Thứ sáu, 06/12/2024 | 11:00
RSS

Tháo gỡ điểm nghẽn trong giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh

Thứ sáu, 06/12/2024, 11:00 (GMT+7)

Công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh cần phải làm tốt hơn để không lãng phí nguồn nhân lực của đất nước.

Quang cảnh phiên họp.

Nâng cao nhận thức về công tác hướng nghiệp, phân luồng

Ngày 5/12, Tiểu ban giáo dục phổ thông, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức phiên họp với chuyên đề: Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh trong các cơ sở giáo dục trung học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, trưởng Tiểu ban chủ trì phiên họp. Cùng dự có các thành viên Tiểu ban Giáo dục phổ thông, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, đại diện một số bộ, ngành, Sở GD&ĐT cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Hướng nghiệp và định hướng phân luồng là một vấn đề lớn. Trong quá trình thực hiện đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên còn có một số điểm nghẽn. Thời gian tới, công tác này cần phải làm tốt hơn để không lãng phí nguồn nhân lực của đất nước.

Định hướng phiên họp, thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung các nội dung: Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong thực hiện chương trình GDPT 2018, thách thức, giải pháp trong thời gian tới; các giải pháp để nâng cao nhận thức về công tác hướng nghiệp, phân luồng; các yếu tố về con người trong giáo dục hướng nghiệp định hướng phân luồng.

Báo cáo tại phiên họp, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết: Ngày 14/5/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” (Đề án 522).

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu định hướng phiên họp.

Đề án nhấn mạnh việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục hướng nghiệp, gắn kết với thực tiễn sản xuất và nhu cầu xã hội, đồng thời thúc đẩy các biện pháp phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào giáo dục nghề nghiệp.

Triển khai Đề án 522, việc thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp tại các trường THCS và THPT đã đạt được nhiều kết quả, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác đổi mới giáo dục phổ thông theo định hướng nghề nghiệp.

Cụ thể, ở cấp THCS, tỷ lệ các trường tổ chức chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn liền với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của địa phương đạt 68,52%. Ở cấp THPT có 75,93% các trường thực hiện. Tỷ lệ trường có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp cấp THCS đạt 74,07%, cấp THPT đạt 77,78%, vượt chỉ tiêu đề ra.

Các hoạt động tuyên truyền và định hướng nghề nghiệp đã được tổ chức rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh và xã hội về tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh.

Một điểm nổi bật trong thời gian qua là việc tích hợp giáo dục STEM vào các môn học, giúp học sinh sớm nhận thức và định hướng nghề nghiệp thông qua các hoạt động thực hành khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học. Việc này đã giúp nâng cao tính ứng dụng và khả năng thích nghi của học sinh với các lĩnh vực công việc trong tương lai.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thảo luận tại phiên họp.

Đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn

Tại phiên họp, các thành viên Tiểu ban Giáo dục phổ thông, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các sở, ngành đã thảo luận, trao đổi ý kiến, đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh.

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, chuyên gia đến từ Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên, cho rằng, thời gian qua, công tác hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh đã được thực hiện linh hoạt, lồng ghép chủ động trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Trong đó, hướng nghiệp được thực hiện thông qua giảng dạy các môn văn hóa, thông qua hoạt động trải nghiệm, tổ chức học tập thông qua các dự án học tập, cuộc thi khởi nghiệp, khoa học kỹ thuật, ngày hội STEM.

Phương pháp giáo dục hướng nghiệp được thực hiện theo hướng tạo môi trường học tập, thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân. Thực hiện phương châm giáo dục phân hóa, đảm bảo học sinh được tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn đào tạo nhân lực chất lượng.

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền đề xuất cần cải tiến khung pháp lý về giáo dục phân luồng, xây dựng chính sách hỗ trợ học sinh, cải tiến chương trình đào tạo sau trung học phổ thông, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp, theo dõi và đánh giá hiệu quả phân luồng học sinh trung học phổ thông. Cùng với đó cơ chế giám sát, đánh giá nâng cao hiệu quả chương trình.

Chuyên gia Hoàng Ngọc Vinh nêu ý kiến tại phiên họp.

Nhận định một trong những nguyên nhân chính khiến công tác phân luồng, định hướng phân luồng trong các nhà trường còn gặp khó khăn nằm ở chính sách và nguồn lực, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, hiện còn nhiều hạn chế về đầu tư tài chính, con người và công cụ thực hiện.

Đội ngũ làm công tác hướng nghiệp phần lớn là nghiệp dư, thiếu kỹ năng chuyên sâu. Vì vậy, giải pháp cấp bách nhất là cần có sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đưa ra những chính sách tài chính cụ thể, hỗ trợ giáo dục hướng nghiệp và phân luồng thay vì chỉ phụ thuộc vào ngân sách địa phương.

Nêu vai trò của các chính sách vĩ mô về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, cần phải thay đổi nhận thức của xã hội về việc học nghề. Hướng đào tạo nghề phải đáp ứng nhu cầu của xã hội và đảm bảo công bằng. Như vậy mới thay đổi được nhận thức, thuyết phục được xã hội.

Với quan điểm công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng phải bắt đầu từ nhu cầu của học sinh, TS Nguyễn Thị Thu Anh, chuyên gia đến từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, muốn học sinh có nhu cầu, sở thích hướng nghiệp thì cần 100% giáo viên ở các trường học phải có nhận thức đầy đủ về công tác này. Điều này cũng phù hợp với định hướng, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng trong quá trình triển khai đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025", vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại liên quan đến thiếu sự đồng bộ giữa các vùng miền, hạn chế về tài liệu, công cụ hỗ trợ, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thực hiện, kinh phí triển khai, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, sự quan tâm, nhận thức của toàn xã hội.

Lan Anh
Theo Giáo dục & Thời đại