Thứ bảy, 18/01/2025 | 14:59
RSS

Tuyển dụng giảng viên: Nơi 'đất lành chim đậu'

Thứ ba, 03/12/2024, 10:18 (GMT+7)

Theo các chuyên gia, ĐBQH, để nâng cao chất lượng GD đại học, đầu tư vào con người, nhất là đội ngũ giảng viên là yếu tố tiên quyết.

Giảng viên, sinh viên Trường ĐH Khoa học và công nghệ Ảnh: NTCC

Muốn vậy, cần tạo cơ chế tuyển dụng được người giỏi, thu hút giảng viên nước ngoài.

“Mở cửa” với giảng viên trẻ tài năng

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH CMC (Hà Nội), nhiều cơ sở đào tạo thiếu lực lượng giảng viên giỏi, tài năng, nhất là giáo sư, phó giáo sư, nhà khoa học. Với những trường đại học định hướng nghiên cứu và trường đại học đào tạo khối ngành khoa học cơ bản lại càng thiếu trầm trọng đội ngũ này. Do vậy, những trường tự chủ, có tiềm lực về tài chính sẽ có nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ đối với lực lượng này.

Đồng thời tạo môi trường nghiên cứu và giảng dạy tiên tiến, cởi mở. Giảng viên cần được tôn trọng và tự giác trong hoạt động học thuật. Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Trường ĐH CMC là làm thế nào tập hợp được thầy cô giỏi, đã thành danh ở trong và ngoài nước về giảng dạy tại trường.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình cho hay, để làm được điều này, nhà trường đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giảng dạy, nghiên cứu và công tác của các giảng viên. Bên cạnh đó, nhà trường “mở cửa” với giảng viên trẻ tài năng với quy trình tuyển dụng công khai, minh bạch và chặt chẽ. Trường ĐH CMC đang xây dựng môi trường đào tạo và nghiên cứu tiên tiến, theo chuẩn mực quốc tế...

Để thu hút và giữ chân giảng viên, nhà khoa học xuất sắc, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình gợi mở, bên cạnh môi trường làm việc và có chế độ chính sách, đãi ngộ hợp lý, về lâu dài, các trường đại học cần tập trung đầu tư, nghiên cứu các giải pháp nhằm đào tạo, bồi dưỡng và phát triển từ nguồn giảng viên nội tại.

Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện và đầu tư cho nhà trường lẫn giảng viên để có thể nâng cao chất lượng chuyên môn, thực hiện các công trình nghiên cứu có giá trị để phục vụ cho nền giáo dục.

“Giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng không thể làm tắt trong một vài năm, mà cần kiên trì, bền bỉ nhưng luôn khuyến khích sáng tạo, đột phá và hiệu quả...”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình trao đổi.

Giảng viên, sinh viên Trường ĐH Phenikaa. Ảnh: NTCC

Cần chính sách nuôi dưỡng và đầu tư

Đề cập đến vấn đề thu hút trọng dụng giảng viên, nhà khoa học giỏi trong nước và quốc tế, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội nhìn nhận, chúng ta có chính sách tốt nhưng khi đi vào thực tế cần giải pháp cụ thể, tháo gỡ những khó khăn để trọng dụng tốt hơn. Cái họ cần là cơ chế để biến những tri thức trở thành giải pháp có thể áp dụng vào cuộc sống. Ngoài ra, cần có chính sách trọng dụng, giải pháp để tháo gỡ thủ tục hành chính, trong đó có quy định về tuyển dụng.

Từ kinh nghiệm thực tế, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, để thu hút trọng dụng nhân tài - đội ngũ trí thức khắp nơi trên thế giới có thể dựa vào hệ thống mạng lưới sinh viên. Đơn cử như ĐH Bách khoa Hà Nội, hệ thống mạng lưới sinh viên đã tốt nghiệp một số năm trước đây đang ở độ tuổi sung sức, trở thành các chuyên gia giỏi tại nhiều hãng nước ngoài, hoặc là giảng viên, nhà khoa học giỏi của các đại học trên thế giới. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để mời họ phối hợp, kết hợp làm việc với chuyên gia, giảng viên trong nước.

Người Việt Nam rất thông minh, thành đạt, thành công trên thế giới. Vì thế, cần có chính sách thu hút và trọng dụng người tài, trong đó có Việt kiều hoặc người gốc Việt về làm việc, giúp đỡ nước nhà. Họ không cần phải về Việt Nam mà chỉ cần có mối liên hệ mật thiết với các nhóm giảng viên, nhà khoa học trong nước.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam có nhiều chính sách thu hút giảng viên, nhà khoa học giỏi . Ảnh: NTCC

Hiện, các trường đại học có xu thế tự chủ; do vậy việc phát triển hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam phải được hoạch định khoa học, thúc đẩy các chiến lược phát triển, được Nhà nước đầu tư có chiều sâu và bài bản. “Đảng, Nhà nước cần hai chính sách về thu hút: Nuôi dưỡng và đầu tư. Từ đó, mới có thể thu hút, trọng dụng người giỏi, giảng viên nước ngoài, đội ngũ trí thức mạnh cả về số lượng và chất lượng”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, cần tạo điều kiện về vật chất và tinh thần, môi trường làm việc để thu hút giảng viên, nhà khoa học trình độ cao trong và ngoài nước về công tác tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Mặt khác, tiếp tục cải cách chính sách ưu đãi về lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt... đối với trí thức công tác ở các cơ sở đào tạo thuộc vùng khó khăn.

