Thứ bảy, 27/04/2024 | 06:56
RSS

Thử nghiệm thuốc sốt rét trị Covid-19 có thể gây biến chứng tim mạch

Thứ sáu, 24/04/2020, 09:05 (GMT+7)

Các nghiên cứu thử nghiệm dùng thuốc trị sốt rét để chữa bệnh Covid-19 tại Brazil và Pháp phải chấm dứt sớm hơn do bệnh nhân tham gia thử nghiệm đã có những biến chứng về tim mạch.

Thử nghiệm thuốc sốt rét trị Covid-19 có thể gây biến chứng tim mạch
Thuốc điều trị sốt rét tại một phòng khám ở thành phố Texas, Mỹ. Ảnh Tiền phong

Mấy tuần qua, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, thuốc sốt rét có thể hiệu quả trong việc chữa covid-19 các loại thuốc sốt rét như chloroquine hay hydroxychloroquine bỗng xuất hiện liên tục trên báo chí thế giới

Một nghiên cứu của Brazil đã tiến hành với thuốc sốt rét chữa Covid-19 đã phải kết thúc sớm hơn dự định sau khi một nhóm bệnh nhân được uống thuốc này với liều cao và xuất hiện những biến chứng về tim mạch, trong đó có rối loạn nhịp tim, Tiền phong đưa tin.

Các nhà nghiên cứu Brazil dự định sẽ thử nghiệm cho 440 người để xem liệu thuốc ký ninh có an toàn và hiệu quả trong điều trị Covid-19.  Những người tham gia nghiên cứu đã được thử nghiệm uống liều cao (600 milligram trong 10 ngày, mỗi ngày hai lần) và liều thấp ( 450 milligram trong 5 ngày).

Thế nhưng, sau khi thử nghiệm với 81 bệnh nhân, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy có một số dấu hiệu đáng lo ngại. Chỉ trong vài ngày bắt đầu điều trị, ngày càng nhiều bệnh nhân uống liều cao gặp rắc rối về nhịp tim so với những người uống liều thấp. Hai bệnh nhân được uống thuốc liều cao đã có nhịp tim nhanh bất thường trước khi qua đời.


Với kết quả này, các nhà nghiên cứu đã dừng ngay các nghiên cứu áp dụng liều cao. Họ cảnh báo và phản đối việc sử dụng liều cao cho bất kỳ bệnh nhân Covid-19 nào. Trong báo cáo của mình, các nhà nghiên cứu viết: “ Các nghiên cứu của chúng tôi đã giương cờ đỏ để dừng sử dụng  thuốc sốt rét liều cao toàn cầu để tránh những cái chết không cần thiết”.

Một bệnh viện ở Pháp cũng đã tuyên bố dừng điều trị thuốc hydroxychloroquine cho các bệnh nhân Covid-19 sau khi một bệnh nhân đang điều trị tại đây bị rối loạn nhịp tim.

Như vậy, chloroquine và hydroxychloroquine đã được sử dụng hàng chục năm qua để điều trị sốt rét, nhưng không an toàn đối với những người có vấn đề về tim mạch.

Tiến sỹ David Juurlink, trưởng khoa dược học lâm sàng tại đại học Toronto, Canada, cho biết, những nghiên cứu này đã rút ra được thông tin hữu ích, rằng thuốc điều trị sốt rét không hẳn hiệu quả trong điều trị Covid-19.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, 210 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận tổng cộng 2.708.590 ca nhiễm nCoV, trong đó 190.303 người tử vong, tăng lần lượt 88.011 và 7.400 trường hợp so với một ngày trước. 744.866 người đã bình phục, Vnexpress đưa tin. 

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 873.137 ca nhiễm và 49.748 người chết.

Tổng thống Donald Trump hôm qua ký sắc lệnh đình chỉ một phần hoạt động nhập cư vào Mỹ hôm 22/4, chưa đầy 48 giờ sau khi bất ngờ công bố quyết định trên Twitter. Dù không cấm hoàn toàn hoạt động nhập cư hợp pháp theo mong muốn của Trump, sắc lệnh này vẫn ảnh hưởng tới hàng nghìn người đang tìm cách đến Mỹ.

Ông chủ Nhà Trắng cũng thông báo tàu bệnh viện USNS Comfort sẽ rời New York dù mới chỉ tiếp nhận 178 bệnh nhân trong gần một tháng hỗ trợ thành phố chống Covid-19. Thống đốc New York Andrew Cuomo xác nhận ông nói với Trump rằng New York không cần tàu bệnh viện USNS Comfort nữa khi số ca nhiễm và chết do nCoV hàng ngày tại đây đang có chiều hướng giảm.

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 440 người chết vì nCoV, cao hơn 5 trường hợp hôm qua, nâng số ca tử vong toàn quốc lên 22.157. Số ca nhiễm tăng thêm 4.635 trường hợp lên 213.024. Tây Ban Nha hiện là vùng dịch lớn thứ hai trên thế giới nhưng xếp thứ ba về số người chết, sau Mỹ và Italy.  

Quan chức y tế Tây Ban Nha tin rằng đại dịch tại nước này đã qua đỉnh hôm 2/4, gần ba tuần sau khi chính phủ áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, buộc gần 47 triệu người dân ở nhà để làm chậm virus lây lan.

Italy ghi nhận 2.646 ca nhiễm và 464 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 189.973 và 25.549.

Nước này là vùng dịch lớn thứ ba thế giới nhưng ghi nhận số ca tử vong lớn thứ hai. Nhiều bác sĩ tin rằng số người chết thực tế ở Italy cao hơn đáng kể vì hầu hết trường hợp chết trong viện dưỡng lão không được đưa vào thống kê và không rõ bao nhiêu ca tử vong ngoài bệnh viện.

Pháp xác nhận thêm 2.323 ca nhiễm và 516 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 158.183 và 21.856.

Pháp áp lệnh phong tỏa từ 17/3 đến 11/5, khi số người nhiễm và tử vong vì nCoV liên tục tăng. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa kéo dài làm gia tăng căng thẳng giữa người dân và lực lượng cảnh sát Pháp. Tình trạng bất ổn lan rộng sau vụ một người đi môtô tốc độ cao không đội mũ bảo hiểm tông vào cửa xe cảnh sát đang đỗ ở đèn đỏ khu Villeneuve-la-Garenne, ngoại ô phía bắc Paris hôm 18/4.

Tại một quận ở Lyon, nhóm 30 thanh niên đã phá hủy một nhà chờ xe buýt, đốt thùng rác, đập vỡ kính vài ôtô, phá hủy cổng nhà trẻ với lý do "đòi Công Lý cho Villeneuve-la-Garenne". Ở những thành phố khác như Toulouse, Strasbourg, Bordeaux, Versailles cũng xuất hiện các vụ phá hoại tương tự.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN