Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết, mới đây, Cục nhận được thông tin sản phẩm giảm cân an toàn Đông y họ Nguyễn của Công ty TNHH KD TM và Dược phẩm Hà Thanh (sau đây gọi là Công ty Hà Thanh) – địa chỉ tại H25 Man Bồi Gốc Găng, P. Phú Lãm, Q. Hà Đông, Hà Nội mặc dù chưa được cấp phép nhưng đã bán rộng rãi trên thị trường trong một thời gian dài. Cục đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất và đã kiểm tra hoạt động đối với công ty này.
Lãnh đạo Cục An toàn Thực phẩm khẳng định, sản phẩm giảm cân an toàn Đông y họ Nguyễn của Công ty Hà Thanh chưa được cấp phép đủ điều kiện lưu hành. Việc bán sản phẩm giảm cân chưa được cấp phép là vi phạm quy định.
Đoàn thanh tra sẽ tiếp tục tiến hành thanh kiểm tra đối với tất cả những sản phẩm đang bán của công ty. "Khi có kết luận cuối cùng thì dứt khoát chúng tôi sẽ ra văn bản yêu cầu công ty thu hồi toàn quốc đối với sản phẩm giảm cân và các sản phẩm khác vi phạm (nếu có). Đồng thời sẽ có thông báo tới tất cả các Chi cục an toàn thực phẩm trong cả nước. Chứ không thể có chuyện cứ phạt rồi để tiếp tục bán", lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết.
Theo tìm hiểu của PV, mặc dù chưa được cấp phép, nhưng Công ty Hà Thanh đã sản xuất và phân phối sản phẩm có dạng viên nhộng và bán với giá 900.000 đồng trên thị trường. Sản phẩm này đã được bán tràn lan trên thị trường và được nhiều đại lí giới thiệu như là một “thần dược” giảm cân hiệu quả.
Theo ý kiến các chuyên gia, mạng xã hội Facebook tràn lan quảng cáo các cơ sở chuyên bán đủ loại thuốc gia truyền trị dứt nhiều bệnh trong thời gian ngắn. Dù đa số các “thần dược” đều không ghi rõ thành phần, nguồn gốc xuất xứ nhưng nhiều người vẫn tìm mua do quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương”.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu BV, Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: "BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận không ít bệnh nhân đến cấp cứu do bị ngộ độc thuốc Đông y.
Điều đáng nói là những bệnh nhân này đều mua thuốc từ những thầy lang vườn, qua quảng cáo trên mạng hay lời đồn thổi, giới thiệu từ người quen. Không ít người đã phải trả giá vì bị ngộ độc, tổn thương da toàn thân, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận cấp có thể dẫn đến tử vong".
"Người dân nên thận trọng, đừng vội tin các lời đồn thổi về những bài thuốc không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên mạng hay bài thuốc của những thầy lang vườn. Khi bị bệnh, tốt nhất bệnh nhân nên tìm đến những nơi có uy tín lâu năm, có giấy phép hành nghề, các bệnh viện Đông y để được bắt mạch, kê đơn, tránh tự ý mua thuốc ở các cơ sở không được cấp phép, mua thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc", ông Nguyễn Xuân Hướng, Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho hay.
"Thuốc y học cổ truyền lưu hành trên thị trường một phần do Sở Y tế các tỉnh, TP cấp phép, còn chủ yếu do Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép. Việc bán tràn lan trên mạng các loại thuốc y học cổ truyền chưa có số đăng ký rất khó xử lý, cần sự vào cuộc của nhiều đơn vị", Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền - Bộ Y tế nói.