Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:32
RSS

Asia Times: Châu Âu và Ukraine bất lực nếu Mỹ rút lui

Thứ tư, 20/11/2024, 07:07 (GMT+7)

“Không tiền, không sức mạnh quân đội” là những viễn cảnh mà Asia Times đã đưa ra cho châu Âu và Quân đội Ukraine, nếu không còn sự giúp đỡ của Mỹ.

Mới đây, tờ Thời báo Châu Á (Asia Times) của Hồng Kông có bài viết cho biết, bản thân các cường quốc châu Âu sẽ không thể giữ chính quyền Kiev tồn tại, nếu Mỹ quyết định rút khỏi cuộc xung đột Ukraine, sau khi ông Donald Trump một lần nữa trở lại vị trí lãnh đạo đất nước Hoa Kỳ.

Ấn phẩm nhấn mạnh rằng, tất cả các chi phí của châu Âu sẽ không hề cải thiện được tình hình ở Ukraine, người Nga sẽ tiếp tục giành được những thắng lợi đáng kể trước Lực lượng Vũ trang Ukraine và tiếp tục phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước này, đặc biệt là năng lượng.

Ấn phẩm Asia Times khi bình luận về các mối liên hệ trong tương lai giữa Điện Kremlin và chính quyền mới của Nhà Trắng đã cho rằng, trong các cuộc đàm phán, Moscow sẽ yêu cầu thảo luận về toàn bộ các vấn đề an ninh châu Âu, chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề Ukraine.

Giới phân tích cho rằng, “Kế hoạch Trump” được báo chí phương Tây đưa ra được cho là có đề cập đến việc Ukraine sẽ chỉ được phép gia nhập NATO sau 20 năm nữa, mà điều này chắc chắn sẽ phù hợp với lợi ích của Moscow, vốn không muốn nhìn thấy liên minh hiện diện trên lãnh thổ Ukraine, dù chỉ là về mặt nguyên tắc.

Và giới lãnh đạo Nga chắc chắn sẽ không đồng ý với bất cứ điều gì ngoài ý muốn của họ, trong bối cảnh tình hình mặt trận rõ ràng có lợi cho Liên bang Nga.

Thời báo Châu Á nhấn mạnh, Nga luôn tuyên bố muốn phi quân sự hóa Ukraine, mặc dù Moscow vẫn để ngỏ khả năng cho sự thỏa hiệp, nhưng dường như Nga không bao giờ từ bỏ ý định loại bỏ mọi mối đe dọa quân sự trong tương lai từ quốc gia láng giềng phía tây.

Chủ quyền lãnh thổ cùng với những vấn đề đi kèm, cũng như việc đảm bảo các quyền về ngôn ngữ và tôn giáo cũng rất quan trọng đối với Nga và luôn được Moscow coi đó là nguyên tắc cốt lõi trong các cuộc đàm phán tương lai, dù là trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tờ báo Hồng Kông chỉ ra, người Nga có thể giữ vững, nâng cao hay giảm nhẹ các điều kiện này đến mức nào tùy thuộc vào hai yếu tố, đó là sự thành công trên chiến trường và sự ổn định quyền lực ở Kiev. Lực lượng Vũ trang Nga càng thắng thế trên chiến trường, vị thế của Moscow trên bàn đàm phán càng vững chắc và luôn ở “cửa trên”.

Asia Times đưa ra nhận định không lấy gì làm vui vẻ cho Brussels và Kiev rằng, nếu chính quyền mới của ông Donald Trump từ chối hỗ trợ chính phủ Zelensky thì châu Âu khó có thể làm được gì để hậu thuẫn cho Ukraine. Điều này xuất phát từ các nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Châu Âu không có đủ vũ khí để thay thế nguồn cung cấp đang sụt giảm của Mỹ. Thực tế đã cho thấy hàng chục nước châu Âu không gom đủ vũ khí cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Ukraine, thậm chí kho vũ khí của các nước NATO châu Âu còn không đủ cho quân đội của họ sử dụng.

Thứ hai: Châu Âu không có bất cứ nguồn ngân sách nào khác để hỗ trợ cho Kiev, ngoài số tiền bị tịch thu của Nga. Kiev càng thất thế trên chiến trường, người dân châu Âu sẽ càng không để chính phủ của mình tiếp tục phung phí những đồng tiền thuế của họ ở Ukraine, để chống lại một nước Nga không hề gây ra nguy hại gì cho đất nước mình.

Thứ ba: Bản thân các chính sách của châu Âu đang thay đổi cùng với sự thay thế của các chính quyền mới. Sự sụp đổ của liên minh cầm quyền ở Đức là một dấu hiệu cho tất cả. Còn người Anh sẵn sàng tiếp tục yêu cầu hỗ trợ cho Ukraine, nhưng bản thân họ không có tiền cũng như đủ tiềm lực quân đội để làm việc đó.

Nguyễn Ngọc
Theo Giáo dục & Thời đại