Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:02
RSS

Thi đánh giá năng lực, tư duy năm 2025: 'Nháo nhác' tìm lớp ôn luyện

Thứ bảy, 14/12/2024, 15:41 (GMT+7)

Nhiều phụ huynh, học sinh “nháo nhác” tìm các lớp ôn thi đánh giá năng lực, tư duy chuẩn bị cho mùa tuyển sinh đại học 2025.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội tháng 12/2023. Ảnh: HUST

Loay hoay tìm thầy

Xác định tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội để gia tăng cơ hội trúng tuyển đại học, Nguyễn Đức Kiên - học sinh lớp 12, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội) đang gấp rút tìm lớp để ôn thi. Nam sinh cho hay, ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố đề thi tham khảo bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT năm 2025. Đề tham khảo được thiết kế theo Chương trình GDPT 2018 nên có nhiều điểm mới.

“Có một số nội dung kiến thức em chưa nắm chắc nên muốn tìm thầy, lớp ôn thi”, Đức Kiên bộc bạch và dự kiến sẽ đăng ký dự thi đợt tháng 3 hoặc tháng 4/2025; sau đó dành thời gian để ôn thi tốt nghiệp THPT. Hiện Kiên tham khảo một số trung tâm luyện thi online nhưng chưa chọn được chỗ học tin cậy. Do vậy, trước mắt, nam sinh ôn thi của một số thầy, cô giáo do các anh/chị khóa trước mách bảo.

Hơn một tuần nay, chị Trần Thị Thu Hảo (Tiên Lữ, Hưng Yên) “nháo nhác” tìm lớp ôn thi đánh giá tư duy, năng lực cho con. Ngoài học hỏi kinh nghiệm của các phụ huynh có con học khóa trước, chị vào một số trang, hội nhóm trên mạng xã hội để tham khảo. Chị quả quyết, bằng mọi giá sẽ phải tìm được thầy, lớp cho con trong tháng 11 hoặc đầu tháng 12, vì một số đợt thi đã cận kề. Chẳng hạn, với Kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, ngày mở đăng ký là 1 - 6/12/2024, ngày thi là 18 - 19/1/2025.

Nhận thấy, nhiều trung tâm trên mạng cam kết đỗ 100% và chi phí ôn thi ở mỗi trung tâm có chênh lệch lớn nên chị Hảo chưa “chốt”. “Trước mắt, tôi sẽ cho con học trên TP Hưng Yên. Sau đó, vừa học, vừa tìm kiếm trung tâm, giáo viên uy tín để con học online”, chị Hảo bộc bạch và cho biết, hầu hết phụ huynh ở lớp của con chị đang “tăng tốc” tìm lớp ôn thi cho con để chuẩn bị hồ sơ xét tuyển đại học năm 2025.

Thí sinh tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024 của ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU Media

Đâu là nơi luyện thi tin cậy nhất?

Về Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí cho hay, bài thi đánh giá năng lực triển khai phiên bản mới từ năm 2021 trở lại đây. Tuy nhiên, phụ huynh, học sinh luôn có tâm lý: Phải ôn thi, vào “lò luyện” mới yên tâm. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều nhóm luyện thi lôi kéo học sinh ôn luyện theo theo kiểu “2 trong 1” - vừa ôn thi đánh giá năng lực, vừa ôn thi tốt nghiệp.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực cốt lõi cần thiết của học sinh THPT đạt được theo chương trình GDPT và phù hợp với tiêu chuẩn, xu hướng đánh giá năng lực trên thế giới Bài thi được thiết kế nhóm chính: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; năng lực Toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luân, logic, tính toán và xử lý số liệu; tự học và khám phá và ứng dụng khoa học (tự nhiên - xã hội)/công nghệ.

Bài thi gồm 3 phần tư duy định tính (60 phút), tư duy định lượng (75 phút), khoa học (60 phút). Độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ cấp độ 1 đến 3 và được phần định theo tỷ lê: Cấp độ 1: 20%, cấp độ 2: 60%, cấp độ 3: 20%.

Vì thế, bài thi đánh giá năng lực không đơn giản là kiến thức một lĩnh vực hay một dạng nào đó, mà đòi hỏi học sinh nắm chắc kiến thức, kỹ năng phân tích tổng hợp, tư duy hệ thống, hiểu bản chất sự việc. “Những thứ đó không trung tâm nào có thể cung cấp cho thí sinh trong thời gian ngắn, mà đòi hỏi quá trình tích lũy từ khi ngồi trên ghế nhà trường”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh.

Vì thế, lời khuyên của Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội với thí sinh là cần học tập nghiêm túc, chăm chỉ trong từng bài học, giờ kiểm tra và làm quen với đề thi tham khảo của kỳ thi đánh giá năng lực. Trung tâm luyện thi đáng tin cậy nhất chính là các trường THPT. Nếu các em học tốt toàn bộ chương trình THPT thì sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc luyện thi lan man tại các trung tâm.

Để hỗ trợ thí sinh trong việc ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết, ĐH Quốc gia Hà Nội đang phối hợp với các chuyên gia và nhà xuất bản phát hành cuốn tài liệu hướng dẫn ôn tập kỳ thi đánh giá năng lực.

“Chúng tôi sẽ sớm phát hành phục vụ thí sinh tham khảo, xây dựng kế hoạch ôn tập thực chất, hiệu quả”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo thông tin, đồng thời cho biết, cẩm nang này chỉ có tính chất định hướng các yêu cầu, dạng thức cơ bản. Kết quả kỳ thi phụ thuộc phần lớn vào năng lực hình thành và tích lũy trong quá trình học tập chương trình GDPT của học sinh.

Để giúp thí sinh hiểu hơn về cấu trúc và nội dung Bài thi đánh giá tư duy, đồng thời làm quen với các dạng câu hỏi, hướng dẫn ôn tập, phương pháp làm bài, phân tích ví dụ minh họa, ĐH Bách khoa Hà Nội biên soạn và phát hành cuốn “Cẩm nang thi Đánh giá tư duy TSA”.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, ở mỗi phần thi, cuốn Cẩm nang trình bày tóm lược kiến thức nền tảng liên quan, giới thiệu đề thi minh họa có phân tích hướng dẫn giải, ôn tập theo chủ đề và một số đề ôn luyện thêm, kèm đáp án. Cuối cùng là nội dung hướng dẫn sử dụng phần mềm thi, đặc biệt đi kèm sách là 2 mã dự thi để thí sinh có thể trải nghiệm thi thử trực tiếp trên hệ thống.

Kết quả của 2 bài thi thử sẽ là cơ sở quan trọng để thí sinh tự đánh giá năng lực tư duy hiện tại của bản thân, từ đó có được kế hoạch học tập và lộ trình tham gia kỳ thi một cách phù hợp nhất. Cuốn Cẩm nang chính thức có mặt tại Nhà xuất bản Bách Khoa tháng 11/2024.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho hay, từ năm 2025, đề thi đánh giá năng lực bổ sung câu hỏi chùm trong các phần thi, chủ đề thi. Câu hỏi chùm gồm đầu bài chung và các câu hỏi riêng phát triển đánh giá năng lực thí sinh từ cấp độ thấp đến cao. Câu hỏi chùm sẽ khai thác nguồn dữ kiện phong phú, đánh giá tư duy học sinh theo từng lĩnh vực và xuyên lĩnh vực.

Minh Phong
Theo Giáo dục & Thời đại