Theo Quyết định thành lập, Trường Đại học Y Dược có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; thực hiện tự chủ theo quy định của Chính phủ; chịu sử quản lý trực tiếp của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), quản lý nhà nước về giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quản lý về lãnh thổ của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trường Đại học Y Dược là hiện thực hóa truyền thống đào tạo Y Dược của Đại học Đông Dương – đơn vị tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội và cũng là những bước hoàn thiện mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực phù hợp với xu thế chung của các cơ sở giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới.
Thời gian tới, trường Đại học Y Dược sẽ tập chung phát triển các lĩnh vực có nhu cầu cao của ngành khoa học sức khỏe: Y học (bệnh học, điều trị học), dược học (nghiên cứu và phát triển thuốc), công nghệ và kỹ thuật y học hiện đại (công nghệ y sinh học phân tử - tế bào, kỹ thuật xét nghiệm, kỹ thuật hình ảnh y học, thiết bị và vật liệu y sinh…); kết hợp nghiên cứu và triển khai ứng dụng các sản phẩm khoa học liên ngành sẵn có ở ĐHQGHN như khoa học và công nghệ y - sinh phân tử - tế bào - miễn dịch, công nghệ nano, các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị mới…
Ảnh minh họa
Về nhân lực, hiện nay Trường ĐH Y Dược có số lượng cán bộ cơ hữu là 147 người trong đó có 52 cán bộ giảng dạy, đảm bảo tỷ lệ 01 cán bộ giảng dạy/15 sinh viên. Giảng viên có trình độ TS chiếm 50% chức danh GS và PGS chiếm 27%.
Hiện nay, đội ngũ giảng viên thỉnh giảng với trên 350 người là các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực y học, dược học, hiện đang công tác tại các cơ sở có uy tín là các bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, bệnh viện E, Nhi trung ương, Phụ sản, Huyết học và Truyền máu trung ương,... và các trường đại học thành viên trực thuộc ĐHQGHN cùng các doanh nghiệp dược trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, bệnh viện E là bệnh viện thực hành chính và bệnh viện ĐHQGHN là bệnh viện trực thuộc chịu sự quản lý trực tiếp của khoa Y Dược.
Trường Đại học Y Dược hoạt động theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập do Chính phủ quy định sẽ phát huy được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Lộ trình và Quy mô đào tạo của trường được xác định dựa trên nhu cầu của xã hội và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
Tới năm 2025, nhà trường xây dựng và hoàn thiện mô hình tiên tiến về đào tạo một số ngành với quy mô tuyển sinh đại học mỗi năm khoảng 1.000 sinh viên. Quy mô đào tạo sau đại học/tổng quy mô đào tạo tăng dần và đạt 30%; tỷ lệ quy mô đào tạo tiến sĩ/quy mô sau đại học đạt 30%; sinh viên quốc tế chiếm 5%.
Đến năm 2030, Trường ĐH Y Dược sẽ tổ chức đào tạo 16 ngành đại học, 16 chuyên ngành thạc sĩ, 16 chuyên ngành tiến sĩ và 16 chuyên ngành nội trú với dự kiến quy mô đào tạo khoảng 4.300 sinh viên đại học chính quy; khoảng 400 học viên cao học và nghiên cứu sinh; khoảng 600 bác sĩ nội trú và chuyên khoa.
Như vậy, hiện nay ĐHQGHN gồm 8 trường đại học thành viên: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Giáo dục, Trường ĐH Việt Nhật và Trường ĐH Y Dược.