Thứ bảy, 18/01/2025 | 14:45
RSS

Học sinh trượt tốt nghiệp THCS vượt 'chướng ngại' Chương trình mới

Thứ tư, 11/12/2024, 10:33 (GMT+7)

Trượt tốt nghiệp THCS năm học vừa qua, nhiều học sinh tỉnh Nghệ An gặp khó khi phải học lại lớp 9 theo Chương trình GDPT mới.

Một tiết học của học sinh lớp 9 Trường THCS Hồ Tông Thốc (Yên Thành, Nghệ An). Ảnh: NVCC

Tuy vậy, ngành giáo dục các nhà trường đang nỗ lực hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho các em.

“Nút thắt” thay đổi chương trình

Năm học 2023 - 2024, huyện Yên Thành (Nghệ An) có 4.654 học sinh tốt nghiệp THCS, tỷ lệ đạt gần 99%. Trong số 62 học sinh chưa đủ điều kiện tốt nghiệp, khoảng 30% có nguyện vọng học lại lớp 9 để củng cố kiến thức, ôn tập kỹ càng và xét lại vào năm sau.

Tuy nhiên, năm học 2024 - 2025, học sinh lớp 9 học theo Chương trình GDPT 2018. Điều này đồng nghĩa những học sinh chưa tốt nghiệp, vốn đã quen với chương trình cũ, giờ đây phải đối mặt với một chương trình hoàn toàn mới. Sự khác biệt 2 chương trình sẽ gây khó khăn cho cả nhà trường lẫn học sinh trong việc dạy học và ôn tập.

Cô Hoàng Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Nhân Thành (Yên Thành) cho biết, nhà trường có 1 học sinh chưa tốt nghiệp THCS xin học lại lớp 9 để củng cố kiến thức, dự xét tốt nghiệp. Do số lượng học sinh xin học lại ít và chưa có hướng dẫn của cấp trên nên nhà trường đang bố trí cho em học ghép vào một lớp của khối 9.

Thế nhưng, khó khăn nảy sinh do sự khác biệt giữa hai chương trình không chỉ ở nội dung học tập, mà còn là phương pháp giảng dạy và đánh giá. Theo cô Hà, trong khi Chương trình GDPT 2018 chú trọng phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng tự học, thì chương trình cũ tập trung nhiều vào truyền đạt kiến thức. Điều này đặt ra thách thức lớn cho giáo viên và nhà trường trong việc giúp học sinh nắm bắt chương trình mới một cách hiệu quả. Giáo viên ngoài giảng dạy chương trình mới cho cả lớp còn phải có kế hoạch bồi dưỡng, kèm cặp học sinh học lại để xét tốt nghiệp.

Cũng gặp tình trạng tương tự, Trường THCS Hồ Tông Thốc (Yên Thành) năm học 2023 - 2024 có 14 học sinh chưa đủ điều kiện tốt nghiệp, trong đó 3 em xin học lại lớp 9. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, những em này được ghép vào một lớp của khối 9 và học chương trình mới như các bạn.

“Đầu năm học, một số phụ huynh đến xin cho con học lại, nhưng cũng có người cho con ở nhà tự ôn thi. Học sinh xin học lại phải học chương trình mới, còn em tự ôn thi thì làm các bài kiểm tra cuối kỳ môn Ngữ văn, Toán và những môn còn thiếu để xét tốt nghiệp lần 2”, thầy Trung trao đổi và thông tin: Trước mắt, nhà trường chủ động, linh hoạt trong việc bố trí lớp học, sắp xếp giáo viên, có thể tổ chức lớp học phụ đạo, dạy kèm cho học sinh học lại. Về lâu dài, cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành để giải quyết tận gốc vấn đề, giúp học sinh có cơ hội học tập tốt hơn.

Năm học này, lớp 9B Trường THCS Hồ Tông Thốc do thầy Nguyễn Văn Dũng làm chủ nhiệm có 3 học sinh chưa đỗ tốt nghiệp xin học lại. Những em này chủ yếu có học lực yếu, vì thế ngoài giảng dạy chính khóa trên lớp, thầy Dũng và một số giáo viên khác còn tổ chức các buổi bồi dưỡng, phụ đạo thêm cho các em một số môn như Toán, Ngữ văn.

Tuy nhiên, theo thầy Dũng, khó khăn nhất hiện nay là những học sinh trượt tốt nghiệp nhưng không đến trường học lại. Việc không nắm được kiến thức chương trình mới khiến cơ hội đỗ tốt nghiệp của các em rất thấp. Trong khi đó, do không đi học nên thầy, cô giáo tổ chức ôn tập cũng khó khăn.

