Thứ tư, 24/04/2024 | 12:52
RSS

Thứ trưởng Bộ GTVT lý giải việc không dời trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài

Thứ năm, 20/12/2018, 15:59 (GMT+7)

Trước việc các tài xế phản đối trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài thu phí “hộ” tuyến đường tránh TP Vĩnh Yên, Thứ trưởng Bộ GTVT lên tiếng.

Tài xế phản đối BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài
Tài xế phản đối BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, Thứ trưởng Bộ GTVT lên tiếng

Sáng ngày 20/12, bước sang ngày thứ 3, thế nhưng tại trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) vẫn đang tiếp tục xả trạm do bị nhiều tài xế phản đối việc thu phí “hộ” tuyến đường tránh TP Vĩnh Yên.

Các tài xế tập trung tại trạm thu phí để yêu cầu di chuyển trạm BOT này đi khỏi vị trí khác vì cho rằng, các phương tiện không đi qua tuyến đường chủ đầu tư xây dựng nhưng vẫn phải trả phí là điều rất vô lý.

Trước sự việc trên, chiều ngày 20/12, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Công - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, bản thân ông đã nắm bắt được sự việc và đã có công điện gửi Tổng cục Đường Bộ Việt Nam phối hợp với nhà đầu tư tuyên truyền, phổ biến để đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí này.

​Các tài xế chuẩn bị lương thực
Các tài xế chuẩn bị lương thực để 'canh BOT' Bắc Thăng Long - Nội Bài.

"Trạm BOT này triển khai từ rất lâu rồi. Đến năm 2013 theo yêu cầu của TP Hà Nội đề xuất di rời BOT này tới vị trí khác và Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngân sách mua lại hoặc sáp nhập BOT này vào BOT Vĩnh Yên - Nội Bài. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Chính phủ họp, xin ý kiến các Bộ nghành, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT vẫn tiếp tục thu phí", Thứ trưởng Công thông tin.

Theo Thứ trưởng Công, lý giải việc Thủ tướng Chính phủ vẫn yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục thu phí bởi 2 lý do. Thứ nhất, bây giờ hợp đồng đã ký với nhà đầu tư, nếu phá vỡ hợp đồng thì sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ, phá vỡ các quy định tại hợp đồng, nhà đầu tư sẽ kiện.

Thứ 2, hiện tại tuyến đường đi qua trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài không còn là tuyến đường độc đạo. Giờ còn có tuyến đường từ Hà Nội lên Nội Bài theo cầu Nhật Tân rất đẹp được đầu tư bằng ngân sách nhà Nước, không thu phí. Bởi 2 lý do này nên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục làm theo hợp đồng đã ký với chủ đầu tư.

Các tài xế phản đối yêu cầu di rời trạm BOT
Các tài xế phản đối yêu cầu di rời trạm BOT.

Ngoài ra, Thứ trưởng Công cho rằng, việc một số lái xe tập trung phản đối tại trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài có nhiều nguyên nhân, có thể là do họ bức xúc nhưng cũng có thể là có thế lực nào đó muốn chống phá.

Khi PV, đưa ra những hình ảnh lái xe chuẩn bị nhiều lương thực, thực phẩm để "canh trạm" BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, Thứ trưởng Công cho hay: "Chuyện đó tôi biết chứ nhưng Bộ GTVT phải phối hợp với các Bộ Công an để tuyên truyền, xử lý, đảm bảo an ninh trật tự tại trạm chứ Bộ GTVT không đủ lực lượng".

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội có đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét "khai tử" Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài. Lý do Hà Nội kiến nghị dỡ bỏ trạm BOT này bởi trạm được thu để hoàn vốn cho dự án BOT xây dựng QL2 đoạn tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhưng lại đặt trên đường Võ Văn Kiệt (Sóc Sơn, Hà Nội). 

Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) được lập để thu phí hoàn vốn cho dự án đường tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) từ năm 2009.

Theo hợp đồng BOT được ký giữa đại diện Bộ GTVT là Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư - Cty Cổ phần BOT Viettracimex 8, với giá trị hợp đồng làm đường tránh Vĩnh Yên 531 tỷ đồng, Cty Viettracimex 8 được đặt trạm thu phí trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài để hoàn vốn dự án QL2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên trong vòng 16 năm 10 tháng. Đến nay, nhà đầu tư đã thu được hơn 8 năm.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN