Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:26
RSS

Thông tuyến BHYT tuyến tỉnh: Người dân hưởng lợi

Thứ ba, 05/01/2021, 07:44 (GMT+7)

Theo quy định, từ 1/1/2021, người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh đủ điều kiện sẽ được quỹ BHYT thanh toán theo theo tỷ lệ là 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước (hiện hành là 60%).

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, chính sách này tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu khám, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, cần điều trị nội trú sẽ không cần giấy chuyển viện từ tuyến huyện.

“Người bệnh có thẻ BHYT do các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phát hành, lên TP HCM làm việc, nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật thì có thể đến khám chữa tại các bệnh viện tuyến tỉnh ở đây. Người bệnh không mất công đi về. Trước đây, điều trị nội trú hay ngoại trú đều phải xin giấy chuyển tuyến từ dưới lên trên”- ông Phúc nói.

Rõ ràng, chính sách về BHYT nói trên tạo điều kiện cho người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mình. Khi thực hiện thông tuyến tỉnh, người có thẻ BHYT có nhiều thuận lợi khi không cần giấy chuyển viện mà vẫn được khám, chữa bệnh và được bảo đảm quyền lợi tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tương đương trên toàn quốc.

Quy định thông tuyến BHYT tuyến tỉnh còn thúc đẩy chất lượng khám, chữa bệnh, buộc các cơ sở khám, chữa bệnh phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ, nâng cao kỹ năng tay nghề, thu hút người bệnh nếu không người bệnh sẽ không đến điều trị…

Tuy nhiên, phạm vi thông tuyến khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh hẹp hơn so với thông tuyến huyện. Năm 2016, việc thông tuyến huyện được thực hiện toàn diện. Người dân khi đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các bệnh viện tuyến huyện trong cả nước đều được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả như đúng tuyến, kể cả chi phí khám bệnh, điều trị ngoại trú và nội trú. Trong khi lần này thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh tại các bệnh viện tỉnh, thành phố trong cả nước chỉ dừng ở lĩnh vực điều trị nội trú. Còn nếu chỉ khám bệnh trái tuyến hoặc chỉ phải điều trị ngoại trú tại bệnh viện tỉnh, thành phố thì vẫn tự chi trả như hiện nay.

Thực hiện thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh đối với người có thẻ BHYT sẽ tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho người bệnh. Tuy nhiên, quy định mới này cũng sẽ là thách thức đối với các cơ sở y tế trong cả nước.

Một khi để người có thẻ BHYT lựa chọn nơi điều trị nội trú tuyến tỉnh thì bắt buộc các cơ sở KCB tuyến tỉnh phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, đầu tư cơ sở vật chất, triển khai các kỹ thuật cao, đào tạo nguồn nhân lực giỏi để thu hút bệnh nhân. Có như vậy mới giữ chân bệnh nhân ở lại điều trị nội trú tại cơ sở KCB tuyến tỉnh, nhất là các tỉnh gần các đô thị lớn như: TP HCM, TP Hà Nội - nơi có nhiều cơ sở KCB tương đương tuyến tỉnh được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khang trang, hiện đại, tay nghề bác sĩ giỏi được nhiều người dân tin tưởng, lựa chọn.

Bên cạnh đó, ông Phúc cho rằng, việc thông tuyến tỉnh khám chữa bệnh BHYT, các bệnh viện sẽ phải đối mặt với tình trạng quá tải khi bệnh nhân điều trị nội trú gia tăng trong khi không ít bệnh viện thiếu nhân lực, vật lực. Dự báo lượng bệnh nhân điều trị nội trú tăng, chi phí chi trả của Quỹ BHYT cũng sẽ tăng theo. Theo số liệu thống kê năm 2020, bệnh nhân điều trị nội trú vượt tuyến là hơn một triệu bệnh nhân, số tiền chi trả (40%) là 1.250 tỷ đồng.

Đồng thời, đi kèm với đó cũng là những nỗi lo về tình trạng lạm dụng điều trị nội trú nhằm tăng nguồn thu tại bệnh viện tỉnh, thành phố. “Liên quan đến vấn đề quản lý, kiểm soát, hiện nay chúng ta biết là ngành y tế cũng đã giao chỉ tiêu kỹ thuật về giường bệnh. Các bệnh viện phải kê thêm giường bệnh thì cũng cần được sự cho phép của Sở Y tế. Chúng tôi yêu cầu các tỉnh phải xác định được số giường bệnh thực kê, số giường bệnh theo kế hoạch. Chẳng hạn, bệnh viện có 500 giường bệnh tối đa thì cũng chỉ nhận 500 hoặc hơn một chút, không thể tất cả các giường bệnh đều nằm  ghép, mà nằm ghép thì cũng chỉ thanh toán một nửa số tiền giường thôi. Phải có chế tài liên quan đến giường bệnh”- ông Phúc nói.

Ông Phúc cho biết thêm: “Hiện nay chưa có quy định nào nói là trường hợp này thì được điều trị nội trú, trường hợp kia không được điều trị nội trú, cho nên cần phải xây dựng những tiêu chí trong trường hợp nào thì được đưa vào điều trị nội trú, trường hợp nào thì có thể điều trị ngoại trú. Đó là điều mà chúng ta cần làm và Bộ Y tế hiện nay cũng đang xây dựng thông tư, trong đó có quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để chỉ định người bệnh điều trị nội trú. Một việc quan trọng nữa là phải tăng cường công tác giám sát để tránh tình trạng đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú tại bệnh tỉnh, thành phố nhưng thực tế bệnh nhân lại không nằm viện mà chỉ làm bệnh án để hưởng quy định về thông tuyến nhưng lại bệnh nhân đi về. Chúng tôi sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ vấn đề này”.

Đức Trân
Theo Đại Đoàn Kết