Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:04
RSS

Thối thịt, nhiễm trùng da vì 'ham hố' nâng mũi

Thứ hai, 03/04/2017, 10:32 (GMT+7)

Cấy chỉ, tiêm filler là những phương pháp nâng mũi phổ biến trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo các chị em nên cẩn trọng với những biến chứng.

Biến chứng nguy hiểm từ việc nâng mũi

Theo thông tin từ trang Phụ nữ Online, chị N.T.K.T. (29 tuổi, nhà ở phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM) bị thối thịt ở mũi sau 2 ngày cấy chỉ để nâng mũi. Chị T cho biết chị rất thích nâng mũi cho đẹp nhưng sợ bị mổ xẻ đưa vật liệu nhân tạo vô mũi.

Khi nghe bạn bè mach có phương pháp nâng mũi bằng cách cấy chỉ chỉ mất 20 phút mà không phải mổ, chị T. liền gọi nhân viên của một tiệm spa (ở quận 1) về nhà làm, với giá 15 triệu đồng. Sau 2 ngày, mũi chị bắt đầu sưng tấy, mũi đỏ chét và có dấu hiệu nhiễm trùng nên chị đến Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị dị ứng với chất liệu chỉ và collagen được cấy vào mũi.

Sau khi nâng mũi, chiếc mũi của chị T. bị nhiễm trùng. Ảnh: Phụ nữ Online

Trong quá trình thăm khám, chị T. cho biết chị được cấy vào mũi 5 sợi chỉ, sau đó nhân viên của tiệm spa còn bơm dung dịch collagen vào mũi bằng đường kim tiêm. Theo lời nhân viên spa thì chính collagen sẽ vây quanh các sợi chỉ làm nâng sống mũi lên và từ từ sợi chỉ sẽ tự tiêu, để lại sống mũi với những lớp collagen tự thân, làm sóng mũi đẹp một cách tự nhiên.

Thế nhưng sau khi phẫu thuật, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện có đến 12 sợi chỉ và dung dịch collagen không rõ loại. Đồng thời, phần da mũi bên ngoài bị thối nên bác sĩ phải cắt lọc, nạo hết ổ mủ nhiễm trùng và dùng kháng sinh mạnh để tránh tình vết thương viêm nhiễm nặng hơn.

Trước đó, trên trang Hà Nội mới từng đưa tin về trường hợp một nữ bệnh nhân 29 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh bị xì mủ, sưng tấy 2 bên má. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết: Từ tháng 11-2016 đã đi tiêm chất làm đầy (dung dịch dạng lỏng giúp làn da lồi lõm được căng đầy, giảm nếp nhăn) vào 2 bên má tại một cơ sở kinh doanh spa ở thành phố. Đến đầu tháng 3-2017, bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng, má ửng đỏ và xì mủ.

Bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh – Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm Mỹ bệnh viện Trưng Vương cho biết dù không xác định được loại chất làm đầy sử dụng để tiêm vào 2 má cho bệnh nhân trên nhưng bác sĩ nghi ngờ có thể cơ sở đó đã bơm chất dung dịch (nghi là silicon) lỏng. Dù được phẫu thuật hút ra nhưng dung dịch này khi tiêm vào cơ thể không nằm yên mà di chuyển khắp vùng mặt, nên thời gian tới có thể bệnh nhân phải làm thêm các cuộc phẫu thuật can thiệp.

Cấy chỉ để nâng mũi có an toàn?

Hiện nay, nhiều cơ sở thẩm mỹ rao kỹ thuật cấy chỉ như phương pháp thần kỳ, đánh bay mọi nỗi lo cho chị em sợ đau khi nâng mũi. Điển hình như thẩm mỹ viện X.H. (ở Hà Nội) quảng bá: “Nhân ngày lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, giảm chi phí cho nâng mũi bằng chỉ. Sau 30 gây tê nhẹ không cần phẫu thuật sẽ cấy chỉ vào sống mũi, bạn sẽ sở hữu ngay dáng mũi đẹp từ A-Z với sóng mũi thẳng, đầu mũi gọn, chóp mũi hình chữ A, lỗ mũi hình hạt chanh cân xứng. Đây là phương pháp thẩm mỹ mũi không cần phẫu thuật, không dao kéo, không đau, không sẹo được phái đẹp ưa chuộng nhất hiện nay”.

Chia sẻ với PV báo Phụ nữ Online, Tiến sĩ bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM phân tích: Muốn cấy chỉ vào mũi, buộc phải gây tê, dùng kim ấn vào sóng mũi để đưa các sợi chỉ vào, đồng thời dùng kim tiêm bơm collagen vào… Tất cả các thủ thuật này đều gây chảy máu, nguy hiểm cho bệnh nhân.

Vì phương pháp cấy chỉ có xâm lấn vào da thịt khách hàng nên được thực hiện bởi các bác sĩ có chứng chỉ phẫu thuật thẩm mỹ, chứ ngay cả bác sĩ da liễu, các spa cũng không được làm. Do đó, nhân viên spa làm ở nhà khách hàng càng sai luật.

Mặt khác, dù vật liệu chỉ có nằm trong danh mục được phép sử dụng nâng mũi nhưng khách hàng sẽ không biết được đó là loại chỉ nào, chất collagen đó có đúng như danh mục cho phép của Bộ Y tế hay không. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tràn la các vụ nhiễm trùng, hoại tử mũi vì cấy chỉ hiện nay.

Tuyệt đối không nâng mũi với filler

Theo nguồn tin của Zing News, PGS Tài Sơn - vị trưởng khoa nhiều năm trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ cho hay: “Nhiều người chọn cách nâng mũi bằng filler nhưng tôi khuyên các bạn hãy dừng ngay ý định này. Chất này không thể đậu trên sống mũi. Cấu tạo sống mũi của chúng ta có đặc điểm nửa phần trên là xương, phần dưới là sụn. Cả phần mũi có hình tháp, nếu bổ ngang sẽ cho hình tam giác. Do đó, chất làm đầy không thể đậu trên đỉnh của tam giác này. Thay vào đó, dần dần chúng sẽ bị phần da phía trên đè xuống và xẹp sang hai bên. Vô hình chung sẽ làm mũi bị bè, to.

Nếu muốn làm to, phẫu thuật viên phải bơm nhiều. Do đó, chất làm đầy sẽ càng bị ép xuống khiến dịch tràn sang hai bên theo nguyên tắc ‘nước chảy chỗ trũng’. Đó chính là nguyên nhân khiến mũi bị biến dạng, chưa kể đến việc nhiễm trùng, hoại tử do chất liệu không đảm bảo”.

Theo đó, việc tạo chiếc mũi cao bằng chất làm đầy chỉ mang tính chất “đánh lừa” khách hàng bởi chỉ cần một vài ngày sau, nó sẽ bị biến dạng. Về những trường hợp môi bị sưng, biến dạng, PGS Sơn cho rằng nguyên nhân do tay nghề của bác sĩ, đặc biệt do filler không đảm bảo.


Theo Chất lượng Việt Nam