Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:00
RSS

Liên kết quốc tế trong đào tạo: Thay đổi để phù hợp

Thứ sáu, 29/11/2024, 15:49 (GMT+7)

Hoạt động liên kết quốc tế trong đào tạo hiện gặp khó khăn khi lựa chọn đối tác; kiểm soát việc tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo và kiểm định chất lượng.

Sinh viên Trường ĐH Hà Nội. Ảnh: NTCC

Còn nhiều vướng mắc

Ngày 5/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (Nghị định 124). Theo đó, hành lang pháp lý được quy định rõ ràng, đơn giản hóa thủ tục nhằm thúc đẩy hợp tác, liên kết với nước ngoài trong giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nêu thực tiễn, một số cơ sở đào tạo chưa bám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng khi triển khai liên kết quốc tế Hiện, điều kiện tuyển sinh chương trình liên kết thấp hơn so với các chương trình đào tạo trong nước ở cùng ngành, cơ sở giáo dục đại học. Có đơn vị mập mờ giữa hợp tác quốc tế trong đào tạo với liên kết đào tạo với nước ngoài, “bản địa hóa” tối đa đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và cơ sở vật chất.

Thực trạng trên vô hình trung làm giảm chất lượng chương trình liên kết so với chương trình triển khai tại cơ sở đối tác nước ngoài, không lan tỏa được chất lượng đào tạo cho các chương trình trong nước và năng lực chuyên môn, ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên.

Bên cạnh đó, chưa có hướng dẫn cụ thể về tuyển sinh và tổ chức đào tạo các chương trình liên kết; thực hiện chế độ báo cáo và công khai thông tin chưa đầy đủ; việc thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức liên kết đào tạo với nước ngoài chưa thực sự được quan tâm, thiếu chế tài xử lý vi phạm.

Thực tiễn trên đòi hỏi giải pháp tháo gỡ khó khăn, tồn tại để nâng cao chất lượng, hiệu quả của liên kết đào tạo với nước ngoài. Ngoài ra, cần quy định chi tiết và rõ ràng hơn trong tuyển sinh, đào tạo để hướng dẫn chi tiết cho các trường thống nhất thực hiện trong thực tiễn.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Hoàn thiện chính sách

Bộ GD&ĐT đang soạn thảo Thông tư quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ (dự thảo thông tư). Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho hay, Thông tư này quy định về hình thức liên kết, tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng trong liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Thông tư áp dụng đối với các đại học, trường đại học, cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam (cơ sở giáo dục đại học Việt Nam), các tổ chức, cá nhân Việt Nam, cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, cá nhân nước ngoài có liên quan.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, việc xây dựng Thông tư nhằm tháo gỡ khó khăn và tồn tại hạn chế.

Qua đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả liên kết đào tạo với nước ngoài; quy định chi tiết và rõ ràng hơn trong tuyển sinh và tổ chức đào tạo để hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học thống nhất thực hiện trong thực tiễn. Dự thảo Thông tư cho thấy tính bao trùm, đi từ căn bản đến cụ thể, trong đó có những vấn đề cốt lõi của liên kết đào tạo và tuyển sinh, tổ chức, quản lý đào tạo, văn bằng; cập nhật, bám sát thực tế.

Liên kết quốc tế trong giáo dục đại học đã và đang đóng vai trò quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo và mở rộng cơ hội học tập cho người học ở Việt Nam. Nhấn mạnh điều này, GS.TS Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, cần có sự linh hoạt trong việc áp dụng các quy định về hình thức đào tạo, tuyển sinh và quản lý chương trình, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Ngoài ra, việc điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách, tăng cường hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát huy tối đa tiềm năng trong hợp tác giáo dục quốc tế, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động toàn cầu.

Cần có tổng kết hoạt động này trong hơn 10 năm qua trên phạm vi cả nước, ông Nguyễn Xuân Vang - nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) đề xuất. Trên cơ sở đó, đánh giá những mặt được và chưa được, từ đó có thay đổi về cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình hiện nay theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, cần có điều chỉnh phù hợp quy định hiện hành để khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng cơ hội hợp tác, phù hợp với xu hướng quốc tế hóa giáo dục.

Nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng khung pháp lý cho liên kết đào tạo nhưng ông Nguyễn Xuân Vang cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng các quy định trong dự thảo Thông tư để không tạo rào cản cho sự phát triển của giáo dục đại học tại Việt Nam, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các cơ sở giáo dục uy tín từ nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, cần nhìn nhận, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc phát triển hệ thống giáo dục đại học cần dựa trên tự chủ, sáng tạo và nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục trong nước.

Các cơ chế, chính sách hiện tại, mặc dù đã có nhiều cải tiến nhưng còn bất cập cần điều chỉnh. Việc đa dạng hóa chương trình liên kết đào tạo và khuyến khích sự tham gia của cơ sở giáo dục đại học uy tín từ nước ngoài sẽ không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn giúp Việt Nam từng bước hội nhập mạnh mẽ hơn vào mạng lưới giáo dục toàn cầu. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cần có sự đồng hành của cơ quan quản lý Nhà nước và cơ sở giáo dục đại học.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến tháng 12/2023, cả nước có tổng cộng 338 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, trong đó, trình độ tiến sĩ 7 chương trình, thạc sĩ 101 chương trình và cử nhân 230 chương trình. Nếu phân loại theo lĩnh vực thì kinh tế và quản lý chiếm tỷ lệ cao nhất, 47%; tiếp đến là kỹ thuật và công nghệ 29%, khoa học xã hội và các ngành khác 24%.

Minh Phong
Theo Giáo dục & Thời đại