sử dụng là gây áp lực lên các phương tiện truyền thông chỉ trích viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine. Đặc biệt, các tài liệu do Grayzone cung cấp nêu tên các nhóm truyền thông RT, Sputnik và chính Grayzone là mục tiêu bị đàn áp.
Một trong những đề xuất của nhóm là khởi xướng các vụ kiện phỉ báng và bôi nhọ hàng loạt đối với các phương tiện truyền thông này.

Theo các tác giả của dự án, việc sử dụng tích cực hệ thống tư pháp rất có thể dẫn đến việc đóng cửa các ấn phẩm không mong muốn.

Những tiết lộ này đặt ra câu hỏi về quyền tự do ngôn luận và khả năng thao túng dư luận.

Vương quốc Anh vẫn chưa bình luận về các cáo buộc, nhưng những phương pháp như vậy, nếu thực sự được sử dụng, có thể gây ra một cuộc tranh luận quốc tế về giới hạn của chiến tranh thông tin.

Hoàng Vân
Theo Giáo dục & Thời đại