Thứ sáu, 17/01/2025 | 18:24
RSS

Tuyển dụng giảng viên: Khó giữ chân nhân tài

Thứ hai, 02/12/2024, 07:39 (GMT+7)

Tại nhiều trường đại học công lập, đặc biệt các trường chưa tự chủ hoàn toàn về tài chính, chế độ lương và đãi ngộ cho giảng viên trẻ chưa cao.

Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) giao lưu, trao đổi chuyên môn với giảng viên Trường Đại học Shokei Gakuin (Nhật Bản) trong chương trình hợp tác giữa hai đơn vị. Ảnh: NTCC

Điều này gây khó khăn trong việc thu hút được người giỏi về “đầu quân”. Ngoài ra, các quy định về giảng dạy, nghiên cứu khoa học còn nhiều bất cập cũng khó giữ chân người trẻ, giỏi.

“Nước chảy chỗ trũng”

Theo thông tin từ Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên), nhà trường “bị mất” khoảng 5% tiến sĩ trong vòng 2 năm kể từ khi dịch covid-19 dần được kiểm soát, kinh tế bắt đầu phục hồi. Tại trường, có tiến sĩ trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài nhưng thu nhập mỗi tháng chưa đến 10 triệu đồng.

Nhà trường không thể cân đối để giúp giảng viên tăng thêm thu nhập vì phụ thuộc vào tổng nguồn thu của trường. Mức thu từ học phí thấp nên nguồn thu để có thể chi tăng thêm cho cán bộ, giảng viên của trường không đáng kể. Trong khi đó, những người đã học tập, nghiên cứu ở nước ngoài về, có nhiều cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc ở các trường đại học với mức đãi ngộ tốt hơn.

Theo PGS.TS Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang (ĐHQG TPHCM), trước đây An Giang có đề án đào tạo nhân lực trình độ cao bằng việc tài trợ kinh phí đi học, nhưng chỉ có một người tham gia và học xong cũng không quay về. Có thể nói, bài toán nhân lực trình độ cao ở các địa phương và trường đại học địa phương chưa có lời giải.

Tương tự, Đại học Đà Nẵng có 19 trường hợp đi học tiến sĩ ở nước ngoài đã quá thời hạn nhưng chưa trở về nước. Trong số này, 15 trường hợp đi học bằng kinh phí cá nhân hoặc học bổng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp, 4 trường hợp còn lại được cử đi học theo các đề án từ nguồn ngân sách Nhà nước thuộc các cơ sở giáo dục thành viên gồm Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Kinh tế. Trong số này, có 2 viên chức không về nước đã có đơn xin thôi việc.

Trên cơ sở chi phí đào tạo Bộ GD&ĐT cung cấp, các trường đã tổ chức xét và ban hành quyết định đền bù. 2 trường hợp còn lại, Đại học Đà Nẵng đang tiến hành các thủ tục theo trình tự. Trong trường hợp giảng viên không trở về đơn vị công tác, sẽ yêu cầu các trường xử lý theo thẩm quyền và đề nghị bồi hoàn kinh phí đào tạo theo quy định.

Theo đại diện Đại học Đà Nẵng, có nhiều lý do khiến một số viên chức được cử đi đào tạo ở nước ngoài đã hết thời hạn nhưng chưa về nước như đang tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu cùng giáo sư nước ngoài, điều kiện làm việc, thu nhập, gia đình…

Trong khi đó, theo quy định, ngoài cam kết của viên chức được cử đi học và quyết định bồi hoàn kinh phí khi không thực hiện đúng cam kết, nhà trường không có chế tài nào khác để buộc viên chức phải về nước khi hết thời hạn học tập.

Giảng viên Khoa Xây dựng Cầu đường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cùng giáo sư, giảng viên Đại học Quốc gia Utsunomiya (Nhật Bản) tham gia bài giảng của đơn vị tại Đại học Quốc gia Utsunomiya. Ảnh: NTCC

Thu nhập chưa tương xứng

PGS.TS Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, để thu hút và giữ chân nhân sự, Đại học Đà Nẵng đã linh hoạt xếp lương giảng viên mới tuyển dụng theo Nghị định số 115/2020 và Nghị định số 85/2023 của Chính phủ.

Ngoài ra, các trường đại học thành viên có quy định hỗ trợ thêm cho giảng viên mới. Như Trường Đại học Kinh tế, là đơn vị tự chủ, hỗ trợ cho giảng viên, nghiên cứu viên mới được tuyển dụng ở mức 1,5 triệu đồng/người/tháng đối với thạc sĩ và 2 triệu đồng/người/tháng đối với tiến sĩ trong 3 năm đầu tiên. Giảng viên mới được tuyển dụng vào Trường Đại học Bách khoa, nếu chưa có nhà ở tại TP Đà Nẵng sẽ được hỗ trợ chỗ ở tại nhà khách của trường trong 1 năm đầu tiên.

Thế nhưng, PGS.TS Lê Thành Bắc cũng thừa nhận việc thu hút và giữ chân giảng viên ở khối các trường đại học công lập còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, trước tiên liên quan đến thu nhập của giảng viên khi chế độ tiền lương bất cập, chưa tương xứng với vị thế và đặc thù giảng viên công tác ở môi trường đại học.

“Nghị định 85/2023 của Chính phủ quy định giảng viên đại học khi tuyển dụng phải có trình độ đào tạo là thạc sĩ trở lên. Để đạt được trình độ này, người học phải mất ít nhất khoảng 6 năm học. Thế nhưng khi xếp lương thì ngang bằng với trình độ đại học, chỉ mất khoảng 4 năm đào tạo. Điều này làm ảnh hưởng đến chính sách thu hút giảng viên trẻ có học vị thạc sĩ, tiến sĩ”, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng phân tích.

Trong khi đó, nguồn ngân sách Nhà nước cấp đang giảm dần theo lộ trình tăng cường tự chủ tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học. Nguồn thu chính của trường đại học hiện nay chủ yếu là học phí. Nhưng những năm gần đây, học phí không tăng nên các trường đại học khối công lập bị hạn chế nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo, thu hút nhân tài.

PGS.TS Lê Thành Bắc kiến nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan điều chỉnh chế độ tiền lương tương xứng với vị thế và đặc thù giảng viên đại học, đảm bảo lương của giảng viên ít nhất phải bằng hoặc cao hơn so với viên chức chuyên ngành khác. Ngoài ra, cần trao quyền tự chủ tối đa cho cơ sở giáo dục đại học công lập trong tuyển dụng giáo viên.

Đề án 89 về Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2019 - 2030 có kinh phí hỗ trợ còn thấp.

Một số cơ sở đào tạo nước ngoài yêu cầu phải nộp học phí trước thời điểm Bộ GD&ĐT cấp kinh phí nên giảng viên không có đủ điều kiện để ứng trước, dẫn đến không nhập học được và xin rút khỏi đề án. Vì vậy, cần nghiên cứu việc tăng kinh phí hỗ trợ giảng viên đi học cũng như tăng chương trình học bổng ngắn hạn trao đổi giảng viên. - PGS.TS Lê Thành Bắc

Hà Nguyên
Theo Giáo dục & Thời đại