Thứ bảy, 18/01/2025 | 14:56
RSS

Syria sụp đổ: Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ là ông chủ, Nga-Iran bất an

Thứ hai, 09/12/2024, 11:04 (GMT+7)

Phiến quân chiếm Damascus, tương lai của các lực lượng quân sự nước ngoài đang hiện diện ở Syria, gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Mỹ, Iran, sẽ ra sao?

Những nét chính trong tình hình Syria tính đến 15h00 giờ Damascus ngày 08/12/2024 (tức 19h00 Hà Nội) được trang web “SouthFront” tổng hợp như sau:

Phần lớn Syria, bao gồm cả thủ đô Damascus đều đã nằm dưới sự kiểm soát của quân nổi dậy. Tổng thống Bashar al-Assad đã ra nước ngoài và thoái vị, Thủ tướng Mohammad Ghazi al-Jalali có đủ can đảm để ở lại và đang thực hiện các sắp xếp để trao lại toàn bộ quyền lực cho quân nổi dậy.

Giữa tình trạng phá hoại, cướp bóc và giết chóc hàng loạt, lệnh giới nghiêm vô thời hạn đã được áp dụng ở thủ đô Damascus từ 4 giờ chiều đến 5 giờ sáng.

Trong bối cảnh chính quyền của ông Bashar al-Assad sụp đổ và chính quyền mới vẫn chưa được thành lập, tương lai của các lực lượng quân sự nước ngoài đang hiện diện trong lãnh thổ Syria đã trở thành một vấn đề đáng quan tâm nhất.

Nga đang liên lạc với tất cả các nhóm phiến quân lớn và dường như đang thảo luận về tương lai các căn cứ của mình ở tỉnh Latakia, song song với việc tạm thời di chuyển một số vũ khí, trang bị quan trọng từ Căn cứ Không quân Hmeimim và vùng phụ cận, tới Căn cứ Hải quân Tartus ở tỉnh này.

Trong khi đó, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ không rút quân khỏi Syria và sẽ tiếp tục chiếm đóng khu vực Al-Tanf (tỉnh Homs) và vùng đông bắc của đất nước này (gồm Raqqa, Deir eZ-zor, al-Hasakah).

Iran đang giảm sự hiện diện quân sự ở miền Tây Syria, giáp với lãnh thổ Lebanon. Trước đó, Tehran cũng đã sơ tán quan chức cao cấp, tướng lĩnh quân sự và công dân của mình ở Syria về nước.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tiến vào lãnh thổ hợp pháp của Syria, chiếm đóng một số khu vực trong Cao nguyên Golan và tuyên bố đây là “khu vực phong tỏa quân sự” nhằm thiết lập một khu vực an ninh, trong khi cũng cũng tấn công các kho vũ khí bỏ hoang của Quân đội Ả rập Syria (SAA).

Phong trào Vũ trang người Shiite Hezbollah - một trong những đồng minh quan trọng nhất của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad - đã rút quân ở Syria về lãnh thổ Lebanon, trong khi Quân đội chính quy của Lebanon đang huy động lực lượng tăng cường an ninh biên giới với Syria.

Quân đội quốc gia láng giềng phía đông của Syria là Iraq tiếp tục di chuyển các lữ đoàn thiết giáp và cơ giới về phía biên giới với Syria, cùng với đó, các đơn vị dân quân bán vũ trang Hashd Shaabi cũng đã được quan sát thấy ở khu vực biên giới giáp với Syria và cả Jordan.

Theo “SouthFront”, Thổ Nhĩ Kỳ có ý định xóa bỏ sự hiện diện của người Kurd Syria ít nhất là ở phía tây sông Euphrates trong tương lai gần. Thành phố Manbij ở Aleppo và các khu vực lân cận sẽ do lực lượng phiến quân được Ankara hậu thuẫn là Quân đội Quốc gia Syria (SNA), chiếm đóng.

Không chỉ có thế, sự hiện diện của người Kurd ở các khu vực phía đông sông Euphrates cũng đang bị đe dọa, bởi đã có nguồn tin cho biết, lực lượng của Hay’at Tahrir al-Sham đã xâm nhập thành phố Deir ez-Zor.

Hoàng Đức
Theo Giáo dục & Thời đại