Nga
Nga được nhắc đến khá nhiều trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Nếu bà Hillary Clinton đắc cử, quan hệ Washington - Matxcơva chắc sẽ không phải màu hồng mà tiếp tục duy trì trạng thái giữ khoảng cách và thiếu tin tưởng như hiện nay.
Đa phần người Nga cho rằng cách đối xử của Mỹ dành cho họ sẽ ít thay đổi cho dù ai thắng cử. Tuy nhiên, những lời “ấm áp” ông Trump dành cho Tổng thống Vladimir Putin cũng để lại chút ấn tượng. Thăm dò cho thấy 22% dân Nga có cái nhìn lạc quan về ông Trump so với chỉ 8% dành cho bà Clinton.
Mexico
“Sự trỗi dậy” của ông Donald Trump có lẽ gây ra bất an và tức giận ở Mexico nhiều hơn bất cứ quốc gia nào. Ông Trump từng gọi người nhập cư Mexico là “những kẻ cưỡng dâm”, “kẻ cướp”… rồi thì hứa sẽ bắt chính phủ Mexico bỏ tiền ra xây tường dọc biên giới hai nước để ngăn người Xexico vượt biên bất hợp pháp vào Mỹ.
Chưa hết, ông Trump còn đe dọa hủy Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và đánh thuế lên sản phẩm của Mexico.
Điều này khiến cộng đồng doanh nghiệp Mexico không khỏi lo lắng bởi họ đã đặt cược tất cả vào mối quan hệ gần gũi với Mỹ trong 25 năm qua. Nói tóm lại, dân Mexico coi Donald Trump là “kẻ thù số 1”.
Người Mexico theo dõi cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ tại thủ đô Mexico City - Ảnh: AFP
Canada
Từ bên kia biên giới, dân Canada cũng hồi hộp theo dõi bầu cử Mỹ, vốn sẽ quyết định ai là người lãnh đạo đối tác thương mại lớn nhất của họ. Thị trường Mỹ chiếm đến 60% giao thương toàn cầu của Canada trong năm 2014, chủ yếu là nhờ Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA).
Ông Donald Trump đã thề sẽ thương lượng lại điều khoản của hiệp ước này và dọa rút khỏi NAFTA nếu Canada và Mexico từ chối.
Thăm dò dư luận cho kết quả phần lớn dân Canada (khoảng 80%) ủng hộ bà Hillary Clinton. Nhưng sự ủng hộ này không đến từ khả năng xuất sắc của cựu ngoại trưởng Mỹ, lý do đơn giản chỉ là “Hillary không phải Trump”.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng nhiều lần từ chối thể hiện quan điểm ủng hộ ai. Ông Trudeau có một lần nói: “Tôi không muốn gây hấn với Donald Trump ngay bây giờ. Tôi cũng không ủng hộ ông ấy, hiển nhiên là vậy”.
Tuy nhiên, ông Trump cũng thu hút được một số lượng người hâm mộ nhất định ở Canada nhờ lời hứa sẽ bật đèn xanh cho dự án đường ống dẫn dầu Keystone giữa Mỹ và Canada.
Nhật Bản và Hàn Quốc
Dù Nhật chi ra mỗi năm 1,84 tỉ USD để duy trì hiện diện quân sự của Mỹ ở nước này, ông Trump thường xuyên chỉ trích Tokyo là “kẻ ăn nhờ ở đậu an ninh”. “Nếu ai đó tấn công Nhật, chúng ta sẽ khơi mào thế chiến thứ ba, phải không?
Nếu chúng ta bị tấn công, Nhật chẳng cần phải làm gì cả. Nghe có vẻ không công bằng lắm”, ứng viên Donald Trump từng nhiều lần lập luận như vậy trong quá trình tranh cử.
Trong khi đó, Hàn Quốc bỏ ra mỗi năm 850 triệu USD để nuôi lực lượng 28.500 lính Mỹ đóng ở khu vực biên giới với Triều Tiên nhưng cũng không thoát sự chỉ trích của ông Trump.
“Chúng ta phải nói cho Nhật, một cách tử tế, chúng ta phải nói cho Đức, rồi thì Hàn Quốc là các anh phải giúp chúng tôi… Mỹ đang bị tất cả bóc lột trên khắp thế giới” - ứng viên Donald Trump từng tuyên bố xanh rờn.
Nhưng điều đáng báo động hơn cả không phải là sự keo kiệt của ông Trump, cái đáng sợ là ông này còn “gợi ý” Nhật và Hàn Quốc nên thôi dựa dẫm vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ và tự phát triển chương trình hạt nhân của họ!
Các nhà phân tích đồng ý là nếu điều đó xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á - Thái Bình Dương là "không thể tránh khỏi".
Các sinh viên tham gia một sự kiện theo dõi cuộc tranh luận tổng thống Mỹ ở Tokyo - Ảnh: Reuters
Đức
Nếu bà Hillary Clinton tranh cử cùng ông Trump ở Đức thì bà sẽ thắng lớn. Thăm dò dư luận bởi Viện Infratest Dimap cho kết quả 86% người Đức ủng hộ bà Clinton. Thậm chí trong nội bộ đảng dân túy cực hữu Alternative für Deutschland, chỉ có ¼ số người nói ủng hộ ông Trump.
Quan điểm phổ biến ở Đức là “tổng thống Trump” sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu bất ổn hơn, một diễn biến mà trong tư cách một quốc gia xuất khẩu, Đức không thể chấp nhận được. “Donald Trump là mối nguy đối với sự thịnh vượng của chúng ta” – báo Die Welt viết.
Tuy nhiên, báo Der Spiegel cũng ghi nhận sự thiếu nhiệt tình của công chúng Đức đối với bà Clinton. Một lần nữa, có lẽ họ chọn bà Clinton chỉ vì “đó không phải là Trump”.
Ý
Ở Ý, tỉ lệ ủng hộ dành cho bà Clinton cũng khá cao – khoảng 63%. Người Ý còn so sánh ông Trump với hai cựu lãnh đạo của họ: nhà độc tài phát xít Benito Mussolini và ông Silvio Berluscon - tỉ phú truyền thông thắng ba cuộc bầu cử nhưng cuối cùng mất chức vì xìcăngđan thuế và tình dục. Ông Trump được gắn biệt danh là “Berlusconi của nước Mỹ”.
Tại Ý, cuộc đua vào Nhà Trắng ở Mỹ thường được nhìn qua lăng kính chính trị của mỗi đảng phái khác nhau và các nhà lãnh đạo nước này không ngại ngùng trong việc thể hiện quan điểm.
Thủ tướng Matteo Renzi, lãnh đạo Đảng Dân chủ, công khai ủng hộ bà Clinton thậm chí từ khi bà chưa được chính thức đề cử. Về phe cánh hữu, lãnh đạo Đảng Liên minh Phương bắc Matteo Salvini còn đích thân bay qua Mỹ để cổ vũ cho Donald Trump. Đảng Phong trào năm sao thì ủng hộ bà Jill Stein, ứng viên Đảng Xanh của Mỹ…
Nghệ sĩ người Ý Dario Gambarin dùng máy cày vẽ nên bức chân dung của ông Trump trên cánh đồng gần thành phố Verona - Ảnh: AFP
Anh
London sẽ rất biết ơn nếu ứng viên yêu thích của họ - bà Hillary Clinton - trở thành tổng thống Mỹ. Điều này đồng nghĩa họ sẽ có một tổng thống đáng tin cậy, một con người luôn gắn kết với châu Âu, tin vào “mối đe dọa Nga” và chia sẻ quan điểm trong vấn đề Syria.
Nước Anh xem mối quan hệ với Mỹ là chìa khóa đánh bật lại quan điểm "Brexit (rời Liên minh châu Âu) sẽ dẫn đến một nền ngoại giao cô lập hơn".
Quan hệ Anh - Mỹ dưới triều ông David Cameron và Barack Obama không phải là quá tệ dù cũng có đôi lúc gập ghềnh.
Mỹ cho rằng Anh, Pháp phải chịu trách nhiệm vì để Libya lâm vào tình trạng hỗn loạn trong khi ông Obama dường như chưa bao giờ hiểu rõ tác động của cuộc khủng hoảng di dân gây ra do cuộc chiến Syria đối với châu Âu.
Ông Donald Trump (giữa) cùng con trai Donald Jr. khai trương khách sạn và sân gôn ở Ayrshire, Scotland - Ảnh: Guardian