Thứ bảy, 18/01/2025 | 08:39
RSS

Kiểm tra học kỳ I: Tiếp cận với đổi mới

Thứ sáu, 13/12/2024, 16:28 (GMT+7)

Từ công tác ra đề đến tổ chức kiểm tra học kỳ, đặc biệt với khối lớp 12, các trường THPT đều quan tâm tiếp cận Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025,

Học sinh Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội). Ảnh minh họa: INT

Chú trọng chất lượng đề kiểm tra

Thời điểm này, Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Vĩnh Long) thực hiện khâu ôn tập, chuẩn bị cho kiểm tra cuối học kỳ I theo hướng dẫn của sở GD&ĐT từ 16/12 tới. Theo thầy Hiệu trưởng Trần Quang Huy, đề kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ áp dụng hoàn toàn theo cấu trúc định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 do Bộ GD&ĐT công bố; với kiểm tra thường xuyên thì khuyến khích áp dụng để học sinh rèn kỹ năng. Nhà trường đồng thời chỉ đạo giáo viên cập nhật hệ thống câu hỏi, bài tập đủ các dạng thức theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 sử dụng trong dạy học, ôn tập.

“Trường quan tâm công tác tổ chức kiểm tra, bảo đảm chặt chẽ từ khâu tổ chức, ra đề, phản biện đề, sao in, bảo mật theo đúng quy trình sở GD&ĐT hướng dẫn. Về chấm kiểm tra, các môn trắc nghiệm sử dụng phần mềm, xuất kết quả và thống kê chất lượng bảo đảm khách quan. Môn tự luận thực hiện cắt phách và chấm 2 vòng độc lập theo quy trình. Sau kiểm tra, các môn công bố điểm, sửa bài rút kinh nghiệm, lưu ý các lỗi sai sót của học sinh” - chia sẻ điều này, thầy Trần Quang Huy cho biết nhà trường cũng chú trọng xây dựng các đề ôn tập giúp học sinh tiếp cận, làm quen với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Cụ thể, các tổ bộ môn được chỉ đạo xây dựng ngân hàng đề thi, nội dung bám sát đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, mỗi môn ít nhất 5 đề.

Tại Bắc Giang, các trường THPT tổ chức kiểm tra cuối học kỳ I năm học 2024 - 2025 trong các ngày 24, 27, 28/12. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bạch Đăng Khoa cho biết, sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị tổ chức và chỉ đạo kiểm tra cuối học kỳ I nghiêm túc, đánh giá kết quả học tập của học sinh chính xác, công bằng, trung thực, khách quan.

Đánh giá, xếp loại kết quả rèn luyện, học tập của học sinh, học viên học kỳ I phải bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT. Đặc biệt, cần tổ chức xây dựng đề kiểm tra đảm bảo tính khoa học, chính xác, chặt chẽ, phù hợp với chương trình dạy học, thời gian quy định kiểm tra của môn/hoạt động giáo dục Với khối lớp 12, nội dung, hình thức kiểm tra tiếp cận đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2025 của Bộ GD&ĐT; đối với học sinh khối lớp 9 tiếp cận với hình thức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

Với việc tổ chức coi kiểm tra, chấm bài, yêu cầu nghiêm túc được Sở GD&ĐT Bắc Giang nhấn mạnh. Cùng với đó, bài kiểm tra trên giấy phải chấm, chữa cho học sinh kịp thời, có nhận xét đánh giá vào bài kiểm tra; đánh giá kết quả khách quan, thực chất năng lực học tập của học sinh. Trong thời gian kiểm tra cuối học kỳ I, sở GD&ĐT thành lập các tổ giám sát việc thực hiện kế hoạch dạy học, quy chế chuyên môn và công tác tổ chức kiểm tra cuối học kỳ; các đơn vị chuẩn bị hồ sơ liên quan phục vụ tổ kiểm tra.

“Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các nhà trường rà soát tiến độ thực hiện chương trình theo quy định; tổ chức dạy bù nếu chậm chương trình, ôn tập và bổ sung kiến thức cho học sinh đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Nghiêm cấm nhà trường, giáo viên dồn ép hoặc cắt xén chương trình, môn học và hoạt động giáo dục. Các trường thường xuyên tiến hành kiểm tra việc tổ chức dạy và học của giáo viên, học sinh, đảm bảo tất cả được luyện tập, ôn tập và bổ sung kiến thức đầy đủ, phù hợp năng lực”, ông Bạch Đăng Khoa thông tin thêm.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5, TPHCM). Ảnh: INT

Đảm bảo nghiêm túc, công bằng

Tại Bắc Ninh, dự kiến sở GD&ĐT sẽ ra đề, kiểm tra chung cho toàn tỉnh vào cuối tháng 12. Việc ra đề kiểm tra cuối học kỳ I năm học này, đặc biệt khối 12 có sự đổi mới theo hướng bám sát cấu trúc đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của Bộ GD&ĐT.

Thông tin từ thầy Nguyễn Bá Khương - Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Long (Bắc Ninh), ngoài đề kiểm tra học kỳ, nhà trường đã chú trọng xây dựng ngân hàng đề ôn tập và chuyên đề ôn thi tốt nghiệp bám sát cấu trúc đề tham khảo, giúp học sinh tiếp cận, làm quen với đề thi tốt nghiệp THPT đổi mới. Công tác tổ chức kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, mỗi phòng kiểm tra bố trí không quá 24 học sinh. Việc chấm bài trắc nghiệm được thực hiện trên máy, bài tự luận được dọc phách và thống nhất đáp án trước khi chấm.

Tại An Giang, ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, các trường phổ thông trên địa bàn tổ chức kiểm tra cuối kỳ I năm học 2024 - 2025 từ 23/12/2024 đến ngày 5/1/2025. Nội dung kiểm tra chủ yếu nằm trong chương trình học kỳ I, năm học 2024 - 2025, trong đó các câu hỏi vận dụng theo định hướng phát triển năng lực của học sinh và giải quyết vấn đề thực tiễn, xã hội

Riêng với lớp 12, đề kiểm tra các môn có thi tốt nghiệp THPT được yêu cầu tiếp cận hợp lý với hình thức, nội dung so với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT. Riêng môn Tiếng Anh có thể linh hoạt điều chỉnh tỷ lệ điểm các kỹ năng để học sinh vừa tiếp cận với hình thức, nội dung đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, vừa đảm bảo phù hợp với yêu cầu đánh giá theo Chương trình GDPT 2018.

“Sở GD&ĐT đã lưu ý các trường, kiểm tra cuối kỳ I được tổ chức theo hướng linh hoạt, không gây áp lực cho học sinh nhưng đảm bảo nghiêm túc, công bằng, khách quan; đánh giá chính xác chất lượng giáo dục. Đối với học sinh lớp 9, lớp 12 có thể tổ chức theo quy mô 24 học sinh/phòng để các em làm quen với quy định của các kỳ thi cấp tỉnh và Kỳ thi tốt nghiệp THPT; các lớp còn lại tùy theo điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, thủ trưởng đơn vị bố trí phòng kiểm tra sao cho phù hợp.

Nhà trường cần định hướng để giáo viên linh hoạt, đổi mới và sáng tạo trong việc tổ chức ôn tập cho học sinh, tăng cường kiểm tra việc tổ chức ôn tập, tuyệt đối không để giáo viên ôn tập với hình thức học tủ, đoán đề, không ra đề cương có câu hỏi và đáp án cho học sinh”, ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ.

Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 - 2025, Bộ GD&ĐT lưu ý các sở GD&ĐT thực hiện hiệu quả phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá. Trong đó có việc tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT.

Hiếu Nguyễn
Theo Giáo dục & Thời đại