Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:32
RSS

1 năm, y học Việt Nam lập 3 kỳ tích

Thứ năm, 31/12/2020, 09:26 (GMT+7)

Năm 2020 được coi là năm đặc biệt thành công của ngành y tế Việt Nam. Đây cũng là năm các thầy thuốc đã thực sự trở thành “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu dập dịch Covid-19. Trong nhiều thành tựu đạt được của năm 2020, không thể không nói đến 3 kỳ tích: Nghiên cứu, điều chế và tiêm vaccine ngừa Covid-19 do Việt Nam s

1 năm, y học Việt Nam lập 3 kỳ tích.1

Tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất. 

Vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam được tiêm thử trên người

Ngày 17/12/2020 được coi là ngày lịch sử với ngành Y tế, khi mà 3 tình nguyện viên đầu tiên được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 do chính Việt Nam sản xuất.

Vaccine này có tên Nanocovax, do Công ty cổ phần công nghệ Sinh học Dược NANOGEN nghiên cứu và sản xuất. Trong 200 người đăng ký, 60 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 18 đến 50 được lựa chọn để tiêm thử vaccine Nanocovax đợt đầu tiên (giai đoạn 1 trong 3 giai đoạn).

60 tình nguyện viên được phân vào 3 nhóm. Nhóm 1A với 20 người dùng mức liều 25 mcg sẽ được thu tuyển đầu tiên. Nhóm 1B gồm 20 người dùng mức liều 50 mcg. Nhóm 1C gồm 20 người dùng mức liều 75 mcg. Tất cả người tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp hai mũi vaccine, khoảng cách giữa hai mũi là 28 ngày.

Theo GS.TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân Y, những người tình nguyện sẽ được thăm khám sàng lọc trước khi tiêm theo yêu cầu của Bộ Y tế nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia. Người tình nguyện được theo dõi tại Viện nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Học viên Quân Y, trong tối thiểu 72 giờ. Suốt thời gian này, người tình nguyện sẽ được theo dõi sức khỏe hàng ngày bởi các bác sĩ của Viện nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Bệnh viện Quân Y 103. Sau thời gian theo dõi, tình nguyện viên sẽ trở về nhà và được hướng dẫn tự theo dõi, tự ghi chép. Hàng ngày, họ được cán bộ y tế đến thăm hoặc gọi điện thoại.

Đến nay, tất cả những tình nguyện viên đã tiêm vaccine Nanocovax đều khỏe mạnh. Và như vậy, Việt Nam sẽ có cơ sở để rút ngắn thời gian thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3, để từ đầu năm 2022 sẽ chính thức có vaccine ngừa Covid-19 do người Việt Nam sản xuất.

Thành công này đã đưa Việt Nam vào nhóm rất ít quốc gia trên thế giới có khả năng điều chế, sản xuất vaccine ngừa Covid-19 trong khoảng thời gian rất ngắn (dưới 10 tháng); trong khi thông thường 1 loại vaccine được công nhận phải mất từ 7 đến 10 năm. Điều này cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của y tế Việt Nam, sánh ngang với những nền y học tiến tiến nhất thế giới.

Hiện tại, ngoài Công ty Nanogen, chúng ta còn có 3 đơn vị sản xuất nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 gồm: Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và Sinh phẩm y tế (Polyvac).

1 năm, y học Việt Nam lập 3 kỳ tích.1

 Hai bé Trúc Nhi-Diệu Nhi đón Noel 2020.

Ca mổ tách dính cặp song sinh để tái tạo những cuộc đời độc lập

Hoàng Trúc Nhi và Hoàng Diệu Nhi (nhà ở quận 9, TPHCM) là cặp song sinh dính liền vùng bụng chậu cực hiếm gặp. Mỗi bé có hai tay, hai chân nhưng thông nối nhiều mạch máu và chung nhiều cơ quan nội tạng, sống cộng sinh. Dị tật dính liền được phát hiện sớm từ thời kỳ bào thai nhưng cha mẹ bé vẫn quyết tâm giữ con.

Cuộc đại phẫu tách rời hai bé diễn ra hồi giữa tháng 7 năm 2020, tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM. Ca mổ dài tới 13 giờ với sự tham gia của 93 y bác sĩ, trải qua 3 thì mổ phức tạp, gồm tách rời, tái tạo và sắp xếp lại xương cùng các cơ quan vùng bụng chậu. Hậu phẫu 3 tháng, các bé được xuất viện về nhà.

Bác sĩ Trương Quang Định - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM- người chỉ huy ca đại phẫu tự hào nói rằng quá trình hồi phục của hai bé gần như hoàn hảo. Hai bé đạt đúng quỹ đạo phát triển như một trẻ bình thường, cả về thể chất và tinh thần.

Vào thời điểm cuối năm 2020, bước sang năm mới 2021, Trúc Nhi và Diệu Nhi đã qua 5 tháng sống độc lập trong hai cơ thể riêng biệt. Hai bé giờ đây đã 18 tháng tuổi. Chị Trần Thị Hồng Thúy - mẹ hai bé kể rằng, lúc hai bé còn dính liền, gia đình rất đau xót, giờ thì rất vui.

Các con có thể bám vào tường hay thành giường để đi, hoặc khi có người lớn giữ hai con cũng đi được vài bước. Giáng sinh vừa rồi, hai con bắt đầu biết đi, biết nói, đón Noel cùng bố mẹ.  Nhờ vào tài năng vô song của các thầy thuốc, các cháu đã có cuộc đời độc lập với tương lai tươi sáng phía trước.

1 năm, y học Việt Nam lập 3 kỳ tích

 Người được nối chi thể đầu tiên. 

Ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới từ người hiến sống

Nam bệnh nhân 31 tuổi (ở Thanh Trì, Hà Nội) là trường hợp được ghép chi thể đầu tiên ở Việt Nam. Đây cũng là ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á và cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.

Ngày 24/2/2020, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 công bố ca ghép chi thể độc nhất vô nhị đã thành công. Năm 2016, anh Phạm Văn Vương bị tai nạn do máy đột dập, khiến toàn bộ 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái gây dập nát, biến dạng hoàn toàn. Anh Vương đã được đưa đến BV 108 cấp cứu.

Do vết thương quá nặng và hoàn toàn không còn khả năng bảo tồn, các bác sĩ buộc phải đưa ra chỉ định cắt cụt 1/3 cẳng tay trái cho anh. Nỗi đau tinh thần vì sự mất mát khi bị cụt tay khi còn trẻ tuổi khiến anh Vương luôn mặc cảm, sinh hoạt cũng gặp khó khăn.

Ngày 3/1/2020, BV 108 lại tiếp nhận 1 ca bệnh nặng và phức tạp do băng chuyền của máy tải gạch cuốn và đè ép trực tiếp lên tay trái từ vùng 1/3 dưới cẳng tay cho đến sát nách. Các bác sĩ nhận thấy phần chi thể bị cắt cụt (đoạn 1/3 dưới cẳng tay đến bàn tay) còn tương đối bình thường có thể để ghép cho những bệnh nhân bị cụt ở vị trí tương ứng. Bệnh nhân và gia đình đã đồng ý và tự nguyện hiến 1/3 cánh tay đó cho anh Vương.

Ca ghép chi thể lấy từ người cho sống được thực hiện vào ngày 21/1. Kíp mổ do GS.TS Nguyễn Thế Hoàng - Phó Giám đốc BV 108 cùng các bác sĩ của Khoa chấn thương chi trên và vi phẫu của BV thực hiện. Sau 8 giờ, ca mổ “ghép cẳng tay và bàn tay mới” từ người hiến sống cho anh Vương đã thành công. Tất cả các cấu trúc giải phẫu đã phục hồi và bàn tay ghép đồng loại được tưới máu đầy đủ như bên tay lành.

GS.S Mai Hồng Bàng - Giám đốc BV 108, cho biết trên thế giới cũng chỉ ghi nhận 89 ca nhưng đều từ người cho chết não. Có thể trong tương lai gần, một thương binh hay một nạn nhân bị mất chi thể do tai nạn được ghép chi thể từ người cho chết não để có một cơ thể bình thường.

Nếu thế, thì thật là điều thần kỳ mà các thầy thuốc Việt Nam làm nên.

 

Minh Thủy
Theo Đại đoàn Kết