Thứ ba, 23/04/2024 | 04:03
RSS

Thanh Hóa triệt phá 'tập đoàn' tín dụng đen hơn 500 tỷ đồng

Thứ năm, 29/11/2018, 15:46 (GMT+7)

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và công an nhiều tỉnh thành trên cả nước vừa triệt phá thành công băng nhóm tội phạm nguy hiểm hoạt động dưới mác công ty tài chính Nam Long tín dụng đen.

Sáng 29/11, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với bộ Công an tổ chức họp báo tại Thanh Hóa để thông tin việc đơn vị này vừa phối hợp với Bộ triệt phá thành công một “tập đoàn” hoạt động tín dụng đen có chi nhánh tại 63 tỉnh thành trong cả nước.

Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc - Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa phối hợp với bộ Công an triệt phá thành công vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng đen của một "tập đoàn" có quy mô hoạt động tại 63 tỉnh thành trên cả nước, với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi và tàn bạo.

Thanh Hóa triệt phá 'tập đoàn' thu tín dụng đen hơn 500 tỷ đồng
Các đối tượng bị bắt khi phá "tập đoàn" tín dụng đen. Ảnh: CACC

Qua đấu tranh bước đầu, cơ quan Công an xác định, các đối tượng tự lập công ty tài chính Nam Long. Thủ đoạn của băng nhóm này là lừa người dân về việc đang hợp tác với ngân hàng để cho vay tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, công ty này không hề tồn tại mà đứng ra ký hợp đồng là một công ty tư nhân.

Bằng thủ đoạn trên, các đối tượng đã cho vay với lãi suất lên đến trên 300%/năm. Sau khi người dân vay tiền, các đối tượng sẽ đưa ra nhiều khoản thu ngoài hợp đồng và sẵn sàng thực hiện “biện pháp mạnh” để khống chế người vay.

Công ty này hoạt động kinh doanh cho vay tài chính dưới các hình thức hợp đồng trả góp trong thời hạn 41-51 ngày, mỗi ngày, người vay phải trả tiền gốc và lãi là 3% hoặc 2,5% tổng số tiền vay; ngoài ra còn hợp đồng "lãi đứng" với mức lãi từ 15-30%/ngày.

Bộ máy của tổ chức tín dụng đen Nam Long có 26 chi nhánh ở 63 tỉnh thành phố trên cả nước. Mỗi chi nhánh phụ trách 2-5 tỉnh và do 1 người quản lý.

Tính đến thời điểm bị phát hiện, đã có hơn 200 khách hàng bị dính bẫy tín dụng đen của công ty này và tổng số tiền giao dịch là hơn 510 tỉ đồng.

Riêng đối với nhân viên, công ty này còn lập nên hệ thống các văn bản quy định nội bộ, quy chế kỷ luật hà khắc, ràng buộc chặt chẽ nhân viên với công ty như phạt từ 50 đến 100 triệu đồng nếu phá hợp đồng; tự chặt ngón tay nếu vi phạm quy chế; hay sẵn sàng chấp nhận nguy cơ bản thân và gia đình bị bắt cóc, đe dọa, hành hung. Điều kiện kỷ luật hà khắc này là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của anh Nguyễn Văn Minh.

Sau 4 tháng tổ chức điều tra, hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Cố ý gây thương tích, giữ người trái pháp luật cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự"; khởi tố 9 bị can trong ổ nhóm do Nguyễn Đức Thành (SN 1988, ngụ phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM) chủ mưu, cầm đầu.

Cụ thể, Thành bị khởi tố về tội "Cố ý gây thương tích; cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự"; Ngô Văn Chương (SN 1988, ngụ huyện Chương Mỹ, Hà Nội) về tội "Giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự"; Trần Văn Phiên (SN 1989, thị trấn Thịnh Long) và Đoàn Minh Cương (SN 1989, ngụ xã Hải Lý), cùng huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định về tội "Cố ý gây thương tích"; Nguyễn Thành Long (SN 1998), Vũ Văn Thanh (SN 1989; cùng ngụ TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), Bùi Văn Chung (SN 1992, ngụ quận Kiến An, TP Hải Phòng) về tội "Bắt giữ người trái pháp luật"; Nguyễn Cao Thắng (SN 1984, ngụ phường 15) và Trần Hồng Phong (SN 1985, ngụ phường 11), cùng quận 10, TP HCM về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đang bắt tạm giam 4 tháng với 7 bị can, truy nã 2 bị can Nguyễn Cao Thắng và Trần Hồng Phong. Vụ án đang được Công an tỉnh Thanh Hóa và Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) tiếp tục mở rộng điều tra.

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN