Chủ nhật, 08/12/2024 | 17:21
RSS

Tập trung nguồn lực dạy học tiếng dân tộc

Thứ năm, 28/11/2024, 07:38 (GMT+7)

Tập trung nguồn lực dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông đang được các địa phương nỗ lực thực hiện.

Giờ dạy học tiếng Khmer tại huyện An Biên (Kiên Giang). Ảnh: Q. Ngữ.

Đảm bảo nhân lực, vật lực

Tỉnh Kiên Giang có sự đa dạng về ngôn ngữ tương ứng với các dân tộc sinh sống tại địa phương. Ngôn ngữ chính là tiếng Việt, được sử dụng phổ biến trong giao tiếp hàng ngày và trong hệ thống giáo dục. Ngôn ngữ Khmer được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng người Khmer, đặc biệt là trong các hoạt động tôn giáo và văn hóa truyền thống.

Tiếng Khmer đã có chữ viết từ lâu và được cơ quan chức năng phê chuẩn để sử dụng trong hệ thống giáo dục và đời sống cộng đồng. Ngôn ngữ Hoa được sử dụng trong cộng đồng người Hoa.

Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Kiên Giang có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú (PT DTNT); trong đó 1 trường PT DTNT THPT có 12 lớp, với tổng số 419 học sinh, 5 trường PT DTNT THCS có 40 lớp (8 lớp/1 trường), với tổng số 1.360 học sinh.

Thời gian qua, Sở GD&ĐT Kiên Giang luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát nâng cao chất lượng, đảm bảo số lượng đội ngũ CBQL, giáo viên trong các cơ sở giáo dục. Đặc biệt đảm bảo số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện đối với đội ngũ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.

Về số lượng, cơ cấu công chức, viên chức người dân tộc thiểu số (DTTS) đến thời điểm hiện tại của ngành Giáo dục tỉnh Kiên Giang là 287 người, chiếm 8,84%, tăng 4,74% so với giai đoạn trước ngày 31/12/2020.

Về cơ cấu, tỷ lệ % theo từng thành phần dân tộc: Dân tộc Khmer 215/3.247 người, chiếm 6,62%; dân tộc Tày 04/3.247 người, chiếm 0,12%; dân tộc Hoa 64/3.247 người, chiếm 1,97%; dân tộc Mường 02/3.247 người, chiếm 0,06%; dân tộc Thổ 01/3.247 người, chiếm 0,03%; dân tộc Sán Chay 01/3.247 người, chiếm 0,03%; dân tộc Kinh 2.957/3.247 người, chiếm 91,06%.

Giờ học tiếng Khmer của HS huyện An Biên (Kiên Giang). Ảnh: Q. Ngữ.

Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục

Hiện nay, Sở GD&ĐT Kiên Giang chỉ đạo các địa phương có đông học sinh DTTS tiếp tục thực hiện theo bộ sách giáo khoa Tiếng Dân tộc Khmer do Bộ GD&ĐT xuất bản, nội dung gồm 4 quyển (quyển 1, 2, 3, 4 dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5). Trường phổ thông DTNT huyện dạy tiếng Khmer cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 8, mỗi tuần 3 tiết; trường phổ thông DTNT tỉnh dạy cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, mỗi tuần dạy 3 tiết; phần lớn giáo viên dạy tiếng dân tộc tại các trường PTDTNT hiện nay là giáo viên hợp đồng thỉnh giảng hoặc giáo viên kiêm nhiệm.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Kiên Giang, hoạt động giáo dục dân tộc của các trường thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế chuyên môn. Tổ chức các hoạt động giảng dạy, công tác đổi mới phương pháp trong giảng dạy được chú trọng hơn, hiệu quả hơn.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin cho việc soạn giảng, phần mềm quản lí được ứng dụng tốt góp phần tích cực cho việc đổi mới quản lí và nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc.

Cơ sở vật chất được tu sửa, trang thiết bị dạy học được bổ sung hỗ trợ rất lớn cho hoạt động dạy học. Thực hiện tốt, kịp thời, đầy đủ các chính sách cho cán bộ, giáo viên và học sinh dân tộc.

Một số địa phương trong tỉnh Kiên Giang đã chủ động rà soát đối tượng, xây dựng kế hoạch huy động người dân ra lớp xóa mù chữ đảm bảo đạt mục tiêu, chỉ tiêu do Ban chỉ đạo tỉnh giao. Tuy nhiên, do dân cư phân tán, điều kiện đi lại ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo còn khó khăn nên nhiều địa phương chưa huy động được người mù chữ ra lớp mặc dù các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động.

Theo Sở GD&ĐT Kiên Giang, bên cạnh thuận lợi, tỉnh còn một số khó khăn trong giáo dục dân tộc. Đơn cử như tình hình chung về công tác quản lý việc dạy và học chữ Khmer còn gặp nhiều khó khăn đối với các Phòng GDĐT và các trường do không có cán bộ là người dân tộc, biết tiếng nói và chữ viết dân tộc.

Đa số giáo viên dạy tiếng dân tộc chưa có bằng tốt nghiệp chuyên môn về tiếng dân tộc, chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm, môn tiếng Khmer là môn tự chọn không đánh giá nên không thu hút được học sinh tham gia học.

Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Kiên Giang có 6 đơn vị huyện, thành phố tổ chức dạy tiếng dân tộc thiểu số, có 21 trường giảng dạy tiếng dân tộc (15 trường cấp tiểu học, 5 trường cấp Trung học cơ sở và 1 trường cấp Trung học phổ thông).

Quốc Ngữ
Theo Giáo dục & Thời đại