Còn theo PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội, thu hút nhân tài không chỉ là một khâu của quy trình quản lý nguồn nhân lực, mà phải là tổng thể các cơ chế, chính sách tạo sức hấp dẫn nhằm kêu gọi, giữ chân được họ. Bên cạnh các cơ chế, chính sách, giải pháp mang tính đột phá, cần có sự giám sát, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên khi thực hiện.

Do đó, cần có chiến lược cả về tài chính, cơ chế tuyển dụng, đặc biệt phải tạo môi trường làm việc. Nếu chúng ta tuyển dụng về mà không tạo môi trường làm việc thì cũng không giữ được nhân tài; đồng thời có cơ chế phát huy năng lực sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.

Một lớp học của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Ảnh: TG

Cần cụ thể trong Luật Nhà giáo

Hiện, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà giáo; trong đó có chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Ông Nguyễn Thanh Phương (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ) cho rằng, dự thảo luật có nhiều lĩnh vực được điều chỉnh rất tốt.

Đồng tình với 8 trong số 9 khoản của Điều 6 quy định chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, ông Nguyễn Thanh Phương phân tích thêm: Riêng nội dung khuyến khích, tạo điều kiện để nhà giáo nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia giảng dạy ở Việt Nam, cần quy định rõ hơn nữa, đặc biệt khối đại học.

Ông Nguyễn Thanh Phương cho biết, hiện có nhiều giáo sư ở các nước châu Âu, Nhật Bản khi hết tuổi công tác có nguyện vọng tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở các trường trong khu vực châu Á, như Việt Nam, Maylaysia, Thái Lan…

Từ đây, đại biểu Quốc hội đoàn TP Cần Thơ đặt vấn đề, tại sao chúng ta không khai thác tối đa nguồn lực này để thúc đẩy ngành Giáo dục và đào tạo tiếp cận với giáo dục thế giới? Vì vậy, trong luật nên ghi rõ, riêng về vấn đề thu hút cần tạo điều kiện “tối đa” để các nhà giáo ở nước ngoài có thể đến làm việc tại Việt Nam, nhất là dạy ở trường đại học. “Muốn làm được điều này, chính sách visa, giấy phép làm việc rất quan trọng”, ông Phương nói.

Hiện nay, người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, muốn xin giấy phép lao động thời hạn 1 năm ở trường đại học gặp khó khăn, với nhiều thủ tục. “Trường ĐH Cần Thơ có chuyên gia Nhật Bản, khi qua Việt Nam ông lo hết mọi thứ, thậm chí đem cả tiền nghiên cứu tới luôn. Tuy nhiên, xin giấy phép làm việc một năm không được.

Vì vậy, cứ 3 tháng một lần, chúng tôi phải đưa vị chuyên gia này qua cửa khẩu Tây Ninh hoặc An Giang, qua Campuchia vài tiếng, đóng dấu xuất cảnh rồi quay về nhập cảnh lại”, đại biểu Nguyễn Thanh Phương kể lại, đồng thời nhấn mạnh, cùng với chính sách thu hút và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các chuyên gia nước ngoài thì quy trình cấp visa, giấy phép làm việc phải thực sự thông thoáng để có thể mời đội ngũ này đến làm việc.

Tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đến năm 2030 có nêu, việc sửa đổi các quy định nhằm khuyến khích chuyển dịch nhân lực hai chiều giữa công và tư, có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí, tạo thuận lợi về thủ tục xuất/nhập cảnh, visa, giấy phép lao động… để thu hút nhân lực trình độ cao từ nước ngoài. Luật sư Nguyễn Kim Dung - Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam (BUV) kiến nghị, các chính sách thời gian tới cần đáp ứng theo định hướng này.

Dưới góc độ người làm trong lĩnh vực pháp chế, luật sư Nguyễn Kim Dung nhận thấy, điều kiện cấp phép lao động cho giáo viên nước ngoài của Việt Nam còn nhiều bất cập. Ví dụ theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP, giáo viên dạy cơ sở đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn chỉ cần có bằng cao đẳng. Tuy nhiên, Nghị định 152/2020/NĐ-CP lại quy định lao động nước ngoài muốn cấp phép vào Việt Nam phải có bằng đại học.

Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại BUV đề xuất, dự thảo Luật Nhà giáo tới đây có nghị định/ thông tư hướng dẫn luật này, cần bổ sung thêm quy định về điều kiện giảng viên người nước ngoài khi mở ngành đối với trường có vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời sửa đổi quy định về việc miễn giấy phép lao động cho giảng viên nước ngoài có trình độ cao là tiến sĩ hoặc có học hàm giáo sư quy định tại Nghị định 152/2019/NĐ-CP tương thích với nghị định hướng dẫn Luật Nhà giáo.

Điều 29, dự thảo Luật Nhà giáo có quy định về chính sách thu hút nhà giáo. Ông Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH Trà Vinh) cho rằng, cần đưa ra tiêu chí cụ thể để thu hút người có trình độ cao, tài năng làm nhà giáo.

Chính sách ưu tiên tuyển dụng và chế độ phụ cấp thu hút cũng chưa đủ hấp dẫn để giữ chân nhân sự, từ đó dẫn đến khó khăn trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao và duy trì đội ngũ nhà giáo ở những khu vực cần thiết. Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, cần xây dựng chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính đặc biệt để đào tạo người có trình độ cao trở thành nhà giáo; trong đó có đội ngũ giảng viên.

Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu: Phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại sau 5 năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước; tỷ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ đạt 30% vào năm 2025; đạt 60% vào năm 2030 để tiến tới đạt 100% vào năm 2050.

Minh Phong
Theo Giáo dục & Thời đại