Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:26
RSS

Thế giới một năm quay cuồng với Covid-19

Thứ tư, 30/12/2020, 10:55 (GMT+7)

Một năm trôi qua có thể được ghi nhớ với nhiều điều, nhưng đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng sức khỏe tàn khốc nhất trong lịch sử thế giới chính là sự kiện có tác động lớn nhất đến mọi lĩnh vực trong năm 2020.

Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người, làm gián đoạn sinh kế của hàng triệu người khác và phá hoại nền kinh tế toàn cầu, tuy nhiên chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Thế giới một năm quay cuồng với Covid-19.2

 Thành phố Vũ Hán, Trung Quốc những ngày khởi phát dịch Covid-19. Nguồn: AP.

Sự xuất hiện của mầm bệnh mới ở Trung Quốc

Thế giới lần đầu tiên biết đến loại virus mới vào ngày 31/12/2019, khi cơ quan y tế ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đưa ra thông báo về các trường hợp "viêm phổi không rõ nguyên nhân do virus ". Nó được công bố rộng rãi hơn bởi Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Trung Quốc, nơi đã thông tin về các nhóm bệnh nhân mắc viêm phổi và chia sẻ thông tin chi tiết hơn với các quốc gia thành viên vào đầu tháng 1. Từ đó, tình hình diễn biến nhanh chóng.

Ngày 9/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo, các trường hợp viêm phổi là do virus Corona mới gây ra.

Ngày 11/1, WHO cho biết, họ đã nhận được một sơ đồ di truyền của loại virus mới. Cùng ngày hôm đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin về trường hợp tử vong đầu tiên liên quan đến căn bệnh do virus gây ra. Trong hai ngày sau đó, Thái Lan phát hiện trường hợp lây nhiễm đầu tiên được phát hiện bên ngoài Trung Quốc.

Ngày 14/1, WHO đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên thông tin về loại virus Corona mới, ghi nhận khả năng "lây truyền từ người sang người có giới hạn”.

Trong khoảng thời gian từ ngày 20-21/1, WHO đã thực hiện sứ mệnh đầu tiên tại Vũ Hán và cho biết, thực sự có bằng chứng cho thấy sự lây truyền từ người sang người của loại virus Corona mới.

Vào khoảng thời gian đó, những trường hợp đầu tiên của căn bệnh mới đã được xác định ở Nhật Bản và Pháp. Những video đáng lo ngại đã được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nhiều người gục ngã trên đường phố Vũ Hán. Hệ thống y tế của thành phố sớm bị đẩy đến bờ vực, với các bệnh viện quá tải, bệnh nhân cũng như bác sĩ đều trở thành nạn nhân của loại virus mới.

Ngày 23/1, chính quyền địa phương đã áp đặt một lệnh cấm nghiêm ngặt đối với Vũ Hán và các thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc nhằm nỗ lực hạn chế tình trạng lây nhiễm gia tăng.

Ngày 11/2, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đã chính thức đặt tên cho căn bệnh do virus Corona mới gây ra là Covid-19 và ngày 11/3, trong bối cảnh các ca lây nhiễm tăng nhanh như quả cầu tuyết, WHO đã tuyên bố Covid-19 là một đại dịch.

Thế giới một năm quay cuồng với Covid-19.1

 Nguồn: AP.

Hàng triệu người bị “trói chân”, nền kinh tế bị tàn phá

Su thế toàn cầu hóa và sự kết nối của thế giới hiện đại cùng với phản ứng chậm chạp của chính phủ các nước đã dẫn đến việc virus nhanh chóng lây lan từ quốc gia này sang quốc gia khác, thậm chí đến cả các vùng sâu vùng xa và các vùng đang có chiến tranh.

Vào tháng 3, thế giới kinh hoàng theo dõi các điểm nóng mới của virus xuất hiện trên toàn cầu. Nạn nhân của Covid-19 nhanh chóng tràn ngập các nhà xác ở miền Bắc nước Ý, thậm chí, một tờ báo ở Bergamo đã xuất bản 10 trang cáo phó.

Trong khi đó, Chính phủ Iran phải tạm thời trả tự do cho hàng nghìn tù nhân khi các trường hợp nhiễm Covid-19 và tử vong tăng cao. Hàn Quốc thì phải vật lộn để ngăn chặn sự lây lan theo cấp số nhân từ một nhóm người thuộc một giáo phái.

Làn sóng đầu tiên của đại dịch đã quét qua thế giới một cách tàn nhẫn. Việc hạn chế đi lại, tăng cường kiểm tra và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như đeo khẩu trang và rửa tay không thể ngăn chặn sự lây lan của virus, các ca bệnh vẫn tiếp tục tăng cao ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á.

Các chính phủ đổ xô tích trữ thiết bị bảo hộ cho nhân viên tiền tuyến của mình, trong khi người dân đổ xô đến các cửa hàng tạp hóa, tích trữ thực phẩm, vật dụng và giấy vệ sinh. Ngay cả ở các nước phát triển, hệ thống y tế cũng đã sụp đổ trước áp lực của dịch bệnh, bởi nguồn kinh phí không đủ và sự chuẩn bị sơ sài.

Vào tháng 4, khi Vũ Hán dỡ bỏ lệnh cấm vận kéo dài nhiều tháng, thì phần còn lại của thế giới lại bước vào đợt “giam lỏng” công dân nước mình khi yêu cầu mọi người ở trong nhà. Việc đóng cửa du lịch quốc tế, cấm lưu trú đối với người nước ngoài và đóng cửa các doanh nghiệp đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến sự sụp đổ tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán kể từ năm 1987, chưa kể, hàng trăm triệu người mất việc làm theo đó. Ngân hàng Thế giới ước tính, GDP toàn cầu sẽ giảm 5,2% vào năm 2020.

Vào mùa hè, số ca mắc mới bắt đầu giảm ở các khu vực khác nhau, dẫn đến việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch và thậm chí một số quốc gia đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 9, ở châu Âu và các khu vực khác, các ca mắc mới hàng ngày bắt đầu tăng trở lại, báo hiệu sự bắt đầu của làn sóng lây nhiễm thứ hai. Mặc dù đã có sự chuẩn bị tốt hơn nhiều trong đợt bùng phát này, nhưng nhiều quốc gia vẫn buộc phải thắt chặt các biện pháp y tế và thậm chí áp đặt lệnh tạm trú tại nhà để ngăn chặn các trường hợp lây lan.

Tuy nhiên, mức tăng hàng ngày toàn cầu hiện đang vượt qua con số đỉnh cao của đợt dịch mùa xuân. Vào cuối tháng 11, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt qua 60 triệu ca (chỉ mất 17 ngày để tăng từ 50 lên 60 triệu ca mắc).

Thế giới một năm quay cuồng với Covid-19

 Nghiên cứu vaccine Covid-19.

Một tia hy vọng - Vaccine

Vào thời điểm bắt đầu bùng phát dịch, không có phương pháp điều trị bệnh nào được biết đến ngoài thở oxy, không có đủ phương tiện chẩn đoán để đảm bảo xét nghiệm đầy đủ và không có vaccine để ngăn virus lây lan.

Tuy nhiên hiện nay, chúng ta đã có nhiều hệ thống xét nghiệm khác nhau, điển hình xét nghiệm kháng nguyên cung cấp kết quả nhanh chóng trong 15 phút. Và có vẻ như bây giờ chúng ta còn sắp có vaccine, vì 4 ứng cử viên đã cho thấy hiệu quả trên 90% trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Đó là 2 loại vaccine hoạt động theo cơ chế 2 vector, một do Đại học Oxford và hãng dược phẩm khổng lồ AstraZeneca của Anh phát triển, và một vaccine khác được phát triển bởi Viện Gamaleya của Nga. Hai loại khác, sử dụng nền tảng mRNA mới nổi, được phát triển bởi các công ty dược phẩm Mỹ Moderna và Pfizer.

Theo thống kê của WHO về các ứng viên vaccine, cho tới nay, riêng Trung Quốc đã có 5 loại vaccine đang được thử nghiệm giai đoạn cuối, trong khi đó, tính trên toàn cầu, tổng số vaccine trong các giai đoạn đánh giá lâm sàng khác nhau vượt quá 50 loại.

Anh, Mỹ và Nga đã bắt đầu tiêm chủng, ưu tiên nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn cảnh báo không nên quá lạc quan trước tình hình. Bởi dù các nhà sản xuất đang làm việc suốt ngày đêm để tăng công suất, nhưng việc sản xuất và phân phối vaccine sẽ mất nhiều thời gian hơn chúng ta tưởng.

Ngoài ra, vẫn còn quá nhiều câu hỏi cần được giải đáp về hiệu quả của vaccine, khi các thử nghiệm lâm sàng vẫn đang được tiến hành.

"Thứ nhất, liệu vaccine có bảo vệ con người khỏi nhiễm trùng nặng và nhiễm trùng gây tử vong không? Thứ hai, liệu các đối tượng được tiêm chủng có khả năng lây nhiễm cho người khác không? Thứ ba, nếu vaccine bảo vệ được con người thì sẽ có tác dụng trong bao lâu?", Giáo sư Santiago Mas-Coma, Chủ tịch Liên đoàn Y học Nhiệt đới Thế giới và là chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới chia sẻ hồi cuối tháng 11.

Hà Anh
Theo Đại đoàn Kết