Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:47
RSS

Vào lớp 1 trở thành "cuộc chiến", thi khó, tỷ lệ chọi cao

Thứ hai, 25/11/2024, 07:44 (GMT+7)

Giáo viên tiểu học cho biết nhu cầu cho con thi vào lớp 1 trường "hot" ngày càng cao, kéo theo đó là áp lực để trẻ trúng tuyển vào các trường này cũng tăng đáng kể.

Nhiều gia đình sẵn sàng chi tiền cho con luyện thi để vào lớp 1. Ảnh: Pexels.

Phỏng vấn, khảo sát năng lực ngôn ngữ, tư duy, thi năng khiếu…, đây là những bài thi mà trẻ cần phải trải qua để giành suất vào các trường tư thục “hot” ở Hà Nội

Dù chưa hết năm 2024, loạt trường tư ở Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh cho năm học 2025-2026. Theo đó, trẻ sẽ phải thực hiện các bài kiểm tra, đánh giá do nhà trường đặt ra và đạt đủ điều kiện mới trúng tuyển.

Ví dụ, trẻ muốn vào lớp 1 trường Tiểu học Lý Thái Tổ cần tham gia câu lạc bộ Hành trang vào lớp 1 để nhà trường đánh giá năng lực tư duy, khả năng nhận thức. Hay tại Hệ thống trường liên cấp Newton, nhà trường yêu cầu thí sinh phải vượt qua bài phỏng vấn của trường mới giành được suất học.

Thi vào lớp 1 không còn là chuyện hiếm

Trao đổi với Tri Thức - Znews về việc các trường tư tuyển sinh lớp 1, kéo theo đó là hiện tượng cha mẹ đổ xô cho con đi học, luyện thi, cô Lê Thảo, giáo viên tiểu học tại Hà Nội, nói rằng thực tế, chuyện trẻ thi vào lớp 1 không phải hiếm, ngược lại đã trở thành xu hướng trong nhiều năm gần đây. Theo từng năm, số hồ sơ đăng ký thi vào lớp 1 lại tăng nhiều hơn.

Là giáo viên tiểu học và có kinh nghiệm phụ trách lớp 1, cô Thảo cũng từng được nhiều phụ huynh hỏi thăm về việc dạy tiền tiểu học và ôn thi vào lớp 1 cho con. Thậm chí, một phụ huynh từng đề nghị trả mức thù lao khá cao cho cô Thảo để gửi con ôn thi, nhưng cô giáo từ chối.

Đối với cô Thảo, dạy trẻ ôn thi vào lớp 1 là thử thách rất lớn, khó hơn nhiều so với việc dạy tiền tiểu học đơn thuần. Các lớp tiền tiểu học dạy trẻ cách đọc, viết, cách dùng bút, sắp xếp đồ dùng, sách vở…, nhưng ôn thi vào lớp 1 lại là phiên bản “nâng cấp” hơn. Các cô giáo sẽ phải dạy thêm tiếng Anh, hướng dẫn các con cách đi đứng, trả lời các câu hỏi và giúp con có kỹ năng nhận biết, thông hiểu về một số sự vật, hiện tượng quen thuộc trong cuộc sống.

“Ôn thi cho trẻ vào lớp 1 ở các trường ‘hot’ khó lắm. Tôi không phải người chuyên luyện thi cho các con nên không dám nhận lớp. Phụ huynh kỳ vọng nhiều, tôi cũng không muốn để họ thất vọng”, cô Thảo nói với Tri Thức - Znews.

Tương tự, cô P.A., giáo viên tiểu học tại Hà Nội, cũng nói rằng việc cho con luyện thi vào lớp 1 ngày càng phổ biến hơn trước. Là người mở lớp dạy tiền tiểu học và luyện thi lớp 1, mỗi năm cô A. chỉ nhận khoảng 6 học sinh để đảm bảo chất lượng ôn tập cho trẻ, dù nhu cầu gửi con của phụ huynh cao hơn con số này rất nhiều lần.

Nói thêm về việc luyện thi cho trẻ, cô A. cho biết trẻ tham gia lớp của cô thường ở độ tuổi 4-5, một số con đã được bố mẹ dạy chữ trước nên chủ động hơn, nhưng một số con hoàn toàn là “tờ giấy trắng”, cô phải uốn nắn rất nhiều.

Tuy nhiên, thử thách khó nhất với cô A. không phải dạy chữ, dạy toán cho trẻ, mà là việc dạy các kỹ năng xã hội để con tham gia thi tại các trường. Dạy kỹ năng cần sự đồng hành lâu dài vì nếu chỉ dạy trong thời gian ngắn, các con có thể học trước quên sau.

“Một số trường còn đánh giá trẻ có nói ngọng hay không. Việc uốn nắn trẻ về cách nói chuyện, phản xạ với các câu hỏi cũng là một thử thách lớn. Tôi nghĩ đó cũng là một phần lý do các gia đình gửi con cho giáo viên dạy thêm”, cô P.A. chia sẻ.

Nhiều trường đánh giá trẻ về khả năng nói, kỹ năng xã hội để tuyển sinh lớp 1. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Cuộc chiến vào lớp 1 đang ngày càng căng thẳng?

Đánh giá về tình hình thi tuyển lớp 1 của các trường hiện nay, cô Lê Thảo nói rằng cuộc đua vào lớp 1 của trẻ ngày càng căng thẳng vì nhiều lý do.

Thứ nhất, do cuộc sống ngày càng phát triển, các gia đình có điều kiện nên muốn đầu tư cho con học nhiều hơn. Cô Thảo nói rằng nhiều gia đình có quan niệm cha mẹ ngày xưa đi học không được đủ đầy, nên bây giờ muốn dành hết những điều tốt đẹp nhất cho con.

Thứ hai, nhiều gia đình đã có định hướng, vạch sẵn con đường cho con từ nhỏ nên họ xác định phải đầu tư cho con học trường xịn ngay từ mẫu giáo, tiểu học. Với những gia đình muốn con du học, họ sẵn sàng cho con rèn luyện ngay từ nhỏ để làm quen với các kỳ thi, nâng cao kỹ năng, kiến thức để làm tiền đề cho việc du học sau này.

Thứ ba, các gia đình cũng có quan niệm rằng “môi trường học tốt sẽ giúp con tốt lên”. Vì thế, họ sẵn sàng đầu tư để con thi vào “trường chuyên, lớp chọn”. Khi con được học, rèn giũa trong môi trường toàn học sinh xuất sắc, họ tin con cũng sẽ trở nên xuất sắc và tiến bộ như các bạn.

Thứ tư, cô Thảo nói rằng việc thi vào lớp 1 cạnh tranh hơn ở các thành phố lớn do đông dân, số lượng trẻ đông nhưng suất học lại ít. Cô giáo lấy ví dụ chỉ tiêu các trường công thông thường là 45-50 em/lớp, nhưng các trường tư thục - nơi tổ chức thi tuyển, chỉ dao động ở mức 30-35 em/lớp và toàn trường chỉ lấy khoảng 10 lớp.

Như vậy, xét về tỷ lệ chọi, các trường tư thục hot sẽ phải chọi gay gắt hơn, khiến cuộc đua vào lớp 1 cũng căng thẳng hơn.

Ngoài ra, cô Thảo cũng đề cập đến một lý do khác là “tâm lý fomo” của một số gia đình. Cô giáo nói rằng các phụ huynh đôi khi có nỗi sợ bị bỏ lỡ, nên khi thấy con của gia đình khác luyện thi vào lớp 1, họ cũng cho con làm điều tương tự “cho bằng bạn bằng bè”.

“Nhìn chung, tôi thấy việc cho con thi vào lớp 1 không phải chuyện xấu, ngược lại có thể giúp con hình thành một số kỹ năng học tập và kỹ năng xã hội cần thiết. Dù vậy, các cha mẹ cũng cần lưu ý phải vạch kế hoạch rõ ràng, cho con luyện thi vừa sức và không được gây áp lực để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của con”, cô Thảo nhấn mạnh.

Thái An
Theo Dân Việt