Đây là quy định Bộ GD&ĐT đưa ra trong dự thảo Thông tư ban hành Quy chế về tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Các tiêu chuẩn và tiêu chí được được chốt tại thời điểm ngày 31/12 của năm báo cáo và hoàn thiện chậm nhất vào ngày 31/1 của năm sau liền kề năm báo cáo như sau:
Tiêu chuẩn 1 về tổ chức và quản trị gồm 4 tiêu chí:
Tiêu chí 1: Có bộ phận chuyên trách để thực hiện tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, lãnh đạo bộ phận chuyên trách phải có năng lực quản lý, có trách nhiệm, trung thực, khách quan.
Tiêu chí 2: Có ít nhất 1 lãnh đạo của bộ phận chuyên trách đạt năng lực ngoại ngữ tối thiểu cấp độ B2 theo Khung tham chiếu chung Châu Âu về ngoại ngữ (hoặc bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) của một trong các ngoại ngữ được giảng dạy trong chương trình giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời có bằng thạc sĩ trở lên của một trong các ngành/chuyên ngành: ngành Đo lường và đánh giá trong giáo dục; ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài; chuyên ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài thuộc nhóm ngành Khoa học giáo dục.
Tiêu chí 3: Nhân sự chuyên môn để thực hiện ra đề thi, chấm thi: phải có tối thiểu 30 người (đối với tiếng Anh và 20 người đối với các môn ngoại ngữ khác) có bằng thạc sĩ trở lên của một trong các ngành/chuyên ngành: ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài; chuyên ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài thuộc nhóm ngành Khoa học giáo dục. Những người tham gia ra đề thi/chấm thi chỉ được thực hiện nhiệm vụ ra đề thi/chấm thi đối với các định dạng đề thi bằng hoặc thấp hơn trình độ ngoại ngữ (bậc) mình đã đạt được.
Tiêu chí 4: Có đội ngũ kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu để sử dụng các thiết bị tin học phục vụ cho việc tổ chức thi và chấm thi. Các nhân sự được quy định tại tiêu chí 1, 2 và 3 của tiêu chuẩn này phải là viên chức được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định của pháp luật về viên chức hoặc người lao động đã được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên đang làm việc toàn thời gian tại Đơn vị tổ chức thi.
Tiêu chuẩn 2 về cơ sở vật chất cũng gồm 4 tiêu chí:
Tiêu chí 1: Có đủ phòng thi để tổ chức thi trên máy tính đồng thời cho tối thiểu 100 thí sinh. Phòng thi phải bảo đảm: có đủ ánh sáng, bàn ghế, bảng hoặc màn chiếu; có đồng hồ dùng chung cho tất cả thí sinh theo dõi được thời gian làm bài; hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Tiêu chí 2: Có cổng từ hoặc máy quét cầm tay để rà soát vật dụng và trang thiết bị thí sinh được mang vào phòng thi.
Tiêu chí 3: Có hệ thống máy tính gồm máy chủ, các máy tính cho thí sinh dự thi, thiết bị lưu điện, nguồn điện dự phòng, các thiết bị phụ trợ bảo đảm đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật để tổ chức thi trên máy vi tính cho ít nhất 100 thí sinh trong một lượt thi; phải có thiết bị/giải pháp để bảo đảm an ninh an toàn cho hệ thống mạng và đề thi (trong trường hợp vận chuyển đề thi qua hệ thống mạng internet). Máy vi tính trong phòng thi được bố trí với cự ly phù hợp hoặc được ngăn cách bằng các vách ngăn bảo đảm các thí sinh không nhìn thấy nội dung trên 3 màn hình máy vi tính của thí sinh khác.
Tiêu chí 4: Phòng thi và phòng chấm thi, khu vực đặt máy chủ chứa dữ liệu tổ chức thi phải có hệ thống camera giám sát ghi hình được toàn bộ diễn biến của quá trình tổ chức thi. Màn hình theo dõi hệ thống camera được đặt tại phòng trực thi.
Tiêu chuẩn 3 về phần mềm tổ chức thi, gồm 3 tiêu chí:
Tiêu chí 1: Có giao diện thân thiện, dễ cài đặt, sử dụng; có khả năng ngắt kết nối với các ứng dụng và thiết bị bên ngoài không liên quan đến nội dung thi.
Tiêu chí 2: Cho phép thí sinh tự đăng nhập vào phần mềm để làm bài thi bằng tài khoản thi cá nhân.
Tiêu chí 3: Có các chức năng: chụp ảnh thí sinh và đưa vào dữ liệu thi; đồng hồ đếm ngược; xem trước câu hỏi tiếp theo, thống kê câu hỏi đã trả lời; tự động chấm điểm bài thi trắc nghiệm; tự động đăng xuất và lưu trữ bài làm, kết quả thi của thí sinh khi hết thời gian làm bài; có chức năng để phục vụ chấm thi kỹ năng nói và viết; có chức năng sao lưu dữ liệu.
Tiêu chuẩn 4 về trang thông tin điện tử phục vụ công tác tổ chức thi, gồm 3 tiêu chí:
Tiêu chí 1: Cung cấp thông tin về định dạng đề thi, đề minh hoạ, thông báo lịch thi, công bố danh sách thí sinh vi phạm quy chế thi và bị cấm thi; công bố quy định, quy trình tổ chức thi.
Tiêu chí 2: Có chức năng để thí sinh đăng ký dự thi, tra cứu kết quả thi.
Tiêu chí 3: Có chức năng để hỗ trợ các đơn vị sử dụng chứng chỉ trong việc tra cứu và xác minh kết quả thi, chứng chỉ thi của thí sinh. Chức năng tra cứu phải cung cấp được các thông tin sau: Họ và tên thí sinh, ngày sinh, số căn cước công dân, ảnh chụp thí sinh khi dự thi, ngày thi, kết quả thi, số hiệu chứng chỉ, bậc đạt được.
Tiêu chuẩn 5 về đề thi, ngân hàng câu hỏi thi, gồm 4 tiêu chí:
Tiêu chí 1: Đề thi phải bảo đảm chính xác, khoa học, chặt chẽ, rõ ràng; theo đúng cấu trúc định dạng đề thi đánh giá năng lực ngoại ngữ được Bộ GD&ĐT ban hành và được xây dựng dựa trên trích xuất ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa; trong cùng một đợt thi, mỗi thí sinh một mã đề.
Tiêu chí 2: Giữa 2 lần thi liên tiếp, nội dung phần đọc và nghe không trùng nhau quá 25%; phần thi nói và phần viết không trùng nhau.
Tiêu chí 3: Ngân hàng câu hỏi thi được xây dựng theo quy trình tại phụ lục I của Thông tư này và phải bảo đảm có đủ số lượng câu hỏi để tạo ra tối thiểu 70 đề thi. Các câu hỏi đã sử dụng để tổ chức thi chỉ được xem xét dùng lại sau tối thiểu 2 năm.
Tiêu chí 4: Ngân hàng đề thi mỗi năm bổ sung tối thiểu 10% đề thi so với quy định tối thiểu về đề thi ở tiêu chí 5.3. Các đơn vị tổ chức thi có thể dùng chung ngân hàng câu hỏi thi, đề thi để tổ chức thi.