“Từ đầu năm học, nhà trường có kế hoạch phụ đạo cho những em này. Ngoài ra, vì số lượng học sinh trượt tốt nghiệp năm trước xin học lại ít, hoàn cảnh khó khăn nên nhà trường không đặt nặng vấn đề kinh phí. Qua đó, tạo tâm lý tốt nhất để các em hoàn thành chương trình THCS”, thầy Dũng nói thêm.

Tại Trường THCS Hưng Tây (Hưng Nguyên), trong lớp 9C do cô Trịnh Thị Ngọc Đường là giáo viên chủ nhiệm có 1 học sinh xin học lại để dự xét tốt nghiệp vào năm sau. Sau 3 tháng học chương trình mới, em nắm được kiến thức cơ bản, không gặp nhiều khó khăn hay bỡ ngỡ.

“Dù chương trình và phương pháp dạy thay đổi, nhưng được giáo viên bộ môn phụ đạo thêm nên học sinh này đã theo kịp chương trình mới. Chúng tôi giảng dạy hết sức mình chỉ mong 100% học sinh lớp 9 đỗ tốt nghiệp để các em có thể thi và học tiếp THPT hoặc chọn học nghề tùy theo khả năng”, cô Đường nói thêm.

Ảnh minh họa ITN.

Tạo điều kiện tối đa để học sinh tốt nghiệp

Liên quan đến những học sinh học lại lớp 9 để xét tốt nghiệp THCS, bà Ngô Thị Hiền - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thành cho biết, học sinh của địa phương nào thì nhà trường nơi đó phải chịu trách nhiệm.

“Có một số hiệu trưởng hiểu sai, thắc mắc những em này đi học lại thì ai trả tiền? Hay học sinh cả huyện tập trung thành 1 lớp. Nhưng giáo dục phổ cập THCS là theo cấp xã, nên các nhà trường phải có trách nhiệm giảng dạy. Đến trường là quyền lợi của học sinh thì nhà trường, giáo viên cần đảm bảo và tạo điều kiện nhất có thể cho các em”, cô Hiền chia sẻ thêm.

Năm học 2023 - 2024, toàn huyện Hưng Nguyên có 15 em chưa đỗ tốt nghiệp THCS. Nhiều em trong số đó có nguyện vọng xin học lại để được xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, vướng mắc xảy ra khi các em học theo chương trình cũ, còn học sinh lớp 9 năm học 2024 - 2025 đang học Chương trình GDPT 2018.

Theo ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên, huyện đang tổng hợp ý kiến nhà trường để trình xin ý kiến sở GD&ĐT, có phương án cụ thể bố trí cho các em học lại chương trình lớp 9, đủ điều kiện tham gia xét tốt nghiệp THCS.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, năm học 2024 - 2025, Chương trình GDPT 2018 được thực hiện ở các khối, lớp. Vì thế, đầu tháng 9, Bộ GD&ĐT có văn bản đề nghị sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THCS tổ chức cho học sinh chưa hoàn thành chương trình cũ học lại theo chương trình mới.

Theo đó, các nhà trường tổ chức hướng dẫn, tư vấn học sinh lựa chọn môn học và chuyên đề học tập lựa chọn ở cấp học phổ thông phù hợp với năng lực học sinh và điều kiện thực tế nhà trường.

Ngoài ra, các trường cần có phương án phù hợp để hướng dẫn học sinh cập nhật, bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu để đáp ứng yêu cầu học theo Chương trình GDPT 2018.

Vấn đề bố trí học lại cho học sinh chưa đỗ tốt nghiệp THCS trong bối cảnh chuyển đổi chương trình học đòi hỏi sự quan tâm và hỗ trợ từ nhiều phía. Việc có phương pháp dạy và học hợp lý không chỉ giúp học sinh hoàn thành chương trình học, mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung.

Hy vọng với sự nỗ lực của các trường học, giáo viên và các cơ quan chức năng, những khó khăn này sẽ sớm được khắc phục và mang lại kết quả tốt đẹp cho tất cả học sinh.

“Em nào chưa đỗ tốt nghiệp, nếu có nguyện vọng đi học lại thì phụ huynh đăng ký với nhà trường để bố trí lớp và chọn môn học cần thiết tùy theo học lực. Các nhà trường chủ động, linh hoạt, tạo điều kiện tối đa giúp các em hoàn thành chương trình để xét tốt nghiệp”, ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ.

Phạm Tâm
Theo Giáo dục & Thời đại