Mới đây, một bé gái 3 tháng tuổi ở Giang Tô (Trung Quốc) đã phải làm thủ thuật mổ não. Hiện tại sức khỏe của bé đang nguy kịch.
Các bác sĩ cho biết bé nhập viện trong tình trạng não bị tổn thương, có nhiều ứ dịch ở bên trong.
Trước đó, bé ở nhà cùng ông nội. Hàng ngày ông nội vẫn dỗ cháu theo cách bế lên và rung lắc. Mỗi lần làm như vậy cháu nín khóc nên cứ khoảng 20 phút ông lại lắc mạnh 2 lần.
Không ngờ sau đó bé có biều hiện bất thường nên gia đình đưa cháu đến bệnh viện.
Bác sĩ Triệu Đông Lượng, Trưởng khoa Thần kinh BV Đại học Tô Châu (TQ) cho biết, hiện tại sức khỏe của cháu vẫn chưa thể phục hồi.
Bác sĩ Lượng nhắn nhủ, trẻ nhỏ não bộ đang trong quá trình phát triển, kết cấu lỏng lẻo, mọi sự kết nối giữa các bộ phận đều non nớt. Nếu bế rung lắc trẻ quá mạnh vô tình làm cho não bị di duyển, gây tổn thương khó nhận biết.
Hiện nay, việc bế con rung lắc hay cho con nằm võng rồi đung đưa mạnh là cách bế con khá phổ biến của nhiều người Việt hiện nay. Tuy nhiên, cách làm này cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là phần não của trẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội não của trẻ khá mềm với màng não mỏng. Khối cơ của cổ lại quá yếu không đủ sức nâng đỡ đầu, nên khi bị rung lắc sẽ có khuynh hướng gập tới gập lui hay xoay qua xoay lại một cách không kiểm soát được.
Khi bị rung lắc, xương sọ mềm và dẻo của trẻ không chịu được những lực này, sẽ chuyển lực tới não, khi não không có sự di chuyển đồng bộ và gây ra sự va đập trở lại tới xương sọ, làm dập não, tăng áp lực, phù và chảy máu trong não.
Các tĩnh mạch lớn dọc theo phía ngoài não cũng mỏng manh và dễ rách, gây chảy máu, máu tụ dưới màng cứng, ngoài màng cứng, dưới màng nhện, tăng áp lực nội sọ.
Tổn thương não có thể còn nặng nề hơn là não sẽ bị xoắn vặn trong hộp sọ dẫn đến tình trạng các mạch máu và thần kinh của não bị vỡ, các mô não bị xé ra gây xuất huyết não, phù não, tăng áp lực nội sọ.
Các nghiên cứu cho thấy, những tổn thương có thể xảy ra chỉ với 5 giây rung lắc. Rung lắc mạnh có thể gây ra những tổn thương não vĩnh viễn. Trường hợp rất nặng có thể dẫn đến tử vong.
Tổn thương não có thể phòng được. Bác sĩ Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương khuyến cáo, tuyệt đối không được đung đưa mạnh đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 0-6 tháng. Bởi những tổn thương không chỉ xảy ra trong thời điểm hiện tại mà có thể ảnh hưởng về lâu dài.