Thông tin bất nhất từ phía chính quyền
Như thông tin đã đăng tải ở những kỳ trước, bà Nguyễn Thị Phú đã từng mở cơ sở bốc thuốc Nam chữa bệnh tiểu đường ở số 41, tiểu khu 10, thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình và bị cơ quan chức năng tại đây xử phạt vì không có giấy phép hành nghề.
Sau khi bị sờ gáy, bà Phú đã có thời gian bỏ nghề bốc thuốc. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, bà Phú đột nhiên xuất hiện, mở phòng khám Đông y mang tên Phú Xuân Đường ở thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ Hà Nội) tiếp tục bốc thuốc chữa bệnh cho những người "nhẹ dạ cả tin".
Theo tìm hiểu của PV, việc mở phòng khám Đông y có quy định rất ngặt nghèo về chuyên môn của người phụ trách cũng như điều kiện về cơ sở vật chất.
Theo đó, người chịu trách nhiệm chuyên môn, kỹ thuật của phòng khám phải là người có giấy chứng nhận lương y của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp tỉnh cấp, người có bài thuốc gia truyền hay có phương pháp chữa bệnh gia truyền có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền.
Người được phân công thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tại phòng chẩn trị y học cổ truyền phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với lĩnh vực hoạt động chuyên môn.
Những bệnh nhân tìm đến phòng khám của bà Nguyễn Thị Phú để khám bệnh.
Tuy nhiên, dù không có chứng chỉ hành nghề nhưng bà Nguyễn Thị Phú vẫn ung dung mở phòng khám, bốc thuốc.
Ngày 10/4, trao đổi với PV về việc cơ sở khám chữa bệnh của bà Phú có giấy phép hành nghề hay không, đại diện UBND thị trấn Xuân Mai cho biết việc quản lý này không thuộc thẩm quyền của UBND thị trấn.
“Thực ra, UBND chỉ quản lý về đăng kí tạm trú, tạm vắng, an ninh trật tự còn về vấn đề phòng khám có giấy phép hành nghề hay không thì lại thuộc quản lý của Phòng Y tế huyện Chương Mỹ”, vị này cho biết.
Một vị khác cũng thông tin thêm, phòng khám Đông y Phú Xuân Đường đã được Phòng Y tế huyện Chương Mỹ kiểm tra nhưng giấy phép hành nghề không phải đứng tên bà Nguyễn Thị Phú.
Bà Phú đang ngồi trong quầy trực tiếp hỏi thông tin bệnh nhân.
Mang những thắc mắc trên trao đổi với đại diện phòng y tế huyện Chương Mỹ. Tại đây, PV được ông Nguyễn Văn Hà, phó phòng cho biết, trước đó đơn vị này đã có cuộc kiểm tra cơ sở hoạt động của bà Phú.
“Phòng Y tế cũng phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, chủ phòng khám cũng xuất trình đầy đủ giấy phép hành nghề, theo đúng quy định”, vị đại diện phòng y tế huyện Chương Mỹ trả lời.
Khi được hỏi về việc giấy phép hành nghề của phòng khám đứng tên ai thì ông Hà trả lời rằng đứng tên bà Nguyễn Thị Phú.
Ngoài ra, ông Hà còn cung cấp thêm, trong lần kiểm tra đó bà Phú còn xuất trình được một bằng Bác sĩ Đa khoa chuyên môn 2 và đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ. PV đã hỏi lại nhiều lần nhưng đại diện Phòng Y tế huyện Chương Mỹ đều khẳng định thông tin đó là đúng.
Từ những thông tin người đứng đầu cơ quan chức năng cung cấp cho báo chí đã thấy xuất hiện những điểm không nhất quán. Với mong muốn làm đến cùng vụ việc, PV quyết định nhờ đến sự trợ giúp của chính quyền địa phương để có một buổi làm việc trực tiếp với bà Nguyễn Thị Phú.
