Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:06
RSS

Giảm áp lực cho giáo viên

Thứ tư, 27/11/2024, 16:07 (GMT+7)

Có ý kiến đề xuất cần tránh việc thu nhập của GV lại phụ thuộc vào việc người ấy có tham gia vào nhiều công việc ngoài chuyên môn hay không...

Ảnh minh họa ITN.

Trong một chia sẻ với báo giới gần đây về thu nhập nhà giáo, TS Nguyễn Quốc Việt - giảng viên chính bộ môn Chính sách công, Trường ĐH Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã lưu ý: Cần tránh việc thu nhập của giáo viên lại phụ thuộc vào việc người ấy có tham gia vào nhiều công việc ngoài chuyên môn hay không.

“Hiện nay, kể cả giáo viên phổ thông cũng như giảng viên đại học, cao đẳng tôi thấy nhiều lời phàn nàn về việc phải làm những công việc và chịu những áp lực ngoài chuyên môn như các cuộc thi mang tính hình thức, phong trào để cạnh tranh về thành tích của nhà trường…”, TS Nguyễn Quốc Việt cho biết.

Chia sẻ của TS Nguyễn Quốc Việt là một thực tế có thật. Mặc dù, Bộ GD&ĐT đã nỗ lực giảm áp lực ngoài chuyên môn cho giáo viên như giảm hồ sơ sổ sách, các cuộc thi trong nhà trường… nhưng tại không ít cơ sở giáo dục nhiều nhà giáo vẫn phải kiêm thêm các nhiệm vụ ngoài lề như thu tiền người học, đôn đốc tuyển sinh, tham gia hoạt động phong trào, cuộc thi trong và ngoài ngành… Thậm chí để thầy cô được tăng thu nhập, nhiều trường còn đẩy mạnh tiết kiệm chi, giáo viên kiêm luôn việc bảo mẫu, tham gia hỗ trợ các lớp dịch vụ, bán trú…

Những công việc ngoài chuyên môn đã tác động không nhỏ đến điểm thi đua, tháng, quý, năm của thầy cô và gián tiếp tác động đến thu nhập nhà giáo. Chẳng hạn, để đạt được thang điểm tốt (từ 70 điểm trở lên) hay xuất sắc (từ 90 điểm trở lên) theo bảng đánh giá hiệu quả công tác theo quý (để làm căn cứ chi trả thu nhập tăng thêm cho giáo viên) của một trường công lập tại TPHCM, thầy cô phải tham gia đầy đủ các hoạt động ngoài chuyên môn, sót mục nào là trừ điểm mục đó.

Nếu chỉ đơn giản lo việc chuyên môn, bỏ qua các hoạt động này, dù dạy giỏi đến đâu giáo viên cũng khó đạt xuất sắc, khó được hưởng thu nhập tăng thêm ở mức cao nhất. Dù không muốn tham gia hoạt động ngoài chuyên môn, nhiều thầy cô vẫn phải cố, để rồi giảm đi niềm đam mê với nghề, mất đi động lực và thời gian dành cho công việc giảng dạy.

Không phải ngẫu nhiên mà trong phiên họp hội đồng quản trị SEAMEO (Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á) lần thứ 27 tại TPHCM mới đây, nhiều đại biểu đến từ các quốc gia khá tâm đắc với chia sẻ của PGS Phonraphee Thummaphan - Phó Tổng thư ký văn phòng thư ký Hội đồng Nhà giáo Thái Lan (Bộ Giáo dục Thái Lan).

Vị này cho biết ở những trường học hạnh phúc điển hình tại Thái Lan, một trong nhiều điểm chung là giáo viên được “giải phóng” khỏi các công việc ngoài chuyên môn như hành chính, tổ chức, sổ sách, hồ sơ…

Giáo viên không còn bắt buộc phải tham gia những chương trình tự đánh giá hoặc cuộc thi không cần thiết. Từ đó, thầy cô có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, tìm hiểu các phương pháp giảng dạy mới và nâng cao kiến thức chuyên môn. “Thầy cô hạnh phúc, học sinh sẽ hạnh phúc”, PGS Phonraphee Thummaphan chia sẻ.

Triển khai Chương trình GDPT 2018, giáo viên đối diện với nhiều kiến thức, phương pháp giảng dạy, cách thức tiếp cận môn học mới, trong khi học sinh thông minh, hiểu biết nhiều hơn ngày xưa. Việc dành thời gian đầu tư cho công tác chuyên môn nhiều hơn, sâu hơn để đáp ứng kỳ vọng về chất lượng từ học sinh, phụ huynh và xã hội là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi nhà giáo. Vì thế, thầy cô cần được giảm bớt công việc ngoài chuyên môn và không để nhóm công việc này ảnh hưởng đến thu nhập và thi đua.

Dự án Luật Nhà giáo đang được Quốc hội bàn thảo đưa ra chính sách tiền lương và đãi ngộ theo hướng nhà giáo được hưởng mức lương cao nhất trong bảng lương. Có đại biểu Quốc hội còn đề xuất quy đổi thêm thời gian một số hoạt động chuyên môn của giáo viên như chấm thi, soạn bài sang tiết dạy trong tháng, trong năm…

Nếu những đề xuất này được xem xét thông qua, chắc chắn thầy cô sẽ được hưởng thu nhập trọn vẹn, tốt hơn bằng chính năng lực nghề nghiệp của mình, không phải áp lực vì những công việc ngoài chuyên môn.


Theo Giáo dục & Thời đại