Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:20
RSS

Nguy cơ mua phải thực phẩm hữu cơ mạo danh

Thứ hai, 27/03/2017, 10:29 (GMT+7)

Thực phẩm hữu cơ được bán với giá cao, vì thế nguy cơ bị làm giả, nhái hoặc nhập nhèm về bao bì mẫu mã gần như không tránh khỏi.

Tất tả bước vào một siêu thị mini trưng biển “Thực phẩm hữu cơ sạch 100%”, chị Vân (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, thị trường tràn ngập thực phẩm bẩn, nên sản phẩm rau hữu cơ được nhiều bà nội trợ tin dùng: “Một mớ rau lên tới vài chục nghìn nhưng vẫn mua vì tin tưởng. Ngoài thị trường thực phẩm bẩn, nhiễm thuốc trừ sâu quá nhiều, rẻ mấy cũng không dám ăn”.

Khác với quan điểm của chị Vân, chị Thu Trang ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho rằng: “Mua thì cứ mua vậy thôi, hy vọng đắt thì nó sẽ sạch hơn một chút, chứ người tiêu dùng như chúng tôi không thể kiểm tra chất lượng rau mua về. Vì thế dù mua dùng nhưng vẫn hoang mang, lo lắng”.

Bà Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Hà Nội (Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ) cho biết, hiện nay tại thị trường phía bắc mới có 3 khu vực là Sóc Sơn (Hà Nội), Duy Tiên (Hà Nam), Lương Sơn (Hòa Bình), được công nhận là rau hữu cơ.

Ảnh minh họa

Còn tại miền Nam, hiện đã có Bến Tre và Hội An (Quảng Nam) ở miền Trung là 2 điểm mới được công nhận rau hữu cơ đạt chuẩn PGS. Cũng theo bà Nhung với lượng cơ sở sản xuất như vậy thì cung không đủ cầu vì thế việc sản phẩm rau hữu cơ bị làm giả, làm nhái hoàn toàn có thể xảy ra.

Còn theo bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc hệ thống phân phối thực phẩm hữu cơ Organica (TPHCM) - các sản phẩm đã đạt chứng nhận EU Organic và USDA Organic cho biết, tới thời điểm này chưa một cơ quan tổ chức nào tại Việt Nam kiểm tra, chứng nhận sản phẩm hữu cơ. 

Quy trình được chứng nhận sản phẩm hữu cơ là một quy trình dài, tốn kém và gian nan. Với một mẫu sản phẩm ít nhất cũng phải trải qua 122 lần đánh giá chỉ tiêu, thậm chí là 550 lần.

Cũng theo bà Thảo, hiện trên thị trường xuất hiện rất nhiều cơ sở sản xuất mạo danh thực phẩm hữu cơ sạch, tự phong chất lượng của mình để kéo giá sản phẩm lên cao, đánh vào lòng tin của người tiêu dùng. Chình vì vậy, người tiêu dùng nên là người tiêu dùng thông thái để không rơi vào cảnh ngộ “tiền mất tật mang”.

Cho đến nay, Việt Nam cũng chỉ có khoảng mười đơn vị được cấp chứng nhận hữu cơ với chủng loại sản phẩm rất khiêm tốn. Trong khi đó, nhiều người nói sản xuất hữu cơ nhưng không có gì đảm bảo nên các công ty không dám bán hàng.

Người tiêu dùng có thể vào trang web của tổ chức cấp giấy chứng nhận hữu cơ đó, nhập mã số của đơn vị/doanh nghiệp, sẽ biết được thông tin chính xác. Các thông tin về mã số, đơn vị chứng nhận… nếu có, sẽ được doanh nghiệp thể hiện trên bao bì, nhãn mác sản phẩm, giúp người tiêu dùng tra cứu.

 


Theo Chất lượng Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

Các chiêu thức mạo danh trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến đang ngày càng phổ biến. Để người dùng tránh “sập bẫy”, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) mới đây đã cảnh báo về một loạt hành vi lừa đảo mạo danh OpenAI và Cục Đăng kiểm nhằm đánh vào lòng tin của người dùng.