Liên tục từ chối hợp tác
Trước những thông tin mập mờ từ phía cơ quan chức năng, PV đã liên hệ với bà Phú để đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, ngày 10/4, PV cùng chính quyền đến phòng khám để liên hệ làm việc nhưng bà Phú luôn tìm mọi lý do từ chối mọi cuộc gặp với lý do đang đi công tác.
Chiều ngày 17/4, nhận thấy bà Phú đang có mặt tại phòng khám, PV đã cùng cơ quan chức năng cùng hợp tác làm việc ngay tại phòng khám.
Trong lần trở lại phòng khám Đông y Phú Xuân Đường đã có sự khác biệt rõ rệt: Tấm bảng hiệu vẫn ung dung đặt trước cửa phòng khám nhưng thông tin trên đó đã có sự thay đổi.
Mặc dù không có chuyên môn, không bằng cấp nhưng bà Phú vẫn vô tư khám bệnh, bốc thuốc ngay tại phòng khám.
Tại mục người phụ trách chuyên môn không còn là bà Nguyễn Thị Phú nữa mà được thay bằng bà N.T.K.Đ. Mục giấy phép hoạt động cũng được thêm vào là số 563/SYT.
Khi được cơ quan chức năng yêu cầu làm việc, bà Nguyễn Thị Phú vẫn quanh co không chịu hợp tác với lý do người chủ cơ sở đi vắng, bản thân không có thẩm quyền để trả lời. Tuy nhiên, trước sự kiên quyết từ phía chính quyền địa phương, bà Nguyễn Thị Phú buộc lòng phải ngồi vào bàn làm việc.
Với những khách hàng ở xa, bà Phú tư vấn qua điện thoại và nhận gửi thuốc tận nhà cho bệnh nhân.
Tại buổi làm việc có sự chứng kiến của ông Nguyễn Văn Phương - Trưởng khu Chiến Thắng, thị trấn Xuân Mai, bà Phú vẫn quanh co từ chối cung cấp thông tin những thông tin liên quan đến hoạt động của phòng khám. Đáng nói hơn, bà Phú còn không thừa nhận tên họ của mình. “Ở đây không có ai tên là Nguyễn Thị Phú cả”. Tuy nhiên, khi được PV đưa thông tin chính bản thân mình đã trực tiếp đến đây khám bệnh, bà Phú mới chịu thừa nhận.
Mặc dù vậy bà Phú lại cho biết mình chỉ là giúp việc cho gia đình người chủ và bản thân không biết bốc thuốc, chữa bệnh.
Lý giải về việc bản thân không có chuyên môn nhưng vẫn thực hiện việc tư vấn cho bệnh nhân khi đến khám, người phụ nữ này cho biết, bản thân bà đã làm việc ở đây lâu rồi được người chủ hướng dẫn những thông tin cơ bản về bệnh tiểu đường nên bà cũng biết cách tư vấn cho người bệnh.
Mỗi thang thuốc có giá 160.000 đồng nhưng lại không có công dụng chữa bệnh tiểu đường.
Khi được hỏi về việc tự nhận là lương y chữa bệnh tiểu đường đồng thời lập ra website đăng nhiều bài viết quảng cáo, tư vấn và bán thuốc cho người bệnh, bà Phú không thừa nhận và cho biết bản thân không hề biết gì về việc đó. Sau khi được yêu cầu cho kiểm tra giấy phép hành nghề, bà Phú khẳng định phòng khám có giấy phép hành nghề theo đúng quy định của pháp luật Đồng thời người này cũng từ chối cung cấp những giấy tờ này với nhiều lý do.
Tuy nhiên, với hành động quyết liệt từ phía chính quyền, bà Phú đã chịu mang những giấy tờ liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh của phòng khám ra.
Có gì trong giấy tờ về quy định mở phòng khám? Những giấy tờ đó có điểm gì bất thường? Đằng sau những giấy tờ đó là trách nhiệm của ai? Độc giả vui lòng đón đọc trong kỳ sau.