Thứ sáu, 06/12/2024 | 18:01
RSS

Thời gian công bố phương án thi lớp 10 năm 2025: Hà Nội quyết định môn thi thứ 3 thế nào?

Thứ sáu, 06/12/2024, 18:00 (GMT+7)

Theo kế hoạch, Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT sẽ được Bộ GDĐT ban hành trước 31/12/2024. Trong đó, kỳ thi lớp 10 là thông tin được nhiều phụ huynh, học sinh, thầy cô mong đợi.

Thời gian công bố phương án thi lớp 10 năm 2025

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 trên cả nước sẽ tham dự kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để chuẩn bị tốt cho việc này, Bộ GDĐT đã xây dựng dự thảo quy chế tuyển sinh. Hiện dự thảo được Bộ GDĐT tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, hạn cuối nhận ý kiến góp ý là ngày 18/12/2024.

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ GDĐT, việc tuyển sinh THPT (thi vào lớp 10) được tổ chức theo một trong ba phương thức: Xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

Học sinh thi vào lớp 10 tại điểm thi Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội Ảnh: Gia Khiêm

Với phương thức xét tuyển, căn cứ là kết quả rèn luyện và học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở của đối tượng tuyển sinh.

Bộ GDĐT cho hay, Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT sẽ được ban hành trước ngày 31/12/2024, sau khi đã tổng hợp, phân tích kỹ các ý kiến góp ý về phương án thi nhằm bảo đảm phù hợp nhất cho học sinh.

Với phương thức thi tuyển, số môn thi là 3 môn với toán, ngữ văn và 1 môn thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp.

Các Sở GDĐT được chọn 1 trong 2 phương án. Nếu chọn môn thứ 3, môn này phải nằm trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số. Đáng chú ý, Bộ yêu cầu các Sở phải thay đổi môn thi thứ ba qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Thời điểm các địa phương công bố môn thứ 3 là trước 31/3 hàng năm.

Môn thi thứ 3 vào lớp 10

Năm ngoái, cả nước có 55/63 tỉnh thành trên cả nước tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Trong 55 tỉnh thành tổ chức thi tuyển có 11 tỉnh thành kết hợp thi tuyển và xét học bạ. 

Trước đó, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GDĐT TP.HCM, cho hay Sở GDĐT Thành phố khi góp ý dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thay thế thông tư hiện hành, mong muốn được giữ và giao quyền tự chủ trong việc chọn môn thi thứ 3 trong kỳ thi Tuyển sinh lớp 10 Tức ngoài 2 môn thi toán, ngữ văn bắt buộc thì TP.HCM chủ động chọn môn ngoại ngữ là môn thứ 3 trên tinh thần đảm bảo đánh giá toàn diện năng lực, phẩm chất của người học theo đúng Chương trình GDPT 2018. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực của mỗi địa phương.

Tại Hà Nội, riêng 3 năm qua, duy trì việc thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ thay vì bốc thăm môn thứ 4 theo quy định. Thông tin về kỳ thi vào lớp 10 luôn khiến học sinh và phụ huynh lo lắng. Hà Nội quyết định môn thi thứ 3 thế nào vẫn là câu hỏi đang được dư luận chờ đợi.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, em Lê Việt Hoàng, học sinh lớp 9 một trường ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bày tỏ: "Em nghĩ 2 môn Văn, Toán là thi cố định theo chương trình học bắt buộc, còn môn thi thứ 3 có thể bốc thăm chọn môn để tránh việc học sinh tập trung quá nhiều vào các môn thi. Tuy nhiên, em mong Sở GDĐT công bố sớm môn thi thứ 3 để học sinh được biết và có thời gian ôn tập tốt.

Hiện tại cả em và gia đình vô cùng lo lắng không biết phương án thi ra sao. Em mong kỳ thi không quá xáo trộn để chúng em không bị bất ngờ".

Còn chị Trần Phương Anh, phụ huynh có con học lớp 9 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng: "Theo tôi môn thi thứ 3 nên là tổ hợp môn. Chỉ thi tổ hợp môn thì bắt buộc học sinh phải học đều các môn và các con lẫn phụ huynh không phải lo lắng việc thi môn gì, học ra sao. Nếu thi cố định 3 môn Toán, Văn, Anh thì cũng thiệt thòi cho các bạn nếu như môn Tiếng Anh không tốt. Ngoại ngữ không phải là môn sở trường của học sinh và đây cũng không phải là môn bắt buộc trong chương trình học. Như con tôi học thiên về môn Hóa thì không được thi môn này là một thiệt thòi với con. Tương tự với các bạn khác với các môn khác cũng như vậy".

Bộ GDĐT nêu quan điểm xây dựng dự thảo: "Ba nguyên tắc cốt lõi xây dựng dự thảo quy chế là gọn nhẹ, không gây áp lực và tốn kém, thúc đẩy hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục toàn diện, để học sinh có đầy đủ phẩm chất và năng lực, đủ điều kiện để tiếp tục học lên THPT, bảo đảm mặt bằng chung để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong kiểm tra, thanh tra, đánh giá".

Tào Nga
Theo Dân Việt