Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:53
RSS

Thế giới ghi nhận hơn 15 triệu ca bệnh Covid-19, Mỹ vượt 4 triệu ca

Thứ tư, 22/07/2020, 07:04 (GMT+7)

Tính đến 6h sáng nay, 22/7, thế giới cán mốc trên 15 triệu ca bệnh, Việt Nam ghi nhận thêm 5 ca nhiễm từ nước ngoài nhập cảnh.

Sự kiện:
Covid-19

Tình hình dịch sáng 22/7: thế giới cán mốc trên 15 triệu ca bệnh

Thế giới cán mốc trên 15 triệu ca bệnh

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 22/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 15.071.024 ca, trong đó có 618.265 người thiệt mạng.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với Covid-19 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (62.518 ca), Ấn Độ (39.168 ca), Brazil (38.009 ca), trong khi Brazil dẫn đầu về số ca tử vong (1.236 ca), tiếp theo là Mỹ (1.054 ca) và Ấn Độ (672 ca). 

Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh với 4.023.947 ca nhiễm và 144.888 ca tử vong. Trong cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh ngày 21/7, Tổng thống Donald Trump cho rằng, dịch bệnh "có thể sẽ tồi tệ đi trước khi tốt lên. Tôi không thích nói về điều này, nhưng đó chính là cách nó diễn ra". Nhà lãnh đạo Mỹ cũng thể hiện quan điểm mạnh mẽ nhất cho đến nay của ông về việc đeo khẩu trang khi nói rằng đó là cách hiệu quả để kiểm soát sự lây lan của virus. "Chúng tôi đề nghị mọi người, khi các bạn không thể giãn cách xã hội hãy đeo khẩu trang. Dù bạn có thích khẩu trang hay không, chúng cũng có tác dụng" chính là quan điểm mới của Tổng thống trong tuần qua, khác hẳn với trước đây khi số ca nhiễm tăng vọt mỗi ngày.

Đứng thứ hai về số ca nhiễm vẫn là Brazil. Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận thêm 1.236 ca tử vong. Hiện gần 2.159.654 triệu người dân Brazil đã mắc Covid-19 trong tổng dân số 212 triệu người. Cùng với đó, Brazil cũng thông báo thêm hai thành viên trong nội các của Tổng thống Jair Bolsonaro đã nhiễm virus SARS-CoV-2, đó là Bộ trưởng giáo dục Milton Ribeiro và Bộ trưởng phụ trách vấn đề công dân Onyx Lorenzoni.    

Đứng thứ 3 là Ấn Độ với con số "khủng", 1/4 dân số thủ đô New Delhi mắc bệnh. Để phòng ngừa, các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội vẫn cần phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Tới 6h ngày 22/7, Ấn Độ ghi nhận 1.194.085 ca mắc C0vid-19, tăng thêm 39.168 ca trong vòng 24 giờ, và 28.771 ca tử vong, tăng thêm 672 ca.

Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Ngày 21/7, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết có thêm 45 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 13.816 ca. Như vậy, số ca nhiễm mới theo ngày đã tăng gần gấp đôi so với 26 ca ghi nhận của một ngày trước đó. Đây là lần đầu tiên dịch bệnh tại Hàn Quốc có dấu hiệu nóng trở lại sau 28 ngày số ca nhiễm được ghi nhận ở mức thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng lao động người nước ngoài nhập cảnh từ Iraq tăng nhanh và một loạt ổ dịch trên các tàu hàng của Nga đang neo đậu ở thành phố cảng Busan (miền Nam Hàn Quốc). Số ca tử vong tại Hàn Quốc vẫn ở mức 296 ca.

Indonesia cũng ghi nhận thêm 1.655 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 89.869 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 81 ca lên 4.320 ca. Tại Malaysia, nhà chức trách thông báo nước này sẽ tái áp dụng quy định cách ly bắt buộc tại các trung tâm của chính phủ đối với những người trở về từ nước ngoài, kể từ ngày 24/7 tới. Những người thực hiện cách ly bắt buộc sẽ phải tự chi trả chi phí lưu trú, bất kể là ở khách sạn hay trung tâm cách ly. Theo Bộ Y tế Malaysia, trong ngày 21/7, nước này đã ghi nhận thêm 15 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 8.815 ca. Số ca tử vong vẫn ở nguyên mức 123 ca.

Việt Nam tính đến 6h sáng nay đã ghi nhận 5 ca nhiễm từ người nhập cảnh đã được cách ly lập tức, 94 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. 

Thanh Mai